Bạn được nhiều chuyên gia khuyên rằng, nên cho bé bú sữa mẹ thường xuyên trong năm đầu đời. Nhưng vì lý do công việc nên rất khó ở cạnh con cả ngày. Vì vậy việc vắt sữa ra trước và bảo quản đến khi dùng là không tránh khỏi. Trước khi đến với cách bảo quản sữa mẹ, hãy cùng tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về cách vắt sữa đúng nhé.
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ đúng
Cách vắt sữa mẹ bằng tay
Trước tiên các bạn rửa sạch tay bằng xà phòng sát khuẩn, sau đó dùng khăn mềm rửa sạch bầu vú. Đặt ngón tay trỏ phía bên dưới bầu vú, gần về hướng của quầng vú và ngón tay cái bạn đặt ở trên (theo hướng đối diện với ngón trỏ. Nếu như quầng vú rộng bạn đặt ngón tay lùi vào bên trong, nếu hẹp bạn đặt ngón tay ra phía bên ngoài. Các ngón tay còn lại các bạn giữ ngực.
Các bạn giữ yên các ngón tay tại các vị trí trên ngực, nhẹ nhàng ấn các ngón tay về phía sau. Kết hợp với lực bóp nhẹ nhàng, nhưng không cho các ngón tay trượt trên da. Các mẹ đừng bất ngờ khi lần đầu vắt sữa chỉ có vài giọt xuất hiện.
Khi thấy sữa đã chảy xuống ly có miệng rộng (được chuẩn bị trước), các mẹ giữ nguyên lực và ép ngược về phía sau. Đồng thời các mẹ dùng ngón út và ngón trỏ ép cùng lúc về phía trước để sữa chảy ra khỏi các túi sữa. Nới lỏng lực ép của tay để các tuyến sữa đầy lại rồi lặp lại thao tác trên.
Nếu như sữa không chảy các bạn di chuyển bàn tay gần đỉnh hoặc xa hơn để tìm được các vị trí tốt nhất. Tiến hành massage nhẹ nhàng ngực thêm một lúc rồi thử lại. Vắt tối thiểu 3 – 5 phút mỗi bên vú cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia và sau đó lại vắt lại ở cả hai bên.
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ bằng máy hút tay
Trước tiên các mẹ làm sạch dụng cụ hút sữa, bạn nên thường xuyên vệ sinh các cặn sữa đóng ở kẽ của phần vặn. Tiếp đến các mẹ tiến hành massage ngực, làm với cả 2 bên trong khoảng 10 – 15 phút. Với những máy có silicon massage, mẹ vẫn nên thực hiện bước này bằng tay. Đây là cách kích thích các tuyến sữa giúp quá trình hút sữa được nhiều hơn.
Bạn đều chỉnh phễu hút sữa vừa vặn với bầu ngực, không được cho không khí bên ngoài lọt vào sẽ ảnh hưởng đến lực hút sữa. Bạn nên bắt đầu bằng lực hút mạnh và nhanh để “bắt chước” với hành động mỗi khi bé bú sữa. Sau khi sữa về, các bạn dùng lực nhẹ và ổn định hơn.
Cách vắt sữa mẹ bằng máy hút điện
Đối với máy này bạn nên thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng đi kèm, nhưng cần nhớ một vài lưu ý sau:
- Vệ sinh thật sạch sẽ những vật dụng hút sữa, việc này sẽ giúp bảo quản sữa mẹ được lâu hơn
- Đối với các loại máy hút sữa điện không có chế độ chỉnh tốc độ tự động bạn nên chỉnh bằng tay. Lúc đầu nên chỉnh lực nhanh, khi sữa về bạn giảm từ từ tốc độ lại
Sữa mẹ hút ra để được bao lâu?
Sau khi đã học được cách vắt sữa đúng thì nhiều mẹ thường thắc mắc “Sữa mẹ hút ra để được bao lâu?”. Trong sữa mẹ có nhiều chất đạm, đây là loại đạm rất tốt cho sự phát triển của bé. Nhưng do sữa mẹ chứa nhiều đạm nên rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Sau đây là thời gian sữa để được tùy theo nhiệt độ:
Ở nhiệt độ phòng (trên 26 độ C): Sữa mẹ có thể sử dụng tối đa trong 1 giờ đồng hồ.
Ở nhiệt độ phòng điều hòa (dưới 26 độ C): Thời hạn sử dụng tối đa là 6 giờ.
Trong ngăn mát tủ lạnh: Tối đa 48 giờ.
Trong ngăn đá tủ lạnh:
- Loại tủ lạnh loại 1 cửa (tủ loại nhỏ): Tối đa là 2 tuần
- Tủ lạnh loại 2 cửa (có cửa riêng cho ngăn đá và ngăn mát): tối đa là 4 tháng.
- Với loại tủ đông lạnh chuyên dụng: trữ được tối đa trong 6 tháng.
Mẹo bảo quản sữa mẹ đúng cách
Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ điều hòa
Nếu mẹ vắt sữa trong môi trường phòng điều hòa (nhiệt độ dưới 26 độ C) thì cho sữa vào bình và cho bé bú càng sớm càng tốt. Thời gian không được quá 6 tiếng. Bên cạnh đó, bạn không được thường xuyên mở cửa phòng để nhiệt độ thất thoát ra bên ngoài. Ngoài ra tránh để bình sữa ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, các tia cực tím sẽ làm biến đổi chất bên trong sữa và ảnh hưởng đến chất lượng của sữa.
Bảo quản sữa mẹ ở ngăn mát tủ lạnh
Sau khi đã vắt sữa các bạn chia sữa vào các túi trữ sữa có dung tích nhỏ (khoảng 80 – 100ml) để giảm thời gian làm lạnh và quá trình rã đông sẽ nhanh hơn. Tiếp đến các bạn dùng bút lông ghi giờ và ngày lên túi trữ sữa và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Sữa bảo quản ngăn mát, có thể sử dụng tối đa 48 tiếng. Nhưng các mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt nhé.
Bảo quản sữa mẹ ở ngăn đông
Sau khi đã vắt sữa, các mẹ cũng nên chia nhỏ lượng sữa ra thành những túi trữ đông khoảng 80 – 100ml. Dùng bút lông ghi ngày tháng năm vắt sữa, nếu được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định thì có thể giữ ít nhất 2 tuần – 4 tháng (tùy theo loại tủ). Cuối cùng, bạn chỉ cần xếp sữa gọn gàng ở một góc nhỏ bên trong ngăn đông. Không được đặt sữa ở cửa tủ lạnh, vì nhiệt độ không ổn định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sữa.
Một vài lưu ý để giúp bảo quản sữa lâu hơn
Bên cạnh việc nắm được thời gian bảo quản sữa, các mẹ cũng cần ghi nhớ những lưu ý sau để giúp quá trình bảo quản tốt hơn:
- Không nên tái sử dụng túi trữ sữa
- Bảo quản sữa mẹ ở một góc riêng biệt không đặt chung với thịt cá vì dễ ám mùi khó chịu
- Trong quá trình bảo quản sữa, không nên mở tủ thường xuyên làm nhiệt độ không ổn định
Cách hâm sữa mẹ đúng cách
Quá trình hâm sữa cũng quyết định rất lớn đến chất lượng cũng như hương vị của sữa. Sau đây là những lưu ý Mẹ và Con gửi đến bạn khi hâm sữa mẹ:
Các mẹ nên hâm sữa đã vắt trước để cho bé dùng trước, những sữa vắt sau nên dùng sau
Không nên để sữa tự rã đông ở nhiệt độ phòng, vì đây là môi trường thích hợp để vi khuẩn phát triển. Để rã đông các bạn có thể hấp cách thủy hay cho túi trữ sữa vào một tô nước nóng khoảng 40 – 42 độ C. Dùng nồi đun nóng hay lò vi sóng là những cách hâm sữa không đúng dễ làm mất chất của sữa.
Lắc nhẹ chai sữa để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Bên cạnh đó, bạn nên ngửi và kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé bú. Đối với lượng sữa đã trữ bé không bú hết thì nên bỏ đi không được tái sử dụng lại.
Trên đây là một vài cách bảo quản sữa mẹ và cách hâm sữa đúng cách, các mẹ hãy ghi ngay những kiến thức này vào cẩm nang chăm con của mình nhé. Mẹ và Con chúc bé hay ăn chóng lớn!