Mẹ&Con – Trong cả 4 lần, cứ có cơn gò đầu tiên, xách giỏ đi luôn đến bệnh viện là chị Ly Ga đã mở 6-7 phân.
Có lẽ rằng trong muôn vàn câu chuyện đi sinh thì những trải nghiệm đẻ nhanh gọn vẫn mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho các mẹ nhất. Chính vì vậy nên khi chị Ly Ga (hiện đang sống ở Hà Đông, Hà Nội) tâm sự về nhật ký đi sinh của mình đã nhận được không ít sự quan tâm từ hội bỉm sữa. Bởi tính thời gian từ cơn gò đầu tiên cho đến khi em bé chui ra khỏi bụng mẹ chỉ chưa đầy 2 tiếng. Và điều đặc biệt là trong cả 4 lần sinh con, chị đều đẻ nhanh như vậy.
Chị Ly Ga kể lại: “Cách đây khoảng 1 tuần, mình có lên hội hỏi về việc đau bụng và tụt bụng khi mới 36 tuần thai. Và sáng sớm ngày 8/7 thì mình đi sinh con. Bé sinh vào 36 tuần 6 ngày, nặng 3,1kg.
Cả tuần trước đó mình hầu như mất ngủ. Bụng tụt được 1 tuần (lần nào trước khi sinh 1 tuần cũng tụt bụng), thêm vào đó là mình bị đau bụng buồn đi vệ sinh suốt thôi.
4h15 sáng 8/7, mình tỉnh ngủ vì khó chịu, xoay bên nọ bên kia đều không ngủ được. Rồi hơn 4h30 thì bắt đầu thấy con gò. Lần này gò kèm theo cơn đau như kiểu đau bụng kinh. Mình theo dõi cơn gò thì cứ 10 phút lại đau 1 lần. Mình không bị bong nút nhầy hay vỡ ối gì. Theo kinh nghiệm mọi lần, mình nghĩ là có cơn đau đẻ rồi nên gọi chồng dậy chuẩn bị sẵn các thứ đi vào viện.
Mình trước nay vốn dễ đẻ và đẻ rất nhanh nên mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Hai vợ chồng đèo nhau vào viện. Mình chọn bệnh viện Hà Đông gần nhà vì không dám đi xa. 3 lần trước cũng đẻ ở đây rồi.
Vào đến viện là 6h kém 15 phút. Chồng thả mình ở phòng cấp cứu khoa sản và chồng đi ra gửi xe. Vào gặp bác sĩ, mình định xin mổ vì sau khi sinh thường 3 bạn, mình đã làm thu hẹp tầng sinh môn. Bác sĩ bảo vẫn có thể sinh thường được rồi gọi mình vào khám. Lúc này đau quá trời rồi. Vào khám thì đã mở 6 phân, bác sĩ biết tiền sử dễ sinh của mình nên động viên cố gắng sinh thường vì đưa vào mổ cũng không kịp. Rồi bác sĩ gọi y tá vào lấy máu và nước tiểu, bác sĩ cũng bấm ối luôn.
Không kịp thay đồ bệnh nhân, mình lên bàn đẻ ngay lúc vào khám, vê đầu ti 5 phút thì mở hết rồi. Chồng thì không biết đang phương trời nào, chỉ kịp dặn bà ngoại đưa quần áo em bé cho hộ sinh.
Lúc này mình chẳng mong mổ nữa, bác sĩ bảo rặn đi, chị sẽ cố gắng để em không phải rạch, không phải khâu. Rồi trái đất như quay cuồng, khung xương chậu như muốn nổ tung. Mình mệt quá rặn hơi đầu không được, bác sĩ bảo cố gắng lên em, lấy lại hơi rồi rặn nhé. Mình tiếp tục và cuối cùng con cũng ra. Bác sĩ đặt con lên bụng mình. 2 mẹ con ôm nhau tranh thủ selfie 1 kiểu. Con chào đời lúc 6h15. Vậy là tính từ lúc mình bắt đầu có cơn gò đầu tiên kèm dấu hiệu đau đến lúc sinh là chưa đầy 2 tiếng.
Lúc này chồng mới vào, vừa nộp tạm ứng tiền viện phí, vào vợ đã đẻ rồi. Bác sĩ còn bảo sao đi làm thủ tục nhanh thế (ôi vì ổng có kinh nghiệm 4 đứa rồi mà). Bố được đón tay con. Còn mình thì chờ kiểm tra nốt và được chuyển về phòng. Mọi thứ chỉ diễn ra trong chốc lát, bé con thì rất ngoan nhưng ti ít nên giờ chưa có nhiều sữa. Sau 1 ngày mình đã về nhà”.
Chia sẻ thêm câu chuyện bên lề, chị Ly Ga cho biết vợ chồng chị đã có 3 bé gái lần lượt 8 tuổi, 7 tuổi và 2 tuổi từ trước. Bé gái Jenny vừa chào đời, góp tên vào danh sách “tứ nữ” nhà chị. Với gia đình chị, con cái là tài sản vô giá nên dù lần thứ 4 này sinh con vì “nhỡ”, chị vẫn quyết định giữ con lại. Sau lần này, chị cũng muốn tập trung phấn đấu vấn đề kinh tế để có thể nuôi nấng các con trong điều kiện tốt nhất.
May mắn với chị là chồng chị luôn đồng hành và ủng hộ vợ. Chị tâm sự: “Nhà chồng mình cũng mong có cháu trai, vợ chồng mình cũng mong có nếp có tẻ. Nhưng thực tế 4 cô con gái với cả gia đình cũng là điều tuyệt vời rồi. Chồng mình không đề cập đến việc mình phải sinh con trai gì nữa cả, nên giờ dừng ở đây thôi. Vợ chồng mình thường bảo nhau, tuy không giàu có, không nhiều của nhưng được cái giàu con, cứ coi đó là niềm hạnh phúc, may mắn vô cùng lớn”.
Tuy vợ chồng không tránh khỏi được những lúc bát xô đũa lệch, nhưng với chị Ly Ga, chồng chị vẫn là một người bố, người chồng tốt. Lần nào vợ đi sinh, anh cũng đồng hành cùng vợ. Anh còn đùa sau 4 lần, kinh nghiệm đầy mình nên làm gì cũng nhanh gọn, tự tin hơn hẳn. Những việc cần làm như pha sữa, thay tã bỉm, bế ru con, anh đều làm được. “Chuẩn bị vài ngày nữa là sinh nhật anh ấy, mình cứ nghĩ cố thêm vài ngày để sinh cùng ngày với bố và bé thứ 3 (bé thứ 3 sinh thường cùng ngày với bố) nhưng không được. Em bé đòi ra sớm hơn”, chị Ly Ga tâm sự thêm.
Cả 3 lần sinh trước, chị Ly Ga cũng đều có cơ địa dễ sinh, cơn đau nhanh và mở nhanh. Lần nào đau xong, đi vào viện khám đều đã mở 6-7 phân rồi. Lần đầu còn có chút chần chừ vì bà nội bảo “phải đau lâu mới đẻ”, nên suýt đẻ rơi trên taxi. Nhưng những lần sau thì có kinh nghiệm hơn, cứ có cơn gò là xách đồ luôn vào viện và đều lên bàn đẻ luôn.
Lấy chồng sớm, cả tuổi xuân như chị Ly Ga tâm sự là chỉ có “chửa và đẻ”. Nhưng sau tất cả khi nhìn lại những đứa con ngoan, chồng yêu thương vun vén, chị cũng cảm thấy cuộc đời vậy là quá ưu ái mình rồi.