1. Buồn nôn
Buồn nôn là triệu chứng thường gặp của các bà bầu trong thời gian mang thai. (Ảnh minh họa)
Buồn nôn là triệu chứng nhiều thai phụ thường trải qua trong thời kỳ thai nghén. Tùy theo cơ địa từng người mà chứng buồn nôn có nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, sau 3 tháng đầu thai kỳ triệu chứng này sẽ giảm dần.
Giải thích cho hiện tượng này là sự gia tăng của hóc môn estrogen và progesterone trong quá trình mang thai. Vì thế, mẹ bầu có thể yên tâm vì buồn nôn không có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, khiến cơ thể thai phụ suy nhược, mệt mỏi, sụt cân, khô môi, nước tiểu vàng… mẹ nên tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến con nhé.
Giải pháp
– Chia nhỏ bữa ăn nhỏ thành 5-6 bữa/ngày.
– Bắt đầu bữa sáng bằng một ít bánh ngọt cho đỡ nhạt miệng.
– Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
– Bổ sung các loại vitamin, sắt sau mỗi bữa ăn.
– Hạn chế dùng các thực phẩm có nhiều mùi.
2. Hoa mắt, chóng mặt
Bổ sung dưỡng chất đầy đủ trong quá trình mang thai để hạn chế nguy hiểm cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Hoa mắt, chóng mặt là do sự thay đổi của các hóc môn và sự mở rộng thành mạch máu để cung cấp máu cho thai nhi. Khi huyết áp của thai phụ xuống thấp, lượng máu lưu thông tới não bộ cũng giảm bớt gây nên hiện tượng này.
Giải pháp
– Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột.
– Hạn chế nằm ngửa, nếu tư thế này dễ khiến bạn khó chịu khi đứng lên.
3. Chuột rút
Hiện tượng chuột rút thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, tức là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng trọng lượng khiến các cơ chân phải hoạt động nhiều để nâng đỡ cơ thể. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải do bạn nghén quá lâu cũng dẫn đến chứng co cứng cơ.
Một nguyên nhân phổ biến khác khiến bà bầu bị chuột rút là do thiếu canxi. Trong quá trình mang thai, đặc biệt là những tháng cuối, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Khi lượng canxi không được cung cấp đầy đủ sẽ khiến cơ bắp của mẹ dễ bị co rút.
Giải pháp
– Tăng cường thực phẩm giàu canxi như rau xanh, hải sản, sữa…
– Vận động cơ thể nhẹ nhàng vào buổi sáng.
– Hạn chế ngồi một chỗ quá lâu.
– Dành ra vài phút để mát – xa đôi chân, bàn chân, ngón chân và mắt cá chân.
– Khi bị chuột rút, bạn nên thực hiện vài động tác đơn giản như: duỗi thẳng chân, xoa bóp cơ bị co rút. Khi cơn đau đã giảm, nên đi bộ vài phút.
4. Đau lưng
Bạn có thể thay đổi tư thế nằm ngủ để đỡ đau lưng (Ảnh minh họa)
Đau lưng thường xảy ra trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống. Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển và nhấc đồ vật không đúng cách cũng là một nguyên nhân gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng.
Giải pháp
– Khi ngồi, bầu nên chọn ghế ngồi có phần tựa, ngồi trên gối lõm có hình chữ D hoặc có thể đặt thêm một chiếc gối nhỏ phía sau lưng.
– Nếu cơn đau lưng làm phiền bạn vào ban đêm, hãy nằm nghiêng và nhớ đặt thêm một chiếc gối ở giữa hai đầu gối, chèn xung quanh vùng bụng.
– Thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ nhàng.
– Tuyệt đối không được mang vác vật nặng quá 9 kg, nhất là những tháng cuối thai kỳ.