Mẹ&Con – Có bà mẹ kể lại rằng, ngày đầu tiên biết mình mang thai, cô đã bật khóc. Khóc vì… sợ quá chứ không phải vì vui quá! Cô có thai ngoài dự tính, dù hai vợ chồng đã kết hôn đàng hoàng chứ không phải cảnh làm mẹ đơn thân. Đơn giản bởi lẽ cả hai vợ chồng đều mới ra trường, công việc chưa đâu vào đâu, nhà thì ở thuê, nợ nần từ đám cưới trả còn chưa dứt. Thế rồi đùng một cái, que thử chuyển thành “hai vạch”.

mang thai ngoài ý muốn

(Ảnh minh họa)

Mang thai ngoài ý muốn – Bạn nên chuẩn bị tinh thần thế nào?

Sẽ có nhiều việc bạn cần phải lo, nhưng ở bài viết này, bác sĩ chia sẻ với bạn một góc nhỏ (song vô cùng quan trọng) của nỗi lo ấy thôi. Bạn cần chuẩn bị về tâm lý! Đừng quên rằng mọi tâm lý của người mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển thai nhi trong bụng.

Bạn có quyền quyết định bỏ đi hay giữ lại bào thai. Nhưng lời khuyên của bác sĩ với bạn bao giờ cũng là: “Bầu” ơi, đừng… sợ! Con có duyên mới đến với mình. Nếu chỉ là những khó khăn mang tính nhất thời như điều kiện kinh tế, nhà cửa, việc làm… hãy nỗ lực hết sức để vượt qua. Đón bạn ở cuối con đường sẽ là nụ cười trẻ thơ và những hạnh phúc thiêng liêng không gì sánh nổi.

Sở dĩ phải nói rõ với bạn điều này, là vì việc bỏ thai bao giờ cũng tiềm ẩn trong đó rất nhiều nguy cơ. Hãy thử nghĩ xem, nếu như bạn vì một chút khó khăn không dám vượt qua mà bỏ con, có khi sau này, khi tất cả mọi thứ đã ổn định, bạn lại… không thể có con nữa. Bạn sẽ đau khổ biết chừng nào!

Nhiều thai phụ, nhất là các thai phụ độ tuổi mới khoảng 20-24 hốt hoảng báo với bác sĩ: “Nhưng em chưa có gì ổn định cả! Em không biết cách làm mẹ, em lo cho mình còn chưa xong, làm sao em lo cho một đứa trẻ, một sinh linh được chứ?”.

Tâm lý này hoàn toàn có thật! Thậm chí, nó ám ảnh với các bà bầu trong những giấc mơ. Đây là một trở ngại lớn của bạn (về tâm lý) mà chính bạn phải can đảm vượt qua. Đúng là chuyện tự dưng “đang yên đang lành”, giờ phải chịu trách nhiệm về một sinh linh, một đứa con (cái từ nghe hãy còn xa lạ làm sao!) hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng.

Bạn sợ hãi với cảm giác e ngại mình sẽ là người mẹ “không tốt”. Nhưng… xin nói điều này không phải để trấn an bạn đâu mà là sự thật: Bản năng người mẹ rất thiêng liêng. Tạo hóa ban cho bạn những sức mạnh tiềm ẩn mà chính các nhà khoa học hay các bác sĩ cũng không thể nào giải thích hết được.

Hãy tin vào bản thân mình! Nhất định bạn sẽ vượt qua được và làm tốt tất cả “nhiệm vụ” của mình, với sự nỗ lực học hỏi, tìm hiểu thông tin, cũng như những giúp đỡ từ bác sĩ!

Ngoài ra, bạn không đơn độc một mình. Hãy ghi nhớ điều đó! Những lớp học tiền sản, những cuốn sách “gối đầu giường”, những tạp chí, diễn đàn dành cho bà bầu rất nhiều. Bạn hoàn toàn có đủ thời gian để tích cóp kiến thức.

Nếu còn trẻ quá, cảm thấy lúng túng quá, bạn cũng đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ của gia đình hai bên nội ngoại. Những người thân, bố mẹ, anh em, họ hàng chính là sự giúp đỡ quý báu cho vợ chồng bạn lúc này. Chỉ cần bạn hết lòng vì “mục tiêu” này, chín tháng thai kỳ sẽ trải qua rất nhanh, không khó khăn như bạn tưởng.

Trong trường hợp vẫn không tự giải tỏa được cảm giác lo sợ này, đừng giữ nó trong lòng một mình. Bạn cần biết rằng trong giai đoạn thai kỳ, dưới tác động của các hormone, tâm lý của “bầu” vốn đã nhạy cảm, dễ xúc động, dễ trầm cảm lắm rồi.

Nếu bạn còn lo thêm mà không biết cách giải thoát nỗi lo, bạn có thể làm các hành động dại dột, như đã từng xảy ra với không ít thai phụ. Hãy cố gắng tìm những người đáng tin cậy để chia sẻ. Chồng, bạn thân, ba mẹ, họ hàng, hay là một bác sĩ, một chuyên gia tâm lý, một tạp chí bạn vẫn luôn theo dõi cũng được.

Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và những người yêu thương bạn sẽ biết cách động viên, giúp bạn giải tỏa tâm lý, để thật sự sẵn sàng cho cái việc mà bạn không ngờ tới, không dự liệu trước này.

Và về vài thứ khác nữa!

Mang thai, sinh nở là một giai đoạn cần khá nhiều tiền! Hãy thẳng thắn nhìn nhận và xác định như vậy. Sau những dòng cảm xúc đầy sắc hồng của các bà bầu, bạn hãy biết rằng bạn sẽ khá vất vả để lo cho chính mình và lo cho bé đấy.

Chín tháng thai kỳ, nếu bạn khỏe thì quá tốt, nhưng nếu bạn gặp một vài trở ngại, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn xin nghỉ việc sớm hơn, để dưỡng thai. Thu nhập của bạn có thể giảm sút. Thời gian nuôi con cũng thế, sữa, tã và hàng trăm thứ chi phí linh tinh sẽ phát sinh.

Gia đình bạn thuộc dạng khá giả hoặc bạn đã có được kinh tế ổn định rồi? Quá tốt! Nếu chưa, bạn cần ngồi xuống với chồng mình để gấp rút thực hiện lại việc tính toán, cân đối chi tiêu gia đình ngay. Hãy tiết kiệm tất cả những gì cần tiết kiệm, bớt đi các khoản xa xỉ vì xin nói để bạn chuẩn bị tinh thần (chứ không hề… dọa bạn!) là bạn sẽ cần nhiều tiền đấy.

Cũng nhắc chừng thêm bạn là đừng vội mua sắm đủ thứ lung tung cho bé. Bạn chưa cần thiết phải như thế đâu. Hãy từ từ trao đổi với những người đi trước, có thể bạn sẽ nhận được nhiều món quà hữu ích là những thứ mà các đôi vợ chồng cũng có con nhỏ tặng cho cũng như có được những lời khuyên cần thiết cho việc mua sắm. Bằng cách ấy, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều.

Công việc cũng là điều bạn nên tính toán, sắp xếp lại ngay khi “bất ngờ hai vạch”. Công việc quá áp lực hoặc đòi hỏi đi lại quá nhiều, quá nặng nề sẽ không phù hợp với bạn nữa rồi. Không chỉ cần sắp xếp việc ở cơ quan, ở công ty mà bạn cần sắp xếp lại cả… công việc nhà.

Hãy trao đổi để anh xã của bạn ý thức được về trách nhiệm làm bố của mình. Bạn cần cho anh xã cùng tham gia những lớp học tiền sản để chồng hiểu hơn về “tình hình” hiện tại, biết phải làm gì giúp bạn.

Nên nói chuyện với nhau, vì nếu không nói, vợ chồng bạn sẽ dễ gặp phải rất nhiều vướng mắc trong giai đoạn mọi thứ đều như bị đảo lộn này đấy.

Ngay cả các cặp vợ chồng có tính trước, mong chờ việc có con còn gặp không ít lúng túng, thì với vợ chồng bạn, việc trò chuyện, trao đổi, phân công công việc, chia sẻ và lắng nghe nhau này càng trở nên quan trọng hơn.

Khá nhiều thứ phải lo, phải không? Đừng đòi hỏi mình giải quyết hết được các việc đã nêu ra này chỉ trong ngày một ngày hai. Bạn nên viết tất cả ra giấy, chia nhỏ từng nhóm việc và thu xếp giải quyết chúng từng chút một. Hãy trấn an mình rằng bạn chỉ gặp phải những “căng thẳng” này trong một vài tháng đầu tiên thôi.

Nếu khéo sắp xếp và giải quyết tốt mọi thứ, từ tháng thứ ba trở đi, bạn đã có thể “bắt nhịp” với mọi bà bầu có chuẩn bị khác, để đón nhận một thai kỳ với trạng thái tâm lý tự tin, thoải mái, sẵn sàng hơn hẳn rồi!

Tags:

Bài viết liên quan