Cuộc chiến giữa hiện đại và truyền thống
Sau hai năm lập gia đình, chị Thu Hằng (28 tuổi, Quận Gò Vấp) may mắn có một bé trai đầu lòng. Cùng với sự ra đời của bé con kháu khỉnh, bụ bẫm, cùng với niềm vui không gì sánh nổi thì chị Hằng và mẹ chồng bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn.
Anh Quân chồng chị là con trai duy nhất trong nhà. Thế nên cậu nhóc chào đời đương nhiên được sự chào đón nồng nhiệt của cả họ hàng, nhất là bà nội. Cháu đích tôn mà, không cưng sao được. Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh lập tức. Chị Hằng muốn chăm con theo những hướng dẫn mang tính khoa học của bác sĩ, trong khi bà nội bé thì lại muốn chăm cháu theo những kinh nghiệm mang tính “truyền miệng dân gian”.
“Thật chịu không nổi. Tôi biết mẹ chồng cưng cháu, chỉ muốn những điều tốt nhất cho cháu. Nhưng bà luôn thích làm những gì theo cách từ xưa đến giờ vẫn làm. Ví dụ như thời buổi bây giờ mà mới sinh bé xong, bà còn bắt tôi nằm cả tuần trong phòng tối, đóng kín mít hết cửa sổ, dưới giường thì quạt một lò than nóng toát mồ hôi. Bác sĩ nghe được la tôi quá trời, nói là phải cho bé nằm phòng thoáng đãng, vừa quan sát được màu da của bé để tránh bệnh vàng da, vừa giúp bé hít thở không khí trong lành. Tôi nói với mẹ chồng bụi than có thể nguy hiểm cho hô hấp của bé, rồi hơi nóng hầm hập có thể làm bé bị viêm da, khó chịu… Vậy mà mẹ chồng tôi có nghe đâu, bà còn khóc lóc với chồng tôi, nói tôi muốn… giết cháu bà nên mới mở máy lạnh, mở cửa sổ như vậy! Tôi chỉ muốn ẵm con về luôn nhà mẹ ruột…”, chị ấm ức.
Không có mẹ chồng để phải tranh cãi như chị Hằng, nhưng chị Quỳnh Nga (25 tuổi, Quận 5) lại gặp phải trận chiến với chính… mẹ ruột của mình. Mới có đứa con đầu lòng, lại biết mình còn khá trẻ, chưa có kinh nghiệm gì, chị rất chú ý đến việc học hỏi các kiến thức nuôi dạy, chăm sóc bé. Từ khi mang thai, chị đã đăng ký học vài lớp tiền sản. Kệ sách ở nhà tràn ngập những tài liệu chăm sóc trẻ sơ sinh. Suốt 9 tháng mang thai, hễ rảnh rỗi là chị còn lên mạng, vào các forum nổi tiếng để trao đổi với những bà mẹ khác cũng như bác sĩ chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi.
Thế nhưng, khi bé chào đời thì mọi thứ “kiến thức” của chị đều bị… đảo ngược hết cả theo cách chăm sóc riêng của mẹ ruột. “Tôi cãi mẹ không được. Nói cái gì mẹ cũng bảo: “Tao sinh ra cả 6 đứa con, nuôi mấy anh em bây nên người hết chứ có đứa nào bị bệnh tật gì đâu. Vậy mà giờ chăm con cho mày, mày cãi này cãi nọ bảo mẹ không biết cách. Mày 25 tuổi, có con lần đầu thì biết cách chắc. Thiệt trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Vậy là đành im chứ biết làm gì. Nhưng im thì im mà vẫn lo và vẫn… tức. Ví dụ như thằng bé mới hơn 2 tháng, bị bón. Mẹ quả quyết không cho đi bác sĩ mà chỉ lấy cọng hành để… ngoáy hậu môn thằng bé. Nhất là còn tin mấy cái thứ thuốc thang bùa ngải gì đó của mấy ông thầy, bảo là tốt cho nó nữa chứ. Bé khóc dạ đề thì để một bài bùa chú gì đấy ngay cửa ra vào, bắt đi ra đi vô đều phải đọc to lên. Tôi đến phát cáu vì mấy chuyện kiểu này!”
Nếu ở thành phố, những mâu thuẫn giữa hai thế hệ về cách chăm sóc trẻ còn tương đối ít. Vì dầu gì người lớn tuổi (bà nội, bà ngoại) cũng chịu khó đọc sách báo, xem tivi, nghe đài, nghe các bác sĩ hướng dẫn cặn kẽ, lâu dần thành ra thay đổi “tư tưởng”. Còn với các cô con dâu hay con gái khi có con phải về quê (nhà mẹ ruột hoặc mẹ chồng) để sinh con thì “cuộc chiến chăm bé” này càng trở nên gay gắt và thường là để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
Dung hòa “kim cổ”
Bà Phạm T.H (68 tuổi) bộc bạch: “Có đứa con dâu sinh con đầu lòng, chăm sóc cho nó hết mức, vậy mà nó cứ làm như mình sắp… hại chết con nó không bằng. Đã nói là mới sinh con chỉ nên ăn cơm với muối tiêu và các món thịt kho mặn, vậy mà nó không nghe. Nó nói ăn vậy có nước tắt sữa. Tôi nuôi chồng nó từ bé đến lớn đấy, cũng ăn những món đó đấy, có tắt sữa bao giờ không. Rốn thằng bé cần băng kín cho khỏi nhiễm trùng thì nó lại bảo để thoáng mới mau lành. Nói cái gì nó cãi cái đó, còn đòi ẵm con về nữa chứ!”
Những xích mích này càng gia tăng khi anh Hoàng (con trai bà) không biết đứng về phía nào, đành bảo vợ phải nghe lời mẹ. Nhưng chị Linh vợ anh đâu có “dễ bảo” như thế. Tin vào những kiến thức mình đọc được từ sách báo, chị quyết không nghe theo những điều mẹ chồng nói. Chị “sửng cồ” với cả chồng khi anh quát nạt, muốn chị nghe theo: “Con là con của em! Em chăm theo cách của em. Mẹ muốn chăm thì mẹ tự… đẻ ra đứa khác mà chăm!”
Vì câu “trả treo” ấy của chị, anh Hoàng không kềm được, tát cho một cái. Thành ra đứa con chưa đầy hai tháng, mà nhà đã mỗi người mỗi nơi. Giận chồng, giận mẹ chồng, chị Linh ẵm con qua nhà chị ruột của mình ở, cấm cửa luôn không cho anh tới chăm sóc bé!
Những xích mích như thế quả là đáng tiếc. Vì chắc chắn người mẹ, người bà nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con, cho cháu của mình. Tuy nhiên, quả thật không phải dễ dàng để dung hòa những cách chăm sóc khác nhau, đặc biệt là cách chăm sóc theo phương thức “dân gian” với kiến thức chăm trẻ sơ sinh theo kiểu mới, khoa học và hiện đại.
“Cách tốt nhất là ngay từ khi mang thai, người mẹ trẻ phải chịu khó… vận động cả nhà, nhất là những người già như ba mẹ ruột, ba mẹ chồng cùng tìm hiểu những kiến thức chăm sóc con hiện đại với mình. Phải làm từ từ, từng chút, theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt là nói có sách, mách có chứng, phải tìm những tài liệu có tên tuổi bác sĩ uy tín cho các cụ đọc. Bằng cách này, có thể sẽ thay đổi được phần nào suy nghĩ của các cụ”, chuyên viên tư vấn tâm lý Thu Hiên (tổng đài 1080) chia sẻ.
Ngoài ra, cũng cần biết rằng vai trò của người chồng trong “cuộc chiến” này vô cùng quan trọng. Người chồng cần tham gia những lớp học tiền sản với vợ, thu thập những kiến thức khoa học, hiểu đúng về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Từ đó, làm tốt vai trò “hòa giải” giữa người già (thường là mẹ ruột) và vợ. Các cô dâu trẻ cũng không nên phủ nhận hết tất cả những kinh nghiệm của người già. Vì quả thật cho đến lúc này, y học vẫn thừa nhận có những “mẹo” mang tính dân gian nhưng lại rất hợp lý, hợp khoa học trong việc chăm sóc bà đẻ và trẻ sơ sinh.
Ví dụ như cho bà mẹ ăn canh đu đủ hầm giò heo để có nhiều sữa hơn là một phương pháp đúng, chỉ có điều không nên ăn đến mức… ngán ngẩm, nuốt không trôi nữa. Ngược lại, có những phương pháp “dân gian” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ sơ sinh như phương pháp tắm bia để làm sạch da cho trẻ, nhỏ chanh vào mắt trẻ và cho trẻ uống nước cam thảo hiện nay đang bị cấm vì rất nguy hiểm cho trẻ thì cần cương quyết nhưng khéo léo thuyết phục để người già hiểu ra.
“Cái khó nhất là người già thường tự tin: Ngày xưa mình cũng nuôi con bằng cách ấy, đứa con nào cũng lớn khôn chứ có làm sao đâu. Sao bây giờ lại… bày đặt khoa học này, khoa học khác mà bác bỏ. Để điều chỉnh những tư tưởng này, những người cha, người mẹ trẻ phải áp dụng… nghệ thuật mềm mỏng, nói sao cho các cụ vui lòng, không tự ái, không cảm thấy mình bị bỏ quên, ra rìa. Đứa con là sợi dây kỳ diệu gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Đừng để bé phải biến thành… ngòi nổ để tạo nên những xung đột, tranh chấp giữa các thế hệ trong việc chăm sóc bé thì rất tiếc!”, chuyên viên tư vấn tâm lý Thu Hiên – người từng nhiều lần đóng vai trò “hòa giải” trong cuộc xung đột tư tưởng giữa các thế hệ trong gia đình – chân thành nhấn mạnh.
Lam Giang