Mạng xã hội ngày càng phát triển giúp con người lại gần nhau hơn đồng thời những hành vi lợi dụng xảy ra với tần suất dày hơn. Vậy làm sao để nhận biết và làm gì khi bị lợi dụng tình cảm. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này và xem xét mình nên giải quyết như thế nào khi gặp tình huống tương tự.
Thế nào là “bị lợi dụng tình cảm”?
“Bị lợi dụng tình cảm” là hình thức bị một người khác chi phối tình cảm đến mức mất kiểm soát. Người lợi dụng tình cảm sẽ khiến đối phương dần rơi vào thế bị động trong mọi chuyện, từ đây người bị lợi dụng cảm thấy không được tôn trọng và mất đi cái tôi trong tình cảm.
Lợi dụng tình cảm giờ đây không chỉ tồn tại trong mối quan hệ tình cảm nam nữ hay hôn nhân mà còn có trong mối quan hệ gia đình, tình cảm anh em hay thậm chí là đồng nghiệp. Mục tiêu cơ bản của hành vi này là khiến đối phương cảm thấy bị tổn thương nhưng lại không thể rời xa.
Lạm dụng tình cảm là hình thức rất khó nhận biết, khi người bị lợi dụng biết mình bị lạm dụng rồi thì đã quá muộn. Nói chung, đây là mối quan hệ thiên hướng về vật chất hoặc mục đích khác không phải về tình cảm. Vì thế, những người trong câu chuyện “bị lợi dụng tình cảm” sẽ là những người bị tổn thương nhiều nhất.
Làm cách nào để biết bản thân đang bị lợi dụng tình cảm
Hầu hết những người đang bị lợi dụng tình cảm đều không nhận ra điều này. Hành vi lợi dụng thường rất tinh vi, giả tạo. Chỉ những người ngoài cuộc như người thân, bạn bè mới đủ tỉnh táo để nhận ra những hành vi đó.
Dù thế, vẫn có những cảm xúc thường gặp khi bị lợi dụng như cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, bối rối, hiểu lầm, chán nản, lo lắng hoặc vô dụng trong mối quan hệ đó. Dấu hiệu sẽ được thể hiện rõ ràng hơn như sau:
- Đối phương có những kỳ vọng không thực tế: Đưa ra những yêu cầu, đề nghị không hợp lý và mong được đáp ứng ngay lập tức. Họ muốn chiếm trọn thời gian, bắt bạn gạt đi mọi chuyện và chỉ chăm lo cho họ. Đôi khi, họ còn tỏ ra không hài lòng với bạn dù bạn có cố gắng như thế nào.
- Khiến bạn mất niềm tin vào bản thân: Khiến người bị lợi dụng cảm thấy nhận thức của mình bị sai lệch. Thậm chí, họ còn không tin chính người thân của mình, bóp méo sự thật để họ tin một cách vô điều kiện. Đối phương nguy hại còn kết tội và cho rằng bạn “chỉ toàn suy diễn” hay “quá nhạy cảm”.
- Đối phương luôn “châm ngòi” cãi vã: người yêu lợi dụng tình cảm và luôn tìm cách gây sự, đưa ra những tuyên bố khó hiểu, dễ mâu thuẫn. Họ còn có cảm xúc bất thường, hay nóng giận và khiến bạn cảm thấy căng thẳng vì những cuộc cãi vã.
- Đối phương kiểm soát bạn quá mức: Nếu cảm thấy không có tiếng nói và bị đối xử như một vật sở hữu hoặc tài sản, bạn nên tìm cách thoát khỏi mối quan hệ này. Bạn sẽ dần cảm thấy bị lệ thuộc và đánh mất chính mình. Đôi khi, họ còn khiến bạn “quay lưng” với người thân, bạn bè.
- Đối phương có thái độ bề trên: Họ luôn ra lệnh và đổ lỗi cho bạn. Họ hành động như thể lúc nào họ cũng luôn đúng và thông thái, tài giỏi hơn.
Không biết xử lý khi bị lợi dụng tình cảm là bạn đang tổn thương chính mình
Tình trạng của người bị lợi dụng tình cảm có thể “xuống dốc không phanh”. Bạn có thể hoàn toàn trở thành một con người khác hẳn trước đây. Có đôi khi, người bị lợi dụng không còn nhận biết được đúng sai hay tốt xấu, có thể bỏ lỡ những mối quan hệ chân thành khác.
Dần dần, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ cô đơn nhưng lại không dám rời xa đối phương. Từ những vết thương chồng chất trong lòng, bạn sẽ thiếu tự tin và căm ghét cả chính bản thân mình. Người bị lợi dụng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, mất phương hướng, muốn tìm cách đối phó mà không được.
Giải đáp: Làm gì khi bị lợi dụng tình cảm?
Cách để đối phó khi bị lợi dụng tình cảm đó là phải nhanh chóng nhận ra hành vi lợi dụng của đối phương. Giác quan của cơ thể rất diệu kỳ, bất cứ khi nào cảm nhận rằng mối quan hệ đang có vấn đề, bạn không nên bỏ qua, hãy dừng lại suy xét thật kỹ và áp dụng một vài cách đối phó sau đây.
Hãy ưu tiên cho bản thân
Nếu bạn cảm thấy không được thoải mái, không vui thì hãy dừng lại một nhịp để nhìn nhận xem bản thân có đang bị lợi dụng, “lép vế” hơn trong mối quan hệ này không. Hãy thành thật nhìn nhận lại những gì đã trải qua, bạn sẽ sớm lấy lại thế chủ động trong cuộc sống.
Trong một mối quan hệ, hãy luôn ưu tiên bản thân mình trước, luôn chăm sóc sức khỏe và yêu bản thân mình. Bên cạnh đó, bạn không nên tự đổ lỗi cho bản thân vì điều này khiến bạn khó kiểm soát mọi thứ trong mối quan hệ.
Đặt ra các giới hạn
Bạn nên kiên quyết từ chối những yêu cầu vô lý từ đối phương. Ngoài ra, khi xảy ra tranh cãi, bạn nên thể hiện rõ quan điểm và lập trường của bản thân, tránh để đối phương quy chụp mọi tội lỗi lên mình. Nếu đối phương tiếp tục có hành vi vô lý, bạn không nên lãng phí thời gian với họ.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh
Bạn nên chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh. Hãy tìm một người bạn tin cậy, hoặc người thân trong gia đình để chia sẻ về những gì đã trải qua. Những người thân sẽ giúp bạn thấy bớt cô đơn và lẻ loi. Họ cũng là người giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt.
Thoát khỏi mối quan hệ không lành mạnh
Nếu không thể thỏa hiệp và cứu vãn tình hình, bạn nên sớm đưa ra quyết định kết thúc mối quan hệ. Bạn sẽ mất nhiều thời gian để chữa lành các vết thương tình cảm. Vì vậy, hãy nhanh chóng thoát ra mối quan hệ bị lợi dụng và yêu thương chăm sóc bản thân, sống tích cực hơn mỗi ngày.
Chắc chắn, trong chúng ta không ai mong muốn bản thân rơi vào tình trạng bị lợi dụng tình cảm. Nếu cảm thấy không biết phải làm gì khi bị lợi dụng tình cảm hay đang gặp phải một trong những vấn đề nêu trên hoặc bản thân cảm thấy lo lắng, tổn thương, thất vọng và bị hiểu lầm, hãy dừng lại mối quan hệ đó. Bạn nên thận trọng và chậm rãi trước các mối quan hệ trong xã hội để nhìn nhận mọi vấn đề được sắc nét hơn.