Mẹ và Con – Trong những tháng đầu thai kì, không gì mệt mỏi hơn khi biết mình cúm. Tuy nhiên, với những lời khuyên này từ Tạp chí Mẹ và Con, cảm cúm khi mang thai sẽ không còn đáng ngại nữa.

Cảm cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì thế, trong những ngày trời trở lạnh như hiện nay, mẹ bầu đừng quên những lưu ý dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé!

Vì sao mẹ bầu dễ bị cảm cúm khi mang thai?

Điều này là chính xác. Không những khi mang thai bạn dễ bị cúm hơn mà nếu lỡ bị cúm, bạn còn khó “qua” khỏi nhanh như phụ nữ bình thường. Nguyên nhân không có gì khó hiểu. Khi mang thai, cơ thể giảm sút khả năng miễn dịch khiến cho mầm bệnh dễ tấn công hơn.

Lúc này, mẹ bầu lại thường xuyên ở trong trạng thái mệt mỏi, ngầy ngật, ăn không được ngủ không xong trong mấy tháng đầu. Tất cả những điều này là cái “nền” cho cúm “sinh sôi nảy nở”.

Cảm cúm khi mang thai

Bệnh cúm lại là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Bạn có thể bị lây nhiễm chỉ từ… vài cái hắt hơi của người đang bệnh. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, cúm càng được “tạo điều kiện thuận lợi” trong việc truyền từ người này sang người khác thông qua những hạt bụi nước li ti của động tác ho, hắt hơi, dùng chung khăn…

Cảm cúm khi mang thai có nguy hiểm không?

Cúm có nguy hiểm với phụ nữ mang thai không? Câu trả lời là có! Một người bình thường bị cúm từ 4-5 ngày (có khi ít hơn), nhưng một thai phụ bị cúm có thể kéo dài đến cả tuần (có khi lâu hơn). Từ cúm, thai phụ có thể dần chuyển sang bị viêm phổi do virus.

Điều này rất đáng lo lắng. Vì thai phụ (cũng như em bé trong bụng mẹ) cần lượng oxy cao hơn bình thường, trong khi đó nếu viêm phổi, cơ thể khó có thể đáp ứng được lượng oxy cao này.

Một số nghiên cứu khoa học tuy chưa khẳng định kiểu “trăm phần trăm” nhưng cũng đã cảnh báo rằng: Phụ nữ mang thai bị cúm có thể ảnh hưởng nặng đến thai nhi. Ví dụ như dễ làm tăng khả năng thai chết lưu hoặc sinh non, dễ dẫn đến những dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch.

Quan trọng nhất là não của thai nhi cũng rất dễ bị tổn thương khi mẹ bị cảm cúm khi mang thai. Chính vì thế, suốt thời gian mang thai, người mẹ phải chịu khó đi khám thai định kì để giúp bác sĩ phát hiện sớm tất cả những dị tật nếu có này. Trường hợp bị cúm, phải báo ngay với bác sĩ để có hướng chăm sóc và điều trị cụ thể.

Cảm cúm khi mang thai

Các nghiên cứu cho thấy, cơ thể bé thường đáp ứng rất kém với tình trạng tăng nhiệt ở mẹ khi mẹ bị sốt nặng do cảm cúm. Tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mẹ, thai có thể bị sảy, sinh non hoặc chết lưu. Ngoài ra, nếu dùng thuốc chữa cảm cúm, ho, sốt… không theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, khiến bé mắc phải những dị tật bẩm sinh.

Ngăn ngừa nhiễm cúm ở mẹ bầu

Đừng để đến khi bị cúm bạn mới hốt hoảng lên. Ngay từ khi biết mình mang thai, bạn cần chú trọng việc tăng cường sức đề kháng như:

  • Ăn uống đầy đủ chất, thường xuyên bổ sung các loại hoa quả, thực phẩm có chứa vitamin C và vitamin nhóm B để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
  • Nếu cần, mẹ bầu có thể hỏi thăm bác sĩ để có được tư vấn hợp lí trong việc uống bổ sung hỗn hợp vitamin theo chỉ định. Khoa học đã chứng minh rằng tỉ lệ khuyết tật ở bé sẽ giảm đi đáng kể khi bạn lỡ bị sốt, cảm lạnh nhưng có uống bổ sung hỗn hợp vitamin theo chỉ định bác sĩ từ 3 tháng trước khi mang thai và kéo dài trong suốt thai kì.
  • Bạn cũng nên cố gắng giữ ấm cơ thể, tránh ăn mặc phong phanh đi giữa trời lạnh. Ngược lại, bạn cũng không nên ra ngoài khi không che chắn cẩn thận khi nắng gắt.
  • Nếu ở nơi làm việc hoặc ở nhà có người bị cảm cúm, nên chủ động “cách ly” mình với người bệnh. Không chỉ luôn chú ý mang khẩu trang khi đi ra ngoài, mẹ bầu cũng nên mang khẩu trang nếu có nguy cơ tiếp xúc gần với người bị cảm cúm. Bạn nên uống nước bằng ly riêng và tránh tuyệt đối dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
  • Đi ngủ sớm và chú ý nhiệt độ ở nơi nghỉ ngơi. Không nên để gió quạt hoặc máy điều hòa phả thẳng vào người gây nhiễm lạnh và cảm cúm khi mang thai.

Cảm cúm khi mang thai

Nếu bị cảm cúm khi mang thai, phải làm sao?

Trường hợp đã làm tất cả những lời khuyên ở trên nhưng vẫn… chẳng may nhiễm cảm cúm khi mang thai, bạn không nên hốt hoảng, lo lắng quá mức, cũng tuyệt đối không tự ý dùng bất kì loại thuốc nào (cho dù là thuốc nam, thuốc bắc). Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín để bác sĩ tư vấn cụ thể về hướng điều trị cho riêng bạn.

Bởi lẽ, bạn cần ghi nhớ rằng: Những tháng đầu thai kì, bé đang trong giai đoạn hình thành các cơ quan nên đặc biệt nhạy cảm với bất kì loại thuốc, hóa chất, dược chất lạ nào “nạp” vào cơ thể.

Để giảm triệu chứng hắt hơi, sổ mũi nhanh chóng, bạn có thể vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lí. Một nhắc nhở nữa không thừa với bạn là khi có triệu chứng sốt, nhức đầu… đừng chủ quan chỉ nghĩ rằng mình bị cảm cúm. Bạn cần có những xét nghiệm của bác sĩ để yên tâm mình không sốt vì những nguyên nhân khác như nhiễm siêu vi, viêm nhau, viêm màng ối…

Cảm cúm khi mang thai sẽ không quá đáng sợ nếu bạn có biện pháp đề phòng và quản lý hiệu quả. Chúc bạn vui khỏe và có một thai kỳ nhiều trải nghiệm thú vị. 

Bài viết liên quan