Mẹ&Con – Thời tiết oi bức, nắng nóng của mùa hè rất dễ khiến chúng ta bị say nắng, say nóng, đặc biệt là trẻ em. Học ngay cách chữa say nắng, say nóng cho trẻ để xử trí nhanh khi con chẳng may rơi vào trường hợp như vậy, mẹ nhé!

Say nắng, say nóng là phản ứng của cơ thể khi nhiệt độ môi trường bên ngoài tăng nhanh và cao. Hiện tượng này thường gặp ở những người hoạt động ngoài trời, luyện tập thể lực hay học tập, làm việc trong môi trường nóng bức như hầm lò, phòng kín kém thông khí, trong ô tô… Ngoài ra, người già và trẻ em với sức chịu đựng kém cũng là đối tượng dễ bị say nắng, say nóng “ghé thăm”.

Khi say nắng, say nóng, các mạch máu sẽ giãn nỡ để dồn máu đến da giúp thoát nhiệt ra ngoài, đồng thời các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể. Nếu không sơ cứu kịp thời, cơ thể mất quá nhiều nước và chất điện giải (muối) qua mồ hôi có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, không bao giờ là thừa để mẹ bỏ túi những dấu hiệu và cách chữa say nắng, say nóng cho bé khi mùa hè đến.

Cách chữa say nắng
Bỏ túi cách chữa say nắng, say nóng cho con trong mùa hè không bao giờ là thừa.

Nhận biết con bạn đang bị say nắng, say nóng

Các biểu hiện của say nắng, say nóng phụ thuộc vào thời gian bé tiếp xúc với nắng nóng và mức độ gia tăng thân nhiệt của cơ thể.

Những triệu chứng say nắng nhẹ ban đầu có thể là:

  • Da nóng, ửng đỏ, khô, nhợt nhạt;
  • Tim đập nhanh, thở gấp;
  • Bé có dấu hiệu mệt lả, chân tay rã rời, hoa mắt chóng mặt;
  • Với các bé lớn còn xuất hiện tình trạng đau cơ, chuột rút ở chân, tay hay cơ bụng.
  • Trường hợp nặng, bé có thể:
  • Nôn ói;
  • Ngất xỉu;
  • Co giật;
  • Mất ý thức, mất phương hướng, lơ mơ, lú lẫn;
  • Bất tỉnh, hôn mê;
  • Trụy tim mạch;
  • Có thể tử vong.

Cách chữa say nắng, say nóng cho con

1. Chuyển bé vào chỗ mát, thoáng khí.

2. Cởi bỏ bớt quần áo.

3. Vẩy nước hoặc lấy khăn thấm nước mát phủ lên người bé để giảm thân nhiệt.

4. Dùng quạt máy hoặc quạt tay, quạt mát cho bé.

5. Nếu bé còn tỉnh táo, cho bé uống một ly nước mát mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.

6. Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc khăn bọc nước đá ở các vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ đến khi nhiệt độ xuống còn khoảng 38 độ C.

7. Đưa bé đi cấp cứu trong trường hợp nặng: nôn ói, co giật, bất tỉnh…

8. Vẫn thường xuyên chườm mát cho bệnh nhi trong quá trình vận chuyển.

Giúp con phòng chống say nắng, say nóng

Nên:

  • Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi bé phải hoạt động ngoài trời nắng như quần áo dài, rộng, sáng màu; mũ nón, kính râm…
  • Tạo cho con môi trường học tập, vui chơi thoáng mát.
  • Thường xuyên cho con uống nước dù bé chưa khát. Tốt nhất là uống nước lọc, nước hoa quả và thức uống chứa muối, đường.
  • Cho bé ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.

Không nên:

  • Vui chơi, đi lại hoặc đứng quá lâu dưới trời nắng, trong môi trường nóng bức.
  • Các hoạt động thể lực quá sức.
  • Để bé ra ngoài chơi khi trời nắng gắt.
  • Để bé bước ra vào phòng máy lạnh đột ngột.

18 thực phẩm giúp con tránh xa say nắng, say nóng

1. Dưa hấu

Dưa hấu là một trong những loại quả chứa hàm lượng nước cao. Hơn nữa, loại quả này còn cung cấp một lượng vừa phải năng lượng nhưng vẫn chứa gần như đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể con người.

Mùa hè, bé thường xuyên ăn dưa hấu sẽ không lo cơ thể bị mất nước. Đặc biệt, các vitamin và khoáng chất có trong quả dưa hấu như vitamin A, B6, C, khoáng chất kali, sắt… sẽ giúp bé nâng cao sức đề kháng để phòng bệnh mùa hè tốt hơn, đồng thời cũng là cách chữa say nắng, say nóng hiệu quả.

2. Trái cây họ cam quýt

Trái cây họ cam quýt có thành phần chủ yếu là nước, vitamin C, A, magie, sắt, kali… Đây đều là những vi chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhất là hệ miễn dịch.

Mỗi ngày, mẹ có thể cho bé uống một ly nước cam, sau bữa ăn 1 – 2 tiếng. Ngoài ra, bé cũng có thể ăn trực tiếp các múi cam, quýt, bưởi… nhưng chỉ với lượng vừa đủ, bởi tính axit có trong các loại quả này có thể gây tổn thương dạ dày.

3. Cà chua

Cà chua không chỉ là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, chúng còn chứa vô vàn những dưỡng chất khác có lợi cho sức khỏe như vitamin A, B1, B2, B6, PP, canxi, sắt, kali, photpho, i-ốt… Vì vậy, cà chua luôn được xem là thực phẩm ngon, bổ, rẻ, giúp trẻ có sức đề kháng tốt để phòng cũng như là cách chữa say nắng, nóng ngày hè.

Với cà chua, mẹ có thể chế biến thành nhiều món ngon tốt cho sức khỏe của bé như canh trứng cà chua, canh thịt bò cà chua, cá sốt cà chua hoặc sinh tố, nước ép làm từ cà chua…

4. Dưa chuột

Ăn dưa chuột mỗi ngày là cách đơn giản giúp bé bổ sung một lượng nước đáng kể cho cơ thể. Không chỉ vậy, các vitamin A, B và C trong loại quả này còn giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại say nắng, say nóng hiệu quả.

Ngoài cách ăn trực tiếp, dưa leo còn có thể xay sinh tố uống, làm nguyên liệu trong các món nộm gỏi, món canh, xào hay thêm vào các đồ ăn nhanh như bánh mì, mì trộn…

5. Dứa

Nhiều người thường nghĩ dứa có tính nóng nhưng thực ra dứa lại có tính bình, dồi dào vitamin C. Vì vậy, dứa có khả năng thanh nhiệt, rất có lợi cho sức khỏe và đặc biệt thích hợp thêm vào thực đơn ngày hè của bé.

Mẹ có thể cho bé uống nước ép dứa trong những ngày hè, vừa có tác dụng giải khát, vừa ngăn chặn say nắng, say nóng hiệu quả.

6. Mướp đắng (khổ qua)

Mướp đắng tính mát có công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Hơn nữa, mướp đắng còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sự phát triển của trẻ như vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, C, axit folic, canxi, kali, kẽm, đồng, photpho, magie…

Nhờ các dưỡng chất cùng công dụng của mướp đắng trong việc nâng cao sức khỏe, mẹ đừng quên thêm chúng vào thực đơn ăn uống ngày hè của bé. Mướp đắng sẽ bảo vệ sức khỏe của trẻ, giúp trẻ đối phó với nắng nóng tốt hơn.

7. Bí đao

Bí đao vốn được biết đến là loại quả có tính mát, giúp cơ thể thanh nhiệt, phòng chống cảm nắng. Mùa hè, mẹ có thể mua bí đao về làm trà bí đao có tác dụng giải khát, giải nhiệt, ngăn ngừa say nắng, say nóng cho bé rất tốt.

Không chỉ thanh mát, bí đao còn là loại quả giàu chất xơ. Đây là một thành phần thúc đẩy hoạt động trao đổi chất, giúp cơ thể bé hấp thu dưỡng chất tốt để khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh mùa hè hiệu quả hơn.

8. Bí đỏ

Mùa hè, mẹ cũng đừng quên thêm bí đỏ vào thực đơn ăn uống của bé. Không chỉ giàu beta-carotene có lợi cho sức khỏe đôi mắt, bí đỏ còn có giá trị dinh dưỡng cao để giúp bé nâng cao sức khỏe, phòng nhiều bệnh ngày nắng nóng.

Có nhiều cách để mẹ chế biến các món ăn từ bí đỏ cho bé thích mê như cháo bí đỏ, bánh bí đỏ, chè bí đỏ hay bí đỏ hầm xương…

9. Đậu xanh

Tính mát của đậu xanh giúp cơ thể trẻ thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa say nắng, say nóng trong những ngày hè. Đậu xanh còn rất bổ dưỡng nhờ chứa nhiều vi chất như vitamin A, B1, B2, PP, C, canxi, photpho, sắt… có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Trong những ngày nắng nóng, mẹ có thể dùng đậu xanh để nấu chè, nấu cháo giúp bé dễ ăn.

10. Nước dừa

Nước dừa cũng là loại thực phẩm có tính mát, tác dụng làm thanh mát, giải nhiệt cơ thể. Đồng thời, nước dừa còn chứa một lượng muối, đường tự nhiên nên rất hữu hiệu trong việc thay thế nước điện giải khi cơ thể bé mất nhiều nước sau mỗi lần vui chơi, hoạt động trong ngày hè.

11. Nước mía

Nếu say nắng khiến thân nhiệt tăng cao thì nước mía lại có công dụng làm mát, tiêu nóng, bớt nhiệt. Loại nước này được bày bán rộng rãi. Vì vậy, trong trường hợp chẳng may con bị say nắng, say nóng, bạn có thể đưa bé vào nơi mát mẻ, cởi bớt quần áo và uống một ly nước mía.

12. Sữa chua

Các thành phần dinh dưỡng trong sữa chua giúp cơ thể bổ sung nguồn năng lượng dồi dào để bé hoạt động cả ngày dài. Đặc biệt, sữa chua còn chứa vô vàn lợi khuẩn, cải thiện hệ miễn dịch giúp bé chống lại nhiều nguy cơ về sức khỏe trong những ngày oi bức.

Để món ăn thêm thơm ngon, bổ dưỡng, mẹ có thể kết hợp sữa chua với một số loại trái cây mùa hè, chắc chắn bé nhà bạn sẽ thích mê.

13. Dâu tây

Dâu tây không chỉ đẹp mắt, ngon miệng mà còn dồi dào vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa say nắng, say nóng hiệu quả. Dâu tây đặc biệt thơm ngon và thích hợp cho các bé khi chế biến thành món sinh tố, thêm chút đá lạnh để lập tức xoa dịu oi bức ngày hè.

14. Củ mã thầy (củ năng)

Củ mã thầy vị ngọt, tính hàn, thích hợp để giải nhiệt cơ thể trong mùa hè. Cách dùng củ mã thầy rất đơn giản, bạn có thể gọt vỏ, ép lấy nước và cho bé uống, vừa có tác dụng giải khát, vừa giải nhiệt cơ thể giúp phòng chống say nắng hiệu quả. Ngoài ra, loại củ này còn được sử dụng để nấu cháo hoặc nấu chè đều rất thích hợp cho các bé.

15. Bột sắn dây

Bột sắn dây cũng là một loại thực phẩm thuộc tính hàn, vị ngọt mát, có tác dụng thanh nhiệt, là cách chữa say nắng, say nóng tốt. Dùng sắn dây trị say nắng, say nóng, bạn chỉ cần pha thêm một chút muối cho dễ uống hoặc muốn uống đường thì chỉ cần pha vừa đủ ngọt man mát.

Do bột sắn dây có tính hàn mạnh nên bạn chú ý không cho bé uống quá 15 gam/ ngày. Cách uống tốt nhất là uống chín, để bé không bị lạnh bụng và tiêu chảy.

16. Rau má

Rau má là một loại rau quen thuộc với chúng ta. Nhờ tính mát, rau má được xem là một “thảo dược quý” để giải nhiệt cơ thể, là cách chữa say nắng, say nóng hiệu quả. Với rau má, bạn có thể dùng nấu canh hay ép lấy nước cho bé uống đều rất ngon và bổ dưỡng.

17. Rau ngót

Rau ngót là một thực phẩm giàu dưỡng chất. Chúng chứa nhiều vi chất giúp nâng cao sức khỏe của trẻ như vitamin B1, B2, B6, C, PP, canxi, kali, sắt… Đặc biệt, tính mát của loại rau này sẽ giúp bé thanh nhiệt, giảm bớt nguy cơ bị say nóng trong mùa hè.

Tương tự như rau má, bạn có thể dùng rau ngót để nấu canh hay làm nước ép đều giúp bé dễ hấp thu.

18. Bông cải xanh

Bông cải xanh cũng là một “dũng sĩ” bảo vệ con trong những ngày nắng nóng, là cách chữa say nắng, say nóng rất tốt. Ngoài việc chứa nhiều vitamin C và canxi, cải xanh còn giàu chất xơ giúp hệ tiêu hóa của con hoạt động “trơn tru”.

Mỗi tuần, mẹ có thể thêm hai phần bông cải xanh vào khẩu phần ăn của trẻ.

Cách chữa say nắng bằng sâm bí đao giải nhiệt

cách chữa say nắng

Chuẩn bị

  • Bí đao già: 1kg
  • Thục địa: 15g
  • La hán: 1 quả
  • Mía lau: 3 đoạn mía (khoảng 30 cm)
  • Lá dứa: 3 lá

Thực hiện

  • Bí đao rửa sạch (có thể giữ nguyên vỏ và ruột), sau đó cắt thành các khoanh tròn.
  • Lá dứa rửa sạch, cột lại thành bó. Thục địa, la hán rửa sạch. Quả la hán bổ làm đôi.
  • Mía lau chẻ thành các thanh nhỏ, xếp dưới đáy nồi, tiếp tục cho các nguyên liệu: bí đao, thục địa, la hán vào. Đổ khoảng 3 lít nước sạch và nấu cho bí đao chín mềm (khoảng 45 – 60 phút).
  • Bí đao chín mềm thì cho lá dứa vào, nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội rồi lọc nước sâm qua rây, bỏ phần cái.
  • Bảo quản nước sâm bí đao trong tủ lạnh và cho bé dùng dần.

Hy vọng bài viết cách chữa say nắng, say nóng trên đây đã cung cấp cho mẹ những thông tin hữu ích. Đừng quên ghé thăm Mẹ&Con thường xuyên để cập nhật thêm những cách giải quyết vấn đề sức khỏe khác, mẹ nhé!

Bài viết liên quan