Nấm da có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Căn bệnh về da này thường đi kèm với các triệu chứng khó chịu như ngứa, đau, sưng, đỏ, tróc vảy hoặc mẩn ngứa. Không chỉ gây khó chịu, nấm da còn dễ lây, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tự tin của người bệnh.
Vậy nấm da là gì, nguyên nhân gây nấm da phổ biến là gì, cách điều trị và phòng ngừa nấm da ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu.
Nấm da là gì?
Nấm da là một thuật ngữ chung để chỉ các bệnh nhiễm trùng da do các loại nấm gây ra. Có rất nhiều loại nấm khác nhau có thể gây ra nấm da, nhưng phổ biến nhất là các loại nấm thuộc nhóm dermatophytes (nghĩa là “ăn da”). Chúng phát triển cực tốt trong điều kiện nóng ẩm ở nước ta.
Những loại nấm thuộc nhóm dermatophytes là nguyên nhân phổ biến gây bệnh nấm da
Nấm ăn sâu vào lớp sừng của da, móng tay hoặc tóc. Các loại nấm khác có thể gây ra nấm da bao gồm candida và malassezia. Có đủ các loại bệnh do nhiễm nấm khác nhau, thường gặp nhất là: Nấm kẽ, nấm móng, nấm da đầu, hắc lào, lang ben, nấm âm đạo…
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh nấm da có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn bệnh:
- Người và động vật bị nấm da: Chạm trực tiếp vào vùng da bị nhiễm nấm hoặc dùng chung quần áo, khăn, đồ dùng với người đang bị nấm..
- Đồ vật bị nhiễm nấm: Các đồ dùng ít được vệ sinh, ở nơi ẩm thấp rất dễ nhiễm nấm. Thường gặp nhất là quần áo, giày dép, mũ, khăn tắm, đồ chơi, thiết bị thể thao hoặc đồ dùng cá nhân.
- Môi trường có nấm: Nấm cũng tồn tại trong môi trường tự nhiên và có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp. Nấm có trong đất ẩm, lá cây mục, phân bón… Bạn cũng có thể bị lây nhiễm tại nơi ẩm ướt và công cộng như phòng tắm, phòng thay đồ hoặc hồ bơi.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác bao gồm:
- Sức khỏe yếu: Người có hệ miễn dịch suy giảm do HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Tuổi tác: Trẻ em hoặc người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị nhiễm nấm hơn.
- Giới tính: Cơ thể nam giới thường tiết mồ hôi và dầu nhờn nhiều hơn nên nguy cơ bị nấm cao hơn.
- Thói quen sinh hoạt: Do mặc quần áo quá chật hoặc quá rộng, không giữ vệ sinh cá nhân hoặc không lau khô cơ thể sau khi tắm hay tập thể dục.
Có thể trị dứt nấm da hay không?
Nấm da là một loại bệnh khá phổ biến và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu để không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nấm da có thể dẫn tới các chứng như viêm da, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng khớp hoặc suy giảm chức năng gan. Do đó, bạn cần phải đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Cách trị nấm da
Cách điều trị bệnh phụ thuộc vào loại nấm, vị trí bị nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số phương pháp điều trị thông dụng bao gồm:
- Thuốc bôi: Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và đơn giản nhất khi bị nhiễm nấm. Bạn có thể dùng các loại thuốc bôi có chứa các hoạt chất kháng nấm như clotrimazole, miconazole, ketoconazole, terbinafine hoặc econazole để cho vùng da bị nấm. Bạn cần bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng thuốc.
- Thuốc uống: Đây là phương pháp điều trị dành cho những trường hợp nấm da nặng hoặc không đáp ứng với thuốc bôi. Việc uống thuốc cần tuân thủ liều lượng và thời gian do bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không được ngừng thuốc sớm mà không theo chỉ định vì rất có thể mầm bệnh vẫn còn tồn tại. Đồng thời, cần theo dõi tình trạng sức khỏe và làm các xét nghiệm theo yêu để kiểm tra mức độ đáp ứng thuốc.
- Liệu pháp ánh sáng: Đây là phương pháp điều trị hiện đại cho bệnh nấm da. Nguyên tắc điều trị là sử dụng các loại ánh sáng có bước sóng nhất định để chiếu lên vùng da bị nấm. Ánh sáng này có tác dụng tiêu diệt các tế bào nấm và kích thích quá trình tái tạo da. Đây là phương pháp điều trị cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Bị nấm da có khỏi hẳn được không?
Câu hỏi có thể điều trị dứt nấm da hay không luôn được nhiều người bệnh quan tâm. Câu trả lời là có thể trị dứt điểm nhưng không dễ dàng.
Nấm da có khả năng tái phát cao do các yếu tố môi trường, sinh lý và miễn dịch. Do đó, bạn cần phải điều trị nấm da theo đúng phác đồ điều trị, đủ liệu trình và kiên trì. Đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bệnh quay trở lại.
Cách phòng ngừa bệnh nấm da
Để phòng ngừa nấm da, bạn cần chú ý:
- Giữ vệ sinh cá nhân: Đây là điều quan trọng nhất bởi vì xà phòng, sữa tắm thông thường đều có tính kháng khuẩn và kháng nấm nhất định. Lưu ý hãy lau khô cơ thể, đặc biệt là những vùng da ẩm ướt và ít thông thoáng. Thường xuyên thay đồ lót, nên chọn quần áo thoáng mát. Chăn mền, khăn và các đồ dùng cá nhân cần được giữ sạch và thường xuyên giặt giũ, phơi nắng để diệt mầm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với người hoặc động vật bị nấm da: Nếu buộc phải tiếp xúc cần rửa tay kỹ với xà phòng ngay sau đó.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Nếu miễn dịch khỏe, cơ thể bạn hoàn toàn có thể tự mình đánh bại mầm bệnh. Một số vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe da gồm vitamin A, C, E, kẽm và selen. Bên cạnh đó, đừng quên uống nhiều nước, tập thể dục và ngủ đủ giấc.
Nấm da không khó điều trị và hoàn toàn có thể trị dứt điểm. Tuy nhiên, không nên chủ quan hay tự ý điều trị khi bị nấm. Tốt hơn hết, bạn cần khám và tìm nguyên nhân gây bệnh để có phác đồ chữa nấm da chính xác nhất.