Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị say nắng
– Mệt mỏi, mắt lờ đờ.
– Cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến 41 độ C.
– Nhịp thở yếu, nhanh.
– Mạch yếu, khó bắt, hoặc không còn.
– Trường hợp “say nắng” nặng, trẻ sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.
Nếu trẻ chơi ngoài trời nắng nóng hoặc chơi ở nơi quá nóng do nắng mà xuất hiện những dấu hiệu da ửng đỏ, khô nóng, không có mồ hôi, sốt cao trên 40độ C thì phải lập tức sơ cứu ngay, trường hợp nặng bé có thể lơ mơ, ngất xỉu, co giật, sốc. Ở trẻ lớn có thể cảm thấy hoa mắt, ù tai, chóng mặt, buồn nôn.
Cách xử trí khi trẻ bị say nắng
– Đưa trẻ vào nơi có bóng mát và thoáng.
– Cởi hết quần áo (trẻ nhỏ) hoặc cởi bớt quần áo (trẻ lớn).
– Quạt mát, tránh tụ tập đông người xung quanh.
– Lau mát cho trẻ nếu có thể được.
– Cho trẻ uống nước (nếu trẻ còn tỉnh), uống chậm, từng muỗng hoặc từng ngụm.
LƯU Ý
– Không cho trẻ uống nước ở tư thế nằm hoặc khi trẻ còn lơ mơ, trẻ chưa tỉnh hẳn.
– Trong thời gian sơ cứu thì chuẩn bị phương tiện chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đề phòng say nắng cho trẻ
– Chở trẻ đi xa, đi lâu dưới trời nắng nóng bằng xe gắn máy. Nếu cần thiết phải đi như thế thì cần che nắng cẩn thận, cần chọn những chặng dừng chân ở nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo và quạt mát, rửa mặt, cho trẻ uống nước, nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp.
– Tránh tắm hồ bơi không có mái che, tắm biển, đá banh ngoài nắng… liên tục cả buổi mà không xen kẽ những lúc vào bóng mát nghỉ ngơi, uống nước.
– Không cho trẻ tập luyện, hoạt động thể lực ngay từ đầu với cường độ cao, thời gian lâu trong thời tiết nắng nóng mà không không có quá trình giúp bé thích nghi dần.
– Chủ động cho bé uống nước thường xuyên chứ không đợi đến khi bé khát nước.
– Mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi
– Khi ra nắng phải đội mũ rộng vành, trẻ nhỏ không nên quấn chăn mền quá dày, ủ trẻ với quá nhiều khăn, tã…
– Dù trẻ hiếu động đến mấy cũng không nên cho trẻ ra ngoài trời từ lúc nắng gắt khoảng 11h-15h. Nếu có điều kiện, cho trẻ chơi quanh bóng râm mát, tránh xa những nơi có ánh sáng phản chiếu mạnh như mặt cát, mặt kính, gương…
– Không được để trẻ một mình trong xe hơi khi thời tiết nóng bức, bởi làm như vậy trẻ có thể tự ý ra ngoài chơi hoặc cũng bị say nắng do nhiệt độ ngoài trời quá cao chiếu vào xe.
– Không nên nhốt trẻ cả ngày trong nhà, cần tập cho trẻ thói quen tiếp xúc với ánh nắng để cơ thể trẻ quen dần với tác động của nắng nóng. Thấy trẻ luyện tập quá sức ngoài trời nắng và có dấu hiệu khó chịu thì phải khuyên trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.
– Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ, cà chua, xà lách… để giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể đồng thời có tác dụng chống say nắng hiệu quả.