Suy thận mạn là do thận bị tổn thương nên không thể phục hồi chức năng. Hiện nay, không có phương pháp nào có thể trị dứt suy thận mạn tính. Các biện pháp khuyến nghị cũng chỉ nhằm làm chậm quá trình suy thận và phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn là khá cao nếu bạn phát hiện và chữa trị sớm.
Bệnh suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn là tình trạng thận bị tổn thương, xơ hóa dẫn đến chức năng suy giảm và không phục hồi. Đây là giai đoạn bệnh nặng nhất. Mức lọc cầu thận (GFR) của người bệnh là dưới 15mL/ph/1,73 m2; xuất hiện hội chứng urê máu cao.
Nguyên nhân nào gây nên suy thận mạn?
Phần lớn nguyên nhân gây suy thận mạn là từ những bệnh lý như:
- Bệnh tiểu đường loại 1 hoặc tiểu đường loại 2
- Huyết áp cao
- Viêm cầu thận
- Viêm kẽ thận
- Bệnh thận đa nang
- Tắc nghẽn kéo dài ở đường tiết niệu do những bệnh lý như tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, sỏi thận, một số bệnh ung thư
- Trào ngược (nước tiểu trào ngược vào thận)
- Nhiễm trùng thận tái phát (viêm bể thận)
- Dùng thuốc điều trị kéo dài
Khi mắc suy thận mạn, ta sẽ có những triệu chứng gì?
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cụ thể:
- Buồn nôn và nôn
- Ăn uống không ngon miệng
- Mệt mỏi, suy nhược, uể oải cơ thể
- Gặp những vấn đề giấc ngủ
- Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn, tiểu đêm (hơn 1 lần/đêm)
- Chuột rút
- Bàn chân, mắt cá chân sưng phù hay phù toàn thân.
- Da bị ngứa, khô, nhợt nhạt, xanh xao do bị thiếu máu
- Huyết áp tăng khó kiểm soát
- Khó thở khi chất lỏng tích tụ trong phổi
- Bị đau ngực do chất lỏng tích tụ ở màng tim
- Giảm khả năng tình dục
Làm thế nào để chẩn đoán suy thận mạn?
Để chẩn đoán suy thận mạn, bên cạnh những triệu chứng lâm sàng kể trên, bác sĩ còn cần kết quả của những xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Tổng phân tích tế bào máu
- Tiến hành đánh giá chức năng thận (BUN, creatinine), độ lọc cầu thận…
- Xét nghiệm những bệnh nguyên nhân và những bệnh kèm theo như bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết…
- Tiến hành phân tích nước 10 thông số, ion đồ niệu, tỷ lệ albumin/creatinine niệu và đạm niệu 24 giờ
- Đo điện tim (ECG), siêu âm tim doppler màu, chụp x-quang tim phổi
- Siêu âm bụng tổng quát
- Chụp cắt lớp CT scanner, chụp cộng hưởng từ… để tìm nguyên nhân.
Những phương pháp điều trị để làm chậm quá trình suy thận
Chữa dứt suy thận mạn là điều không thể nhưng vẫn có những biện pháp giúp tiến trình phát triển của bệnh chậm lại, kéo dài sự sống cho bệnh nhân, đó là:
Điều trị bệnh huyết áp cho người suy thận mạn
Cao huyết áp sẽ gây suy thận mạn nên nếu không điều trị, thận sẽ bị hủy hoại dần dần và có thể gây ra các bệnh tim mạch khác. Cách điều trị là dùng thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể để trị huyết áp và củng cố chức năng thận. Nếu không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê thuốc khác cho bạn.
Người suy thận mạn phải kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể
Cholesterol nếu quá cao sẽ làm mạch máu bị tắc nghẽn. Thuốc Statin có thể giảm hàm lượng cholesterol để chúng không còn bám vào thành các mạch máu, giúp đẩy lùi tình trạng tắc nghẽn nêu trên.
Điều trị các triệu chứng do suy thận mạn gây nên
- Suy thận mạn gây ứ dịch: Thận hoạt động tốt thì máu mới được lọc, điện giải được cân bằng, áp suất thẩm thấu cũng được điều hòa và cơ thể được thải độc. Suy thận nghĩa là chức năng thận giảm, gây ra sự tích tụ dịch trong cơ thể nên làm tăng huyết áp và người sưng phù. Bác sĩ điều trị sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu để dễ đào thải nước trong cơ thể ra ngoài.
- Suy thận mạn làm axit bị dư thừa: Axit dư thừa có thể làm loạn nhịp tim, hôn mê, co giật. Thuốc kháng axit hay còn gọi là muối bicarbonate (baking soda) sẽ là phương án điều trị lúc này.
- Dư thừa kali do suy thận mạn: Thận bị suy có thể làm tăng lượng kali trong máu, gây rối loạn nhịp tim, tim ngừng đập và một số vấn đề của thần kinh cơ. Thuốc lợi tiểu hay một số loại thuốc phù hợp sẽ được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân..
- Thiếu máu do suy thận mạn: Người bệnh sẽ bị khó thở và mệt mỏi nếu thiếu máu. Việc điều trị sẽ hiệu quả bằng cách tiêm một chất có nhiệm vụ giống EPO (chất kích thích sinh EPO). Ngoài ra, bổ sung thêm sắt bằng đường uống hoặc dưới dạng tiêm cũng được khuyến nghị.
- Suy thận mạn khiến xương yếu: Để phòng ngừa xương yếu do suy thận, nhiều người bệnh sẽ được bổ sung canxi với vitamin D, hay được chỉ định dùng một vài loại thuốc gắn phosphate nhằm giảm hàm lượng phosphate trong máu.
Chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp là điều quan trọng
Người bệnh suy thận cần kiểm soát chặt chẽ đường máu và chỉ số huyết áp của mình. Những thói quen sau sẽ giúp củng cố sức khỏe cho những bệnh nhân suy thận mạn:
- Giữ cân nặng ở mức phù hợp bằng cách thường xuyên vận động thể chất ở mức độ vừa phải, tránh các hoạt động quá mạnh. Có thể ghi chú cân nặng mỗi ngày để tiện theo dõi.
- Giữ chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa căng thẳng.
- Hạn chế ăn quá nhiều muối. Nếu chân bị phù, cần ưu tiên ăn lạt và mỗi ngày tối đa chỉ dùng 2 thìa nhỏ nước mắm.
- Không nên dùng nhiều đậu, lạc, vừng,… do có chứa đạm thực vật.
- Tránh nội tạng động vật, thức ăn chiên, rán, nướng.
- Không khuyến nghị dùng thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, bưởi, lạc, hạt điều, socola,…) và thực phẩm giàu photpho (phô mai, cua, lòng đỏ trứng,…).
- Những món ăn tốt cho người suy thận mạn là: Chất bột (khoai, miến dong), chất đường (đường mía, mật ong, hoa quả), chất béo thực vật, nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin B, vitamin C và axit folic,…
- Bỏ thuốc lá, rượu bia.
- Uống nước đúng cách để cơ thể dễ dàng thải độc.
Cách điều trị khi suy thận mạn tính bước vào giai đoạn cuối
Suy thận mạn thời kỳ cuối tức là thời điểm thận chỉ còn 15% khả năng hoạt động bình thường và hoàn toàn không thể lọc bỏ những chất độc, dịch dư thừa ra bên ngoài. Lúc này, một số phương pháp điều trị phù hợp nhất chính là:
- Phương pháp thẩm phân phúc mạc hay còn gọi là phương pháp lọc màng bụng.
- Phương pháp chạy thận nhân tạo cho người bệnh suy thận mạn.
- Phương pháp ghép thận và bệnh nhân phải dùng thuốc cả đời để cơ thể thích ứng với thận được ghép vào.
Suy thận mạn tuy không thể chữa khỏi nhưng nếu phát hiện sớm thì vẫn còn nhiều phương pháp để làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Một chế độ sinh hoạt khoa học và đúng với chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.