Đối với giao tiếp hàng ngày, bên cạnh việc có một phong cách giao tiếp tốt, chúng ta còn phải có kỹ năng từ chối một cách khéo léo. Có thể nói, nghệ thuật từ chối vô cùng quan trọng, không chỉ giúp tránh được những việc không mong muốn, mà còn có được thiện cảm từ mọi người.
Với nghệ thuật từ chối, chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để từ chối mà vẫn cho đối phương thấy được sự tôn trọng; biết cách làm thế nào để đối phương vẫn cảm thấy vui vẻ trong khi bị từ chối?
Hôm nay, hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về nghệ thuật từ chối trong giao tiếp, nghệ thuật từ chối trong công việc để đạt được những lợi ích nói trên một cách hiệu quả nhất nhé.
Nghệ thuật từ chối trong giao tiếp
Người Á Đông nói chung thường đề cao lối sống tình cảm và nhẹ nhàng; cách làm việc, hợp tác phần lớn cũng thiên nhiều về nền tảng tình cảm. Chính vì thế, việc mà chúng ta nói ra lời từ chối một đề nghị của ai đó bất kỳ đôi khi rất khó xử.
Đối với những tình huống như thế, đôi khi chúng ta sẽ cả nể mà nhận lời rồi sau đó khiên cưỡng làm việc đó nhưng lại không hề cảm thấy vui vẻ gì, mà thậm chí còn mang nặng áp lực về mặt tinh thần.
Đối môi trường công sở, đôi khi bạn cũng nên học nghệ thuật từ chối sếp, từ chối những lời đề nghị như làm giúp báo cáo, kế hoạch, hay tính giùm các khoản về dự trù kinh phí. Bởi nếu chúng ta miễn cưỡng nhận lời làm một vài lần đầu tiên, thì vào những lần sau đó, có thể đối phương sẽ tự mặc định bạn sẽ là người phải làm công việc đó giúp họ.
Đối với trường học, các bạn sinh viên cũng nên tự trang bị cho mình nghệ thuật từ chối trong giao tiếp, để có thể tránh những lời đề nghị từ phía bạn bè như: cho mượn tiền, làm giúp bài tập nhóm, điểm danh giùm…
Hay phổ biến hơn là phải biết cách từ chối những lời rủ rê lôi kéo đến những nơi mà bản thân không cảm thấy mình thuộc về. Bởi nếu không biết cách từ chối một cách khéo léo, hoặc là bạn có thể sẽ mất tiền, hoặc là mất đi tình bạn vốn có.
Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng tìm cách từ chối khi được ai đó nhờ vả. Theo đó, chúng ta nên xác định được đâu là tình huống nên từ chối hoặc nhận lời cho hợp lý nhất.
Khi nào chúng ta nên từ chối?
Trong một số trường hợp như sau, bạn nên cân nhắc đến việc từ chối lời đề nghị từ đối phương.
- Cân nhắc về mối quan hệ giữa bạn và người đó. Xem thử lời từ chối liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ mà cả hai đang có. Thông thường thì chúng ta có thể từ chối một cách khéo léo lời đề nghị của một ai đó có quan hệ không quá thân thiết.
- Tuyệt đối từ chối và không nhận làm giúp những việc mà chính bản thân bạn không hiểu rõ. Bởi lẽ, chúng ta có thể sẽ mất nhiều thời gian, công sức của bản thân để hoàn thành chúng. Nhưng không chắc những thứ chúng ta làm đã mang lại giá trị đúng mà họ mong muốn. Thậm chí, trong một số trường hợp, thứ mà chúng ta nhận được lại là lời chê bai hoặc sự nghi ngờ về năng lực của bản thân.
- Hãy áp dụng nghệ thuật từ chối nếu bạn cảm thấy không có cảm giác muốn thực hiện nó. Lúc đó, hãy thẳng thắn nói câu từ chối và xin lỗi vì không thể giúp đối phương. Bởi lẽ, khi chúng ta làm một việc mà bản thân không hứng thú thì cũng khó đem lại kết quả khả quan được.
Làm gì để áp dụng nghệ thuật từ chối hiệu quả?
Hiểu về bản thân
Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu rõ cảm giác, mong muốn, cũng như năng lực của bản thân có thể đáp ứng của mình đối với lời đề nghị đó hay không. Đặc biệt, thời gian và chuyên môn của bạn có phù hợp với lời đề nghị đó không.
Nếu nhận thấy rằng mối quan hệ đó không quá thân thiết, cộng thêm lời đề nghị đó lại không phù hợp chuyên môn của bạn thì hãy áp dụng nghệ thuật từ chối ngay nhé.
Thể hiện sự tôn trọng
Trong trường hợp, bạn cảm thấy bản thân không có đủ thời gian, cũng như hứng thú, năng lực để làm công việc được nhờ vả thì hãy từ chối một cách nhẹ nhàng, ngắn gọn nhưng phải rất lịch sự, thể hiện sự tôn trọng của bạn với đối phương.
Tuyệt đối không được hành xử thô lỗ, bày tỏ thái độ khó chịu với họ. Đôi khi, chúng ta không cần trực tiếp nói “không”, mà có thể dùng nhiều cách biểu đạt khéo léo khác nhau thể hiện sự từ chối.
Giải thích lý do bạn từ chối
Để người đề nghị không quá bị tổn thương, khi từ chối bạn có thể kèm thêm sự giải thích vì sao bạn không thể thực hiện được lời đề nghị ấy.
Bạn chỉ cần giải thích một cách ngắn gọn, rõ ràng. Điều này sẽ giúp bạn nhận được cái nhìn thông cảm từ đối phương nhiều hơn đấy.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tìm kiếm một phương pháp, một nghệ thuật từ chối lời mời nào đó phù hợp hơn; hay thậm chí là cho họ một người hội đủ các điều kiện trình độ chuyên môn để thay thế.
4 cách từ chối lời mời mà không gây mất lòng đối phương
Như đã nói, việc từ chối ai đó chưa bao giờ là một việc dễ dàng đối với mỗi người trong chúng ta. Theo một nghiên cứu từng được tạp chí Psychology Today đăng tải cách đây không lâu, tâm lý chung của con người chúng ta thường có xu hướng hạn chế tối đa gây ra những mâu thuẫn không đáng, cũng như cố gắng để không làm người khác phải phiền lòng.
Chính vì vậy mà việc luôn luôn đồng ý đối với phần lớn mọi lời đề nghị luôn là giải pháp tối ưu nhất mà chúng ta lựa chọn.
Thế nhưng, cũng sẽ có những lúc, chúng ta bị rơi vào những tình huống mà bản thân có thể nói không. Chỉ cần bạn tinh tế, biết được nghệ thuật từ chối thì bạn vẫn có thể nói lời từ chối đối phương mà không sợ sẽ gây nên bất kỳ những ảnh hưởng với người xung quanh.
Và dưới đây sẽ là 4 bí thuật trong nghệ thuật từ chối được chia sẻ bởi tác giả Ivan Misner. Hy vọng với phương pháp này, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đưa ra lời từ chối phù hợp mà không làm người khác cảm thấy mất lòng.
Cho họ biết bạn sợ khiến họ thất vọng
Đầu tiên, một trong những bí quyết hàng đầu của nghệ thuật từ chối được Ivan áp dụng đó chính là hãy nói có, nhưng lại tinh tế mang hàm ý từ chối.
Theo đó, khi nhận được lời đề nghị từ ai đó, bạn đừng nên vội vàng nói không ngay ở câu đầu tiên. Thay vào đó, bạn hãy cho đối phương cảm nhận được sự thiện chí của bạn trước, nhưng ngầm ý đi kèm với đó là một lời mang tính cảnh báo trước như : “Nếu tôi đồng ý với lời đề nghị của bạn, thì có thể tôi sẽ khiến bạn thất vọng, và kết quả sẽ không được như mong đợi đấy nhé”.
“Đề cử” một người phù hợp hơn
Trong trường hợp, nếu như lời đề nghị hỗ trợ từ đối phương không có liên quan gì đến chuyên môn, khả năng cũng như công việc của bạn, thì hãy từ chối một cách nhẹ nhàng.
Lúc này, bạn có thể chia sẻ thẳng thắn rằng đây là vấn đề không thuộc chuyên môn cá nhân của tôi, nên tôi không thể nào hỗ trợ bạn được.
Tuy vậy, bạn cũng không nên để câu chuyện kết thúc ở lời từ chối đó. Thay vào đó, bạn có thể chủ động giới thiệu họ đến những người mà bạn tin rằng có đầy đủ kỹ năng, năng lực, chuyên môn để thực hiện đề nghị này.
Có thể nói, không một ai có thể nỡ lòng nào mà từ chối một lời từ chối khéo léo và nhiệt tình như thế.
Chia sẻ một cách thẳng thắn
Trong một số trường hợp, bạn có thể nói thẳng rằng đó hoàn toàn không phải là chuyên môn của bạn, nên không thể giúp gì được.
Trên thực tế, đôi khi tất cả những gì chúng ta cần đó chính là một lời nói thẳng thắn như thế. Theo tác giả, mọi thứ đều phải đầu từ việc chúng ta hiểu rõ về bản thân, năng lực và chuyên môn và mục đích công việc của mình.
Chủ động đưa ra một giải pháp khác
Nếu như nhận thấy lời đề nghị của đối phương là không phù hợp với công việc chuyên môn của bạn, bạn có thể hoàn toàn thử thay đổi lời đề nghị ấy sang một giải pháp khác, xuất phát từ chính cá nhân bạn.
Theo tác giả, thay vì từ chối hoàn toàn việc gửi các email mang tính tin tức đến với các địa chỉ có sẵn trong danh bạ cá nhân, bản thân tác giả đã đề nghị đối phương sử dụng mạng xã hội. Việc này vừa giúp giải quyết được vấn đề của mọi người, lại vừa có thể giúp tác giả giữ được mối quan hệ với đối tác mà bản thân đang cố gắng xây dựng.
Mặc dù chúng ta biết rằng, những điều khó chịu có thể khiến chúng ta dễ dàng đưa ra những lời từ chối, thế nhưng việc buông lời từ chối một cách thẳng thừng đôi khi lại mang đến cho người đối diện một cảm xúc tiêu cực và vô hình chung làm ảnh hưởng đến uy tín của bạn.
Nghệ thuật từ chối lời mời
Để từ chối những lời mời không phù hợp, bạn có thể áp dụng các nghệ thuật từ chối như sau:
- Đầu tiên, hãy lấy lý do rằng bạn đang có một cuộc hẹn quan trọng hơn, chẳng hạn như phải đi gặp đối tác, khách hàng, hay đã có hẹn từ trường với những người trong gia đình, người yêu, họ hàng…
- Tiếp đến, nếu muốn bạn có thể chủ động đưa ra lời hẹn vào một ngày khác, ở một nơi khác mà bản thân bạn cảm thấy phù hợp hơn. Có thể nói, đây chính là cách từ chối khéo léo dành cho một người bạn thân hay sếp.
Lúc này, đối phương có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là một chữ từ chối đơn thuần đến “phũ phàng”.
Cách từ chối cho vay tiền
- Trong trường hợp, nếu ai đó không quá thân thiết muốn mượn tiền của bạn; hoặc bạn bè mượn tiền nhiều lần nhưng thường không chả; hay đơn giản là bạn không có tiền để cho mượn thì bạn nên áp dụng nghệ thuật từ chối cho vay tiền này.
Theo đó, thay vì nói thẳng thừng là “không cho mượn”, thì bạn hoàn toàn có thể chủ động tạo nên tình huống rằng bản thân cũng đang túng thiếu; thậm chí là tỏ ra than phiền vì vấn đề tài chính mà bản thân đang gặp phải, mặc dù muốn cho mượn nhưng điều kiện kinh tế hiện tại của bản thân là không cho phép. Có thể, đối phương sẽ tự hiểu và không yêu cầu mượn tiền nữa cho lần tiếp theo.
Nghệ thuật từ chối trong công việc
Đôi khi trong công việc, chúng ta phải thường xuyên đối mặt với những lời đề nghị giúp đỡ đến từ nhiều phía. Đó có thể là đồng nghiệp thân thiết, hay cũng có thể là sếp.
Những lúc như thế, thay vì lúc nào cũng nhận lời giúp đỡ, thì bạn nên hiểu rõ bản thân có thể làm được những gì; liệu những lời đề nghị ấy có phù hợp với khả năng, năng lực, chuyên môn, trình độ, bổn phận hay đơn giản là sở thích các nhân của bạn hay không.
Nếu xét thấy mọi thứ hoàn toàn không phù hợp, thì điều bạn cần làm là thẳng thắng nói lời từ chối.
Việc từ chối lúc này sẽ giúp bạn tránh được việc phải làm những điều bạn không thích; vừa đảm bảo tính hiệu quả của công việc; vừa không gây mất lòng đối phương vì đã nhận mà không hoàn thành một cách đàng hoàng như họ mong đợi.
Tham khảo ngay: 5 nguyên tắc trong giao tiếp nơi công sở
Lúc này, bạn có thể áp dụng nghệ thuật từ chối trong công việc theo các cách như sau:
- Đầu tiên, bạn có thể nói với đối phương rằng bản thân bạn còn đang bận rất nhiều công việc khác; còn rất nhiều nhiệm vụ cần bạn phải hoàn thành đúng kỳ hạn.
Nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến công việc. Khi đó, đối phương có thể sẽ phải tự làm hoặc tìm một người khác thay vì phải cố gắng van nài bạn thêm nữa. - Tiếp đến, bạn cũng hoàn toàn có thể chia sẻ một cách thẳng thắn rằng, bản thân mình không đủ khả năng, năng lực, chuyên môn cũng như trình độ để hoàn thành công việc này.
Theo đó, đề nghị đối phương nên tìm đến với những người có đầy đủ năng lực để thực hiện những công việc đó. Lúc này, có thể đối phương sẽ tự hiểu và sớm nhận ra là không nên quay trở lại nhờ vả bạn nữa.
Có thể nói, nghệ thuật từ chối rất quan trọng. Để làm được điều này không phải chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự kiên trì tập luyện.
Bên cạnh đó, từ chối cũng cần rất nhiều sự bản lĩnh, tỉnh táo. Đừng bao giờ để cho bản thân cảm thấy mình có lỗi hay cảm thấy ngại khi từ chối ai đó. Hãy sử dụng nghệ thuật từ chối đúng cách để tránh thiệt hại cho bản thân.