Có nhiều nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng nằm xuống bị chóng mặt. Nếu không điều trị kịp thời thì tình trạng này có thể khiến bạn té ngã và dẫn đến chấn thương khi đang di chuyển.
Nguyên nhân nằm xuống bị chóng mặt
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng nằm xuống bị chóng mặt thì có thể bạn đang bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính hay còn gọi là chóng mặt kịch phát lành tính (BPPV).
Đây là một căn bệnh do rối loạn hệ thống tiền đình khi bạn thay đổi tư thế hoặc vị trí đầu một cách đột ngột. Người mắc căn bệnh này sẽ cảm thấy chóng mặt, mọi thứ xung quanh xoay tròn hoặc di chuyển mỗi khi bất ngờ thay đổi tư thế.
Cơn chóng mặt kịch phát lành tính khiến bạn nằm xuống bị chóng mặt hoặc chóng mặt khi lắc đầu, nghiêng đầu sang một bên. Tuy nhiên, cơn chóng mặt của bạn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, từ 1-2 phút và có thể tự khỏi. Chỉ một số ít trường hợp nằm xuống bị chóng mặt do chóng mặt kịch phát lành tính trở thành bệnh mãn tính, cần đến bệnh viện điều trị để tránh bệnh trở nặng.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài chóng mặt kịch phát lành tính thì cũng có những nguyên nhân khác khiến bạn cảm thấy chóng mặt khi nằm xuống. Một số nguyên nhân phổ biến thường gặp bao gồm:
- Đang mang thai
- Đau nửa đầu
- Bệnh Meniere
- Viêm mê đạo tai
- Viêm dây thần kinh tiền đình
- Chấn thương sọ não
- U não
- Viêm não
- Lưu lượng máu giảm đột ngột
- Cảm cúm, cảm lạnh
- Suy tim
- Xơ vữa động mạch
- Loãng xương
- Thiếu máu não
- Stress, căng thẳng quá mức
- Suy nhược cơ thể
- Say nắng
- Say rượu bia
- Mất ngủ, thiếu ngủ
- Tuột huyết áp
Triệu chứng chóng mặt khi nằm xuống giường
Ngoài tình trạng có những cơn chóng mặt hoặc choáng váng mỗi khi nằm xuống, bạn còn có thể gặp thêm các triệu chứng như:
- Có cảm giác buồn nôn, bụng cồn cào hoặc nôn mửa
- Mất thăng bằng, người lảo đảo đứng không vững
- Cảm giác bản thân đang xoay tròn hoặc mọi vật thể xoay quanh mình
- Mắt mờ, suy giảm thị lực
Cơn chóng mặt khi nằm xuống có thể diễn ra ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo thể trạng của người bệnh. Những triệu chứng của cơn chóng mặt cũng không giống nhau. Có người chỉ bị chóng mặt khi nằm xuống nhưng cũng có người gặp thêm các triệu chứng phụ như nôn mửa, mệt mỏi, mắt mờ,…
Thông thường, những cơn chóng mặt khi nằm xuống sẽ xuất hiện ngay khi bạn thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm mà không có các dấu hiệu cảnh báo trước.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Chóng mặt khi nằm xuống được xem là một biểu hiện bệnh lành tính, không quá nguy hiểm. Do đó, ít người nghĩ đến việc đi khám khi có các triệu chứng này. Nếu tình trạng nằm xuống bị chóng mặt xuất phát từ nguyên nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thì bạn không cần phải lo lắng bởi bệnh có thể tự khỏi.
Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xuất phát từ các nguyên nhân khác như u não, viêm não, thiếu máu,… thì không nên chủ quan. Hơn nữa, việc chóng mặt kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ té ngã, dễ gặp chấn thương hơn.
Do đó, nếu cơn chóng mặt diễn ra thường xuyên không khỏi thì bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám. Ngoài ra, nếu tình trạng chóng mặt có đi kèm với các triệu chứng dưới đây thì cũng nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
- Đau đầu dữ dội (có thể đau cả đầu hoặc đau nửa đầu), cơn đau không giảm dù đã uống thuốc giảm đau
- Suy giảm thính giác
- Không thể cử động tay chân
- Tay chân tê mỏi
- Khó nói, nói không rõ chữ
- Méo miệng, méo mặt
- Mất thăng bằng, té ngã do chóng mặt
Cách điều trị tình trạng nằm xuống bị chóng mặt
Với tình trạng nằm xuống bị chóng mặt, khi bạn đến bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng quát và có thể chỉ định chụp MRI hoặc CT để có thể xác định chính xác nguyên nhân bệnh, loại trừ các yếu tố nguy hiểm.
Sau đó, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn những phương hướng điều trị phù hợp. Với người nằm xuống bị chóng mặt do mắc bệnh chóng mặt kịch phát lành tính, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương pháp tái định vị sỏi tai. Ngoài ra, người bệnh có thể tập các bài tập tiền đình hoặc thực hiện các thủ thuật phóng thích thạch nhĩ. Nếu bệnh không khỏi thì bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành phẫu thuật.
Còn nếu bạn bị chóng mặt khi nằm xuống do những nguyên nhân khác thì bác sĩ sẽ cân nhắc những phương pháp điều trị phù hợp với từng nguyên nhân. Bác sĩ có thể kê đơn các loại viên uống hoặc thực phẩm chức năng giúp bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nếu bạn bị chóng mặt do thiếu máu, kiệt sức.
Còn trường hợp u não, viêm não, có chấn thương ở vùng não,… thì thường sẽ phải can thiệp phẫu thuật. Nhìn chung, phương pháp điều trị tình trạng nằm xuống bị chóng mặt sẽ dựa trên nguyên nhân bệnh. Điều trị triệt để nguyên nhân sẽ giúp vấn đề chóng mặt của bạn thuyên giảm và kết thúc.
Lời khuyên cho người thường bị chóng mặt khi nằm
Một số lời khuyên dành cho người nằm xuống bị chóng mặt như sau:
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, cố gắng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Không thức khuya hoặc làm việc quá sức.
- Nằm xuống nghỉ ngơi khi bị chóng mặt, không cố gắng ngồi dậy và di chuyển. Nên nằm im trong 5-10 phút, đợi đến khi cơn chóng mặt hoàn toàn kết thúc.
- Không dùng rượu, bia, cà phê và các chất kích thích khác. Nói không với đồ ngọt.
- Giảm thiểu căng thẳng, áp lực. Có thể thư giãn bằng cách massage, ngâm chân với nước ấm, nghe nhạc, vẽ tranh,…
- Tập thể dục, vận động từ 15-20 phút mỗi ngày.
Nhìn chung, nằm xuống bị chóng mặt không phải là một dấu hiệu bệnh quá nghiêm trọng. Do đó, không nên quá lo lắng bạn nhé! Có thể theo dõi các biểu hiện bệnh, tần suất diễn ra cơn chóng mặt và đến thăm khám tại các cơ sở y tế khi cần thiết.