Trên thực tế, không ít người cảm thấy rất khó khăn khi phải nói lời xin lỗi với người bạn đời vì cho rằng cách làm này khiến mình “mất giá”, người ấy sẽ có dịp lấn lướt, xin lỗi tức là gián tiếp thừa nhận mình đã sai… Vì thế, họ từ chối xin lỗi một nửa của mình.
Ý nghĩa của việc nói lời xin lỗi
Theo các chuyên gia, tìm kiếm giải pháp để hòa giải và tha thứ cho người ấy là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần mang lại sự hài lòng trong hôn nhân và khiến cho các cặp đôi gắn bó bền chặt.
Tha thứ cho người khác và chính bản thân là điều cần thiết để đạt được những mối quan hệ lành mạnh. Đó có thể là cách một người sẵn sàng thừa nhận mình có khả năng phạm sai lầm, bị tổn thương và cũng có thể có nguy cơ làm tổn thương người khác.
Chúng ta thường đánh đồng việc xin lỗi với sự yếu đuối và nhiều người tin rằng nếu xin lỗi ai đó thì bạn đang khiến bản thân trở nên thấp kém, yếu ớt. Tuy nhiên, xin lỗi cũng có thể được coi là một sức mạnh vô biên vì nó cho thấy bạn có thể thể hiện thiện chí với người bạn đời của mình và hy vọng được tha thứ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, tha thứ cho ai đó là một cách buông bỏ gánh nặng để có thể chữa lành và tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Trong Khoa học về niềm tin, các chuyên gia giải thích rằng những cặp đôi hòa hợp về mặt cảm xúc hoàn toàn có thể xử lý và vượt qua những sự kiện cảm xúc tiêu cực, tha thứ và cuối cùng tạo ra một mối quan hệ bền chặt hơn. Nói cách khác, những cặp đôi có thể đưa ra lời xin lỗi chân thành cho nhau có thể thoát khỏi sự tổn thương và sự xấu hổ trước bạn đời.
Chúng ta có thể ngoan cố giữ niềm tin rằng, mình không có gì phải xin lỗi – đặc biệt là những hành vi hoặc lời nói gây tổn thương không phải là cố ý. Tuy nhiên, nói lời xin lỗi bạn đời là khía cạnh quan trọng của một cuộc hôn nhân thành công vì nó cho phép bạn bỏ qua những vi phạm lớn nhỏ.
Nếu bạn xin lỗi người ấy của mình, hãy đảm bảo thực hiện đúng cách và không bao gồm lời bào chữa cho hành động hoặc lời nói đã làm tổn thương họ.
Nghệ thuật nói lời xin lỗi trong hôn nhân
Hãy nghĩ nếu là mình, mình sẽ ra sao?
Khi làm điều gì đó phạm lỗi, hãy đặt mình vào vị trí người kia để hiểu được cảm giác, cũng như hiểu được mức độ tổn thương trước sự việc đó. Bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi biết rằng mình phải xin lỗi mới an lòng được.
Lắng nghe
Có thể bạn cảm thấy trong lòng đầy ấm ức khi mọi chuyện xảy ra không hoàn toàn do lỗi của bạn. Nhưng chắc rằng người kia cũng ngổn ngang nỗi lòng. Tại sao bạn không thử kìm lại cơn tự ái phừng phừng, để lắng nghe xem người kia muốn nói gì? Biết đâu rồi sau đó bạn lại nhận ra rằng, mình thật là có lỗi.
Phân tích diễn biến câu chuyện
Thực chất, đôi khi xảy ra sự cố, không ai nghĩ tình huống sẽ dẫn đến đâu. Chỉ đến khi cảm thấy nặng nề mới nghĩ: nếu người kia không nói điều đó, không làm như thế thì đã không xảy ra cớ sự này. Và người kia cũng nghĩ như vậy. Hãy cố gắng bình tĩnh, ngồi lại cùng nhau để phân tích câu chuyện, có khi sẽ sáng tỏ ra vấn đề là không ai có lỗi cả.
Nói lời xin lỗi thẳng thắn với nhau
Khi sống chung dưới một mái nhà, người này đương nhiên là một nửa yêu thương của người kia. Và ngay cả khi giận dỗi, rất hiếm trường hợp mong muốn lứa đôi bị chia lìa. Vậy tại sao không trò chuyện thẳng thắn để tạo điều kiện cho “cái tôi” của từng người bộc lộ? Lời xin lỗi chắc chắn sẽ được nói ra một cách nhẹ nhàng hơn.
Xin tha lỗi
Có thể đây là điều khó thực hiện nhất. Nhưng nếu cảm thấy không khí gia đình thực sự không thoải mái nữa, hãy cố gắng dằn lòng, tìm cách để giải quyết vấn đề trước đã. Đừng cảm thấy xấu hổ nếu phải mở lời xin nửa kia của mình tha thứ. Những cặp vợ chồng hạnh phúc thường biết cách xin lỗi và bỏ qua cho nhau những lỗi lầm.
Nói lời xin lỗi được xem là một trong những chìa khóa giữ lửa hôn nhân, giúp người ấy biết rằng bạn trân trọng và luôn mong muốn có người ấy trong đời như thế nào. Vì thế, đừng tiếc gì một lời xin lỗi đổi lấy một đời sống hôn nhân bình an, viên mãn, bạn nhé!