Mẹ và Con - Nhiều người cho rằng, bệnh lý loãng xương chỉ gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngay cả người trẻ cũng có thể đối diện với căn bệnh nguy hiểm này nếu không phòng ngừa đúng cách.

Tình trạng loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, thậm chí một số xương không có khả năng lành lại. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân mà bạn có thể mắc loãng xương ở giai đoạn trẻ tuổi. Do đó, không nên chủ quan với căn bệnh này.

Loãng xương là gì?

Loãng xương hay còn được gọi là xốp xương, giòn xương, được biết đến là tình trạng xương liên tục mỏng dần do mật độ xương giảm dần. Điều này khiến xương giòn, dễ gãy và dễ tổn thương dù chỉ gặp các biến chứng nhẹ.

Khi xương bị gãy, một số xương như xương đùi hay xương cột sống sẽ không thể tự lành lại, lần tốn nhiều chi phí điều trị và phẫu thuật tốn kém. Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến âm thầm nên nhiều người không nhận biết được bệnh, dẫn đến việc không được điều trị kịp thời.

Loãng xương là gì

Phân loại các nhóm loãng xương 

Loãng xương có mấy dạng? Hiện nay, để phân loại loãng xương thì cần dựa theo nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, có 2 nhóm chính là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát:

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương hình thành có liên quan đến sự lão hóa, khiến số lượng tế bào xương mới được tái tạo và các mô xương bị hủy do lão hóa trở nên mất cân bằng, từ đó khiến mật độ xương giảm. 

Loãng xương nguyên phát được chia làm các nhóm nhỏ bao gồm:

  • Loãng xương sau mãn kinh (loãng xương tuýp 1): Tình trạng loãng xương do suy giảm nội tiết tố estrogen bên trong cơ thể phụ nữ gần giai đoạn mãn kinh và khi bắt đầu mãn kinh, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi trên 50 tuổi. 
  • Loãng xương tuổi già (loãng xương tuýp 2): Loãng xương tuổi già xuất phát từ nguyên nhân tuổi tác, do khả năng chuyển hóa canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể ngày càng suy yếu. Loãng xương tuýp 2 gây ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới trong độ tuổi trung niên trở đi, đặc biệt là những người bước qua độ tuổi 70. 

phân loại loãng xương

Loãng xương thứ phát

Bệnh loãng xương dạng thứ phát thường do các bệnh mạn tính trong cơ thể như bệnh đái tháo đường, cường giáp, gan mạn tính,…. hoặc thói quen sử dụng thuốc không đúng cách. Người trẻ cũng có thể gặp chứng loãng xương thứ phát.

Dấu hiệu của bệnh loãng xương

Các dấu hiệu bệnh loãng xương thường không rõ ràng. Chỉ khi xương yếu, dễ gãy ngay cả khi gặp các chấn thương nhỏ như trẹo chân, va đập vào vật thể cứng, té ngã, va đập,… thì mới nghi ngờ bệnh và có thăm khám.

Một số dấu hiệu có quen thuộc, dễ nhận biết nhất của người bệnh loãng xương bao gồm: 

  • Đau lưng cấp tính
  • Dáng đi khom, gù lưng, giảm chiều cao
  • Đau cột sống, thắt lưng và hai bên liên sườn
  • Đau xương chậu, xương hông, xương đầu gối
  • Thậm chí có những cơn đau nhức xương toàn thân, khiến người bệnh cảm thấy toàn cơ thể như có kim chích
  • Dễ bị gãy xương sau những chấn thương nhẹ

dấu hiệu bệnh loãng xương

Nguyên nhân gây loãng xương

Nhiều người cho rằng, loãng xương chỉ gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế thì dù tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương nhưng vẫn có những yếu tố khác tác động làm tăng khả năng gây bệnh.

Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, kém khoa học. Thực đơn ăn hằng ngày thiếu các dưỡng chất cần thiết cho xương, đặc biệt là vitamin D, canxi và omega-3.
  • Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, có nồng độ estrogen suy giảm thì cũng có có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Với nam giới, testosterone trong cơ thể ở nồng độ thấp cũng gián tiếp gây loãng xương.
  • Những người ít vận động, tập thể dục, thường xuyên ngồi nhiều một chỗ,… dẫn đến xương khớp suy yếu cũng dễ bị loãng xương và mắc các bệnh lý xương khớp.
  • Không bổ sung đủ canxi cần thiết cho cơ thể từ giai đoạn còn nhỏ (bào thai và sơ sinh), khi hệ thống xương khớp đang hình thành và phát triển.
  • Có lối sống không lành mạnh, dùng nhiều rượu, bia, nước uống có cồn và các chất kích thích.
  • Tác dụng phụ của thuốc (một số thuốc nhất định) và thường do lạm dụng thuốc quá mức mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh các yếu tố có thể thay đổi nêu trên thì một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị loãng xương, bao gồm:

  • Người từng bị gãy xương.
  • Nữ giới có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới trong cùng độ tuổi (do phụ nữ dễ bị thay đổi hormone sau mãn kinh cũng như có tổng khối lượng xương thấp hơn).
  • Càng lớn tuổi thì nguy cơ loãng xương sẽ càng cao hơn.
  • Gia đình có người từng bị loãng xương.
  • Người mắc chứng chán ăn tâm thần, mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, bệnh nội tiết,… cũng dễ bị loãng xương hơn. 

loãng xương

Phương pháp chẩn đoán loãng xương

Đo loãng xương 

Đo loãng xương hoặc đo mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD) được thực hiện để xác định hàm lượng canxi và khoáng chất có trong xương, từ đó phát hiện tình trạng xương mỏng yếu, mất xương,… để đánh giá loãng xương. 

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Xét nghiệm máu và nước tiểu cũng thực hiện để đánh giá hàm lượng nội tiết tố cũng như tìm kiếm những nguy cơ làm tăng sự mất xương bên trong cơ thể.

Loãng xương có nguy hiểm không?

Tình trạng loãng xương nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Gãy xương: Suy giảm mật độ xương làm cho xương trở nên giờn, yếu, dễ gãy,…  Một số xương sau khi gãy không thể phục hồi lại được, gây đau đớn kéo dài và ảnh hưởng đến vận động của người bệnh.
  • Lún xẹp đốt sống: Lún xẹp đốt sống do loãng xương khiến các rễ thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài và thậm chí làm thoái hóa cột sống, tàn phế vĩnh viễn. 
  • Suy giảm khả năng vận động: Người bị loãng xương có thể bị chấn thương dẫn đến nằm bất động một chỗ trong thời gian dài, từ đó suy giảm chất lượng cuộc sống và có thể gặp nhiều biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử, tắc mạch chi,…

Cách điều trị loãng xương

Để điều trị loãng xương, có thể kết hợp giữa phương pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc. Theo đó, một số biện pháp có thể được áp dụng bao gồm: 

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và ưu tiên lựa chọn thực phẩm giàu canxi. Cố gắng duy trì cân nặng ở mức ổn định.
  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Nghỉ ngơi nhiều và phối hợp vận động, tập thể dục tăng sự dẻo dai cho cơ bắp.
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Dùng dụng cụ nẹp, chỉnh hình để hỗ trợ nâng đỡ, giảm lực tỳ đè lên đầu xương, đặc biệt là vùng cột sống.
  • Sử dụng thuốc: Bổ sung thêm canxi (khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày) và vitamin D (khoảng 800 – 1000 IU/ngày). Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định người bị loãng xương dùng thêm alendronate, zoledronic acid, calcitonin, strontium ranelate,…
  • Điều trị gãy xương: Nếu loãng xương gây ra biến chứng gãy xương thì bác sĩ có thể cho người bệnh đeo nẹp, thay đốt sống nhân tạo, bơm xi măng vào thân đốt sống, phẫu thuật thay xương,… tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Người bệnh loãng xương cần tuân theo chỉ dẫn điều trị từ bác sĩ và kiên trì điều trị. Thời gian trị bệnh có thể lên từ 3-5 năm nên tốt nhất phải tuân thủ theo đúng phác đồ từ bác sĩ để có hiệu quả sớm nhất.

Cách điều trị loãng xương

Cách phòng tránh loãng xương

Phòng tránh loãng xương như thế nào? Dù loãng xương có thể do nguyên nhân tuổi tác nhưng bạn có thể ngăn chặn, làm chậm quá trình này bằng cách thường xuyên bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể, duy trì chế độ tập luyện phù hợp, không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.

Bên cạnh đó, cần thận trọng khi làm việc, thăm khám sức khỏe định kỳ cũng như đến bệnh viện thăm khám ngay khi có các triệu chứng xương khớp.

Không chỉ người cao tuổi mà cả người trẻ cũng có thể bị loãng xương. Vì thế, nên chủ động phòng ngừa loãng xương thay vì chủ quan với căn bệnh này.

Bài viết liên quan