Một chứng bệnh bạn mắc phải trong thời kỳ mang thai không chỉ có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể của bạn mà còn ảnh hưởng cả đến thai nhi nữa. Vì vậy mà việc đối phó và chữa trị các bệnh tật lại càng trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là cảm cúm khi mang thai.
Bệnh cảm cúm khi mang thai
Trước đây, nếu bạn lỡ bị cảm lạnh hoặc bị cúm, thì bạn vẫn có thể dễ dàng đi đến tiệm thuốc mà không cần kê đơn. Nhưng bây giờ bạn còn có một sinh linh khác và đang tự hỏi liệu việc tự tiện mua thuốc không kê đơn có còn an toàn hay không.
Mặc dù thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của bạn, nhưng chắc chắn một điều là bạn không hề muốn thuốc gây ra các vấn đề không mong muốn cho em bé.
Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều loại thuốc dành riêng cho phụ nữ đang mang thai. Vì thế, bạn không cần phải quá căng thẳng nếu mắc phải bệnh cúm hay cảm lạnh trong lúc này.
Trong bài viết này, tạp chí Mẹ và con sẽ giúp bạn và gia đình hiểu rõ cách để chữa bệnh cúm hay cảm lạnh khi mang thai.
Các loại thuốc trị ho, cảm cúm cho bà bầu
Theo Hệ thống Y tế của Đại học Michigan, lời khuyên dành cho các thai phụ đó là bạn tốt nhất nên tránh dùng tất cả các loại thuốc trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Đó là thời điểm quan trọng cho sự phát triển các cơ quan quan trọng của bé.
Nhiều bác sĩ cũng khuyến cáo phải tiếp tục giữ sức khỏe thật thận trọng trong 28 tuần tiếp theo. Bạn cần liên hệ với bác sĩ khoa sản phụ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, nếu bạn đang mang thai hoặc đang chuẩn bị mang thai. Một số loại thuốc được coi là an toàn sau tuần thứ 12 của thai kỳ như:
- Tinh dầu bạc hà xoa lên ngực, thái dương và dưới mũi
- Miếng dán mũi (nasal strips) hỗ trợ thông đường thở, giảm nghẹt mũi
- Thuốc nhỏ hoặc viên ngậm ho
- Acetaminophen (Tylenol) dùng để giảm đau nhức và hạ sốt
- Thuốc giảm ho vào ban đêm
- Canxi-cacbonat (Mylanta, Tums) hoặc các loại thuốc tương tự cho chứng ợ nóng, buồn nôn hoặc đau bụng
- Các loại siro ho có công thức và thành phần đơn giản
- Xi-rô ho dextromethorphan (Robitussin) và dextromethorphan-guaifenesin (Robitussin DM)
Hoàn toàn tránh các loại thuốc mạnh đa chức năng, có chứa đa dạng các thành phần để trị nhiều triệu chứng cùng một lúc. Thay vào đó, hãy chọn các loại thuốc có thành phần đơn giản chỉ để giải quyết các triệu chứng bạn đang gặp phải.
Bạn cũng nên tránh các loại thuốc sau đây khi đang mang thai trừ khi đã được bác sĩ khuyến cáo vì chúng làm tăng nguy cơ mắc dị tật thai nhi. Các loại thuốc cần tránh:
- Aspirin (Bayer)
- Ibuprofen (Advil, Motrin)
- Naproxen (Aleve, Naprosyn)
- Codeine
- Bactrim, một loại kháng sinh
Các biện pháp trị ho, cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai tại nhà
Nếu bạn bị ốm trong khi đang mang thai, bước đầu tiên bạn nên làm là:
- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
- Uống nhiều nước.
- Súc miệng bằng nước muối ấm, nếu bạn bị đau họng hoặc ho.
Nếu các triệu chứng của bạn xấu đi, bạn có thể thử:
- Dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc xịt để làm lỏng chất nhầy trong mũi và làm dịu các mô mũi bị viêm.
- Hít thở không khí ấm, ẩm để giúp nới lỏng tắc nghẽn bằng cách xông hơi, sử dụng máy phun sương nóng hoặc thậm chí là dùng nước nóng từ vòi sen.
- Ăn súp gà, món này có thể giúp giảm viêm và làm dịu các triệu chứng tắc nghẽn đường thở
- Thêm mật ong hoặc chanh vào một cốc trà ấm trà để giảm đau họng, bạn nên dùng loại trà đã khử caffeine.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau vùng xoang
Bà bầu bị ho là do bị cảm lạnh hay cảm cúm?
Cảm lạnh và cúm phần nhiều triệu chứng rất giống nhau như ho và chảy nước mũi. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt sẽ cho phép bạn phân biệt được hai căn bệnh này. Nếu các triệu chứng nhẹ, bạn có thể đã bị cảm lạnh. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy ớn lạnh và mệt mỏi thì có lẽ bạn đang mắc cảm cúm.
Những điều nên làm để phòng ngừa bệnh ho
Khi mang thai, dù bạn không thể nhận ra ngay những thay đổi ngay lập tức, nhưng thực chất cơ thể của bạn vẫn đang biến đổi từng ngày. Và một trong những thay đổi khiến chúng ta lo ngại nhất, đó là một hệ thống miễn dịch của thai phụ sẽ yếu hơn bình thường.
Hệ thống miễn dịch yếu hơn giúp cơ thể người phụ nữ dễ dàng tiếp nhận sự có mặt của thai nhi trong cơ thể mình. Tuy nhiên, nó cũng khiến các bà mẹ dễ bị nhiễm vi rút và vi khuẩn hơn.
Phụ nữ mang thai cũng có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng do cảm cúm hơn so với phụ nữ không mang thai ở cùng độ tuổi của họ. Những biến chứng này có thể bao gồm viêm phổi, viêm phế quản hoặc nhiễm trùng xoang.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, việc tiêm phòng cúm có thể giúp bảo vệ phụ nữ mang thai và thai nhi trong tối đa sáu tháng sau khi sinh.
Vì vậy, phụ nữ mang thai cần luôn cần phải theo dõi và cập nhật lịch tiêm phòng của mình. Ngoài ra, bạn có thể làm những điều sau đây để phòng ngừa bệnh ho, cúm:
- Rửa tay thường xuyên
- Ngủ đủ giấc
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Tránh tiếp xúc gần gũi với gia đình hoặc bạn bè đang bị bệnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm thiểu căng thẳng
Khi nào mẹ bầu nên gọi cho bác sĩ?
Mặc dù hầu hết các dấu hiệu ho hay cảm lạnh không gây ra vấn đề gì cho thai nhi, nhưng bệnh cảm cúm thì lại nghiêm trọng hơn. Biến chứng cúm làm tăng nguy cơ sinh non và dị tật bẩm sinh.
Bạn cần nhận được trợ giúp y tế ngay lập tức, nếu gặp các triệu chứng sau: chóng mặt, khó thở, đau ngực hoặc áp lực, chảy máu âm đạo, hoang mang, nôn mửa dữ dội, sốt cao và không thể hạ sốt bằng acetaminophen, giảm chuyển động của thai nhi.
Sức khỏe của thai phụ không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng ở con như sinh non, dị tật bẩm sinh… Vì thế, để bảo vệ bản thân khi mang thai, hãy không ngừng cập nhật các thông tin hữu ích về sức khỏe thai phụ, không tự tiện dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ của bạn bất cứ khi nào bạn cần nhé!