Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghe nói đến "hội chứng sốt cabin" - một hội chứng chỉ xảy ra khi chúng ta ở nhà quá lâu? Liệu đây có phải một cơn sốt khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, mệt mỏi hay là một căn bệnh tâm lý?

Một vài thống kê trong lần dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam cho thấy, ngày càng có nhiều trường hợp mắc phải căn bệnh sốt cabin hơn bao giờ hết. Đây không phải là một vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất như các chứng bệnh sốt siêu vi hay sốt do cảm cúm thường thấy, Hội chứng sốt cabin thực chất là một căn bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần khi chúng ta phải ở nhà quá lâu…

Hội chứng sốt cabin là gì?

Trước đây, ở những quốc gia có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, con người phải ở nhà trong một thời gian dài dẫn đến sự buồn chán, bức bối trong lòng. Những cảm xúc này thường đi kèm với tâm trạng lo lắng, cáu gắt vô cớ, thậm chí còn dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Đây chính là những biểu hiện của hội chứng sốt cabin.

Vì thế, có thể hiểu, “sốt cabin” là một căn bệnh tác động trực tiếp đến tinh thần của bạn, khiến tâm trạng xuống dốc nghiêm trọng khi bạn phải ở nhà trong suốt một thời gian dài. Hiện tại, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, số người mắc hội chứng sốt cabin ngày càng tăng cao do tác động của dịch Covid-19 khiến bạn làm việc tại nhà, không ra ngoài, không tiếp xúc với bất kỳ ai.

Những người gặp phải hội chứng sốt cabin thường có cảm giác mình bị bỏ rơi, bị cô lập, tâm trạng chán nản, không thể tập trung cao độ để làm bất cứ việc gì. Tuy hội chứng này vẫn chưa chính thức được ghi nhận như một căn bệnh tinh thần nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện và những tác hại của nó, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch đầy khó khăn này.

sốt cabinNhững triệu chứng của một người “nhiễm” sốt cabin?

Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể đứng trước nguy cơ gặp hội chứng sốt cabin khi các lệnh giãn cách xã hội kéo dài, thời gian ở nhà tăng cao. Vì thế, bạn cần nắm rõ các dấu hiệu bệnh để có thể phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có đang “sốt” hay không, từ đó kịp thời can thiệp. Những biểu hiện thường thấy của hội chứng sốt cabin bao gồm:

Trầm cảm hoặc buồn bã

Nếu phải mắc kẹt ở một nơi nào đó quá lâu, dù cho đó có là ngôi nhà thân thương của bạn đi chăng nữa, bạn cũng sẽ bắt đầu cảm thấy buồn bã, nhàm chán. Lúc này, bạn sẽ mất hứng thú với mọi thứ xung quanh nơi bạn đang sống. Trạng thái cảm xúc này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng bệnh trầm cảm, gây nên những tác động tiêu cực đối với tâm lý.

Có cảm giác bồn chồn

Những người bị sốt cabin là những người buộc phải ở yên một chỗ tại một nơi quá lâu. Vì thế, họ dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, không được giao tiếp với những người xung quanh. Cộng thêm các thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên báo đài, bạn sẽ dễ có cảm giác hoang mang, lo lắng.

Điều này càng đặc biệt nghiêm trọng với những ai có người nhà hoặc người thân đang trong khu cách ly, đang là F0 phải điều trị tại bệnh viện và không thể liên lạc, kết nối với họ mỗi ngày. Hoặc chính những người đang bị cách ly tại các khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà cũng là những người dễ rơi vào hội chứng sốt cabin vì không thể cập nhật tình hình ngoài xã hội, từ đó dẫn đến rối loạn lo âu ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

hội chứng sốt cabin

Thiếu động lực

Những người phải ở nhà quá nhiều và bị sốt cabin sẽ dần trở nên thiếu động lực và hứng thú với những gì diễn ra xung quanh mình. Bạn có thể nằm trên giường cả ngày chỉ để lướt Facebook, online trên các trang mạng xã hội hay thậm chí… ngủ liên tục vì bạn chẳng được thôi thúc để làm bất cứ điều gì cả.

Thiếu tập trung

Một trong những biểu hiện chính của người bị sốt cabin chính là bạn sẽ bắt đầu cảm thấy không thể tập trung cao độ khi làm việc. Lúc này, hiệu suất làm việc của bạn sẽ giảm dần, thời gian tập trung để hoàn thành công việc được giao cũng dần ngắn đi. Những ngày đầu tiên ở nhà, bạn có thể tập trung lên đến 1-2 giờ. Nhưng dần dần, thời gian tập trung cho công việc của bạn chỉ còn khoảng 5-10 phút là bạn đã bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

thiếu tập trung

Mệt mỏi

Khi bị sốt cabin, bạn sẽ không có động lực để vận động, tập thể dục. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải hơn. Hơn nữa, căn bệnh tâm lý này còn có thể khiến bạn cảm thấy chán ăn, từ đó bỏ bữa, không bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe khiến cơ thể thêm ù lì, trì trệ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt cabin

Có thể thấy, nguyên nhân chung dẫn đến hội chứng sốt cabin là cảm giác cô đơn, buồn chán khi phải ở nhà liên tục trong nhiều ngày, bị kẹt ở một nơi nào đó, không thể có kết nối trực tiếp với những mối quan hệ xã hội xung quanh bạn. Ngoài ra, một số yếu tố còn tác động đến tình trạng bệnh này bao gồm:

  • Trạng thái lo lắng về tài chính do thiếu hoặc mất thu nhập
  • Áp lực do có nhiều vấn đề cần phải giải quyết
  • Không thể kết nối thể chất với mọi người xung quanh (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…)
  • Sự không hài lòng về nơi mình đang sống và sinh hoạt
  • Cảm giác bất lực vì không thể tham gia vào các hoạt động quan trọng và có ý nghĩa
  • Cảm thấy vô dụng do không có việc gì để làm
  • Cảm giác chán nản, mất động lực
  • Sức khỏe thể chất sụt giảm

Chống chọi với hội chứng sốt cabin, vừa khó lại vừa dễ

Rơi vào hội chứng sốt cabin có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách xã hội, hầu hết chúng ta đều “mắc kẹt”, quẩn quanh trong 4 bức tường và ít giao tiếp, kết nối với thế giới xung quanh. Vậy phải làm sao để đẩy lùi những cảm giác tiêu cực trong những ngày này?

Duy trì các mối quan hệ

Nếu không thể gặp mặt trực tiếp, đây chính là lúc để bạn tận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0 để duy trì kết nối với mọi người. Mỗi ngày, hãy cố gắng để dành ít nhất 30 phút trò chuyện cùng gia đình, bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp của mình. Bạn có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính video call để thấy mặt mọi người, tạo cảm giác gần gũi hơn. Hoặc nếu không tiện, bạn có thể gọi điện thoại trực tiếp, đặt ra mục tiêu một ngày phải hỏi thăm – trò chuyện cùng tối thiểu 3 người,….

video call

Việc duy trì các mối quan hệ sẽ giúp bạn hạn chế được cảm giác cô đơn, lạc lõng, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc hội chứng sốt cabin.

Theo dõi thông tin chính thống

Những thông tin “giật tít” trên các trang mạng xã hội sẽ kích thích sự tò mò của bạn, khiến bạn hoang mang, hoảng loạn. Đây cũng là một yếu tố tác động khiến bạn dễ mắc bệnh sốt cabin hơn. Do đó, tốt nhất bạn chỉ nên theo dõi các thông tin chính thống bạn nhé!

Hạn chế theo dõi các tin tức tiêu cực

Những thông tin tiêu cực sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của bạn, khiến bạn lo lắng và cảm thấy chán nản, buồn bã hay tức giận. Do đó, tuy giữ kết nối với thế giới xung quanh nhưng bạn cũng nên chọn lọc thông tin, chọn những thông tin tích cực, vui vẻ để đọc trong những ngày này nhé!

Tập thể dục

Cho dù không có động lực để làm điều này đi chăng nữa, bạn cũng nên cố gắng để cơ thể mình vận động mỗi ngày. Các bài tập thể dục tại nhà hay tập yoga đơn giản nhẹ nhàng có thể cải thiện tuần hoàn máu, giúp máu lưu thông tốt hơn cũng như tránh được cảm giác uể oải, mệt mỏi.

tập thể dục tại nhà

Hơn nữa, vận động nhẹ nhàng còn kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều hormone hạnh phúc hơn, cân bằng tâm trí của bạn, giúp bạn đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực do hội chứng sốt cabin gây nên.

Trang trí, dọn dẹp khu vực sống của mình

Nhìn một cảnh vật quen thuộc trong một thời gian dài sẽ khiến bạn cảm thấy bí bách, buồn chán và dẫn đến hội chứng sốt cabin. Vì thế, bạn có thể thử dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại phòng ngủ hoặc góc làm việc của mình. Chỉ một vài thay đổi nhỏ như thêm một cành hoa trên bàn, thay đổi vị trí của các vật dụng trong nhà cũng giúp bạn làm mới những thứ vốn đã cũ kỹ và quen thuộc. Điều này cũng giúp tâm trạng của bạn tươi mới hơn, vui vẻ hơn.

Ngoài ra, việc dọn dẹp cũng giúp cơ thể của bạn được vận động như khi tập một bài tập thể dục nhẹ, từ đó cải thiện cả sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất của mình.

Tự tạo niềm vui cho mình

Để chiến đấu với căn bệnh sốt cabin, bạn có thể nghe nhạc, vẽ tranh, xem phim hay làm bất cứ điều gì mình thích. Thậm chí, bạn có thể thử mỗi ngày viết ra 5 điều tuyệt vời trong ngày như bạn đã hoàn thành công việc sớm hơn 10 phút, bạn nhận được lời hỏi thăm sức khỏe từ một người bạn cũ, bạn được hỗ trợ rau củ quả từ mạnh thường quân,… Những điều này sẽ giúp bạn được thoải mái và vui vẻ hơn rất nhiều đấy.

điều trị hội chứng sốt cabin

Thật đáng buồn khi ngày càng có nhiều người mắc phải hội chứng sốt cabin. Nếu tình trạng dịch bệnh chưa được kiểm soát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, tinh thần của chúng ta sẽ càng bị “tra tấn” nghiêm trọng hơn. Do đó, cách tốt nhất chính là học cách để tự tạo niềm vui cho mình, giúp mình tránh xa những điều tiêu cực để không rơi vào hội chứng sốt cabin, bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.