Chúng ta thường làm hài lòng người khác để mong cầu được nhận sự yêu thương, tin tưởng. Nhưng điều đó nào có thể xảy ra khi ngay cả bản thân còn không đặt tình yêu vào chính mình và dành sự tôn trọng cho tiếng lòng bên trong. Vậy làm thế nào để từ chối mà vẫn giữ được sự dĩ hòa di quý? Làm thế nào để đối phó với những tình thế buộc phải nói “Không” mà không làm sứt nẻ tình cảm. Đó chính là “nghệ thuật từ chối”.
Tại sao người cực kỳ thành công thường nói “Không”?
Tỉ phú Warran Buffet có câu nói nổi tiếng: “Sự khác biệt giữa những kẻ thành công và những kẻ cực kỳ thành công đó là những kẻ cực kỳ thành công nói “Không” với hầu hết mọi việc.” Nghe thật lạ lùng, há chẳng phải những người thành công thì càng phải nỗ lực không ngừng học hỏi hay sao?
Nếu đưa ra lời đồng ý đồng thời tự mang một bài toán khó cho bản thân, thì bạn nghĩ đó có phải là quyết định khôn ngoan? Lúc đó bạn sẽ tốn thời gian cho việc than vãn, tiếc nuối và bực dọc vô cớ. Thời gian bỏ ra cho những mớ cảm xúc hỗn độn và giải quyết chúng đủ để bạn thực hiện xong việc có ích nào đó. Người thông minh luôn có tầm nhìn xa trông rộng. Họ có khả năng suy luận và đưa ra giả định chính xác cho những sự lựa chọn của mình. Và việc chối cũng nằm trong dự định của họ để dẫn quyết định mang tới sự thành công cuối cùng.
Nghệ thuật từ chối nằm ở cách nói “Không” khéo léo
1. Cứ nói ra quan điểm của bạn
Không phải lúc nào thẳng thắn cũng mang lại tai họa, thành thật bày tỏ khó khăn mà bạn đang gặp phải để lan tỏa sự đồng cảm tới đối phương và làm cho họ tự nhận thức lời yêu cầu của mình là đang làm khó bạn. Còn đối với những nhân vật “mặt dày”, hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh và từ chối ngắn gọn nhất có thể. Bạn không cần thiết phải thuyết phục đối phương tin mình đâu.
2. Đưa ra một sự gợi ý khác
Nếu bạn buộc phải nói không ngay lập tức nhưng cảm thấy ái ngại, bạn có thể đưa ra một lời đề nghị thay thế. Chẳng hạn như một người đồng nghiệp nhờ bạn làm thay ca vào buổi tối, nhưng chẳng may bạn lại chẳng thể nhận lời, bạn có thể đưa ra giải pháp thay thế rằng mình có khả năng thay ca vào một buổi gần nhất. Đây là một câu từ chối khá an toàn và lịch sự, vừa không làm đối phương mất lòng, mà bạn vừa không bị gây khó dễ. Lúc đó, bạn sẽ là người nắm thế chủ động.
3. Thể hiện sự áy náy và đồng cảm khi không thể đồng ý
Sau khi đưa ra lời từ chối, bạn hãy cho người đối diện thấy rằng bản thân thật sự thấy áy náy vì đã không giúp được bởi đang mang bên mình những khó khăn riêng. Điều đó sẽ chứng tỏ cho họ thấy bạn có thực sự thiện chí để giúp đỡ, mà sẽ không giận hờn, trách móc.
4. Hãy giữ vững quan điểm của bạn
Mặc dù bạn trả lời “Không”, nhưng có rất nhiều vẫn tiếp tục kiên trì nài nỉ vì những lý do riêng và điều đó khiến bạn lung lay. Nhưng hãy tỉnh táo và nhớ rằng nếu đối phương không chấp nhận từ “Không” của bạn, thì bạn nên biết họ vốn đã không tôn trọng cái câu trả lời của bạn rồi. Vì thế trong trường hợp này tuyệt đối đừng có “mềm lòng”, kể cả họ có gây khó chịu cho bạn như thế nào. Bởi nếu nói “có” thì cuối cùng bạn cũng sẽ “lỗ” mà thôi. Vậy nên một lần nữa hãy giữ cho mình cái đầu lạnh.
5. Đừng ngó lơ lợi ích của bản thân
Có thể bạn động lòng với một hoàn cảnh ngặt nghèo nào đó và muốn giơ tay ra để giúp đỡ đối phương bởi vì tấm lòng nhân ái của mình. Nhưng nếu sự giúp đỡ mang đến phiền toái và đẩy bạn vào thế khó, đó là lúc bạn nên nói “Không”. Mặc dù từ “Không” làm dâng lên cảm giác tội lỗi tức thời nhưng nó không day dứt bằng cảm giác tệ hại khi bạn phớt lờ đi tiếng nói của bản thân.
Trong mọi tình huống, bạn cũng nên nghĩ đến bản thân mình. Đừng cố giúp người khác trong khi việc của bản thân còn lo chưa xong. Đấy là lựa chọn không tốt cho cả hai. Bởi vì lúc này bạn sẽ không giúp người khác một cách trọn vẹn, vừa “đắc tội” với bản thân mình. Tưởng chừng như chỉ cần “ừ” một tiếng là mọi chuyện có thể trôi qua dễ dàng. Thực tế, đó mới chính là lúc bạn ôm một tảng đá vào lòng. Cho phép bản thân ích kỷ một chút để cân bằng cuộc sống thì tại sao không?