Nhiều người cố gắng theo đuổi hạnh phúc trong cuộc sống nhưng cũng có một số người có ác cảm và luôn né tránh cảm giác này. Theo các nhà khoa học, những người trải qua nỗi sợ hãi quá mức về cảm giác hạnh phúc là những người mắc hội chứng Cherophobia.
Vậy hội chứng Cherophobia là gì? Triệu chứng thường gặp của hội chứng này là gì? Cùng Mẹ và Con tìm hiểu những thông tin cơ bản về hội chứng Cherophobia trong bài viết dưới đây.
Định nghĩa về hội chứng Cherophobia
Từ Cherophobia bắt nguồn từ “charo” trong tiếng Hy Lạp, biểu thị cho niềm vui và phobos nghĩa là nỗi sợ hãi và sự ghê sợ sâu sắc. Có thể thấy, những người mắc chứng Cherophobia sẽ gặp khó khăn trong việc tận hưởng những hạnh phúc dẫu giản đơn nhất, bởi họ luôn thấy mình không xứng đáng. Ý niệm rằng hạnh phúc chẳng kéo dài lâu hay vững bền, và điều xui rủi sắp đến, khiến họ khó có lòng tin vào hạnh phúc và sự tròn đầy.
Trên thực tế, nỗ lực để tránh xa hay chống lại cảm giác hạnh phúc có ảnh hưởng tiêu cực lên con người. Làm việc ngược lại với cơ chế tự nhiên gây ra căng thẳng, sản sinh stress và có xu hướng mắc bệnh trầm cảm.
Triệu chứng của hội chứng Cherophobia
Người mắc chứng Cherophobia không phải lúc nào cũng buồn, họ chỉ đơn giản là tránh các sự kiện, hoạt động mang lại niềm vui. Nỗi sợ hạnh phúc có thể tạo ra các triệu chứng khác nhau ở những người khác nhau, cụ thể:
- Cảm thấy lo lắng khi tham gia các hoạt động xã hội như tiệc tùng, họp mặt xã hội, hòa nhạc và các sự kiện tương tự.
- Có suy nghĩ rằng nếu cảm thấy vui vẻ thì nhất định sẽ có những chuyện không hay kéo theo..
- Từ chối tham gia các sự kiện có tác động tích cực đến cuộc sống vì sợ rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra.
- Nghĩ rằng thể hiện hạnh phúc trước mặt bạn bè hoặc gia đình là không tốt.
- Nghĩ rằng hạnh phúc khiến bạn trở thành một người tồi tệ.
- Nghĩ rằng theo đuổi hạnh phúc là lãng phí thời gian và năng lượng.
Nguyên nhân gây ra chứng Cherophobia là gì?
Theo các chuyên gia sức khỏe, chứng Cherophobia là một ám sợ đặc trưng có hoặc không có nguyên nhân xác định. Một số nguyên nhân có thể kể tới như:
- Một sự cố trong quá khứ, đặc biệt khi nó xảy ra trong thời thơ ấu. Lúc này một cá nhân có thể trải qua những niềm hạnh phúc mà theo sau đó là một sự kiện sang chấn như cái chết của một người quan trọng…
- Ba mẹ hoặc người chăm sóc đã cảnh báo phải kìm nén hoặc chống lại việc mình có cuộc sống hạnh phúc vì nó sẽ “đem lại sự xui xẻo”. Bên cạnh đó, việc phải sống trong môi trường mà những người xung quanh thường hay lo lắng hoặc bất an cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chứng ám sợ.
- Gen di truyền. Những người có người thân mắc hội chứng Cherophobia thì khả năng cao sẽ di truyền sang đời sau hơn những người không có người thân mắc hội chứng này.
- Stress hoặc bệnh trầm cảm kéo dài có thể khiến cá nhân trở nên bất an trước tất cả các sự việc xảy ra xung quanh.
Mối quan hệ giữa chứng Cherophobia và nền văn hóa
Chỉ số hạnh phúc được đánh giá khác nhau dựa trên các nền tảng văn hóa khác biệt. Theo nghiên cứu về “Chứng minh về nỗi sợ hạnh phúc qua giao thoa văn hóa tại 14 quốc gia”, Joshanloo, Weijers và những nhà khoa học khác vào năm 2014 đã chỉ ra 4 nhân tố chính gây nên nỗi sợ hạnh phúc gồm:
- Niềm tin rằng sau hạnh phúc là nỗi đau
- Niềm tin rằng hạnh phúc sẽ khiến bạn trở thành người tồi tệ
- Niềm tin rằng bày tỏ sự hạnh phúc sẽ gây ra những điều không tốt cho bạn
- Niềm tin rằng đeo đuổi hạnh phúc là không tốt cho cả bạn lẫn người khác
Trong đó, có một luận điểm được nêu ra rằng một số người tại nền văn hóa phương Tây và phương Đông thường lo sợ hạnh phúc bởi họ tin rằng những điều tồi tệ như sự bất hạnh, nỗi đau và cái chết, có xu hướng xảy đến với những người vui vẻ.
Joshanloo, một nhà khoa học tại Đại học quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc), đã tiến hành nghiên cứu toàn cầu về nỗi sợ hạnh phúc vào năm 2014. Nghiên cứu có sự tham gia của 2700 học sinh tại các nước khác nhau, bao gồm Iran, Nga, Nhật, Mĩ, Hà Lan và 10 nước nữa. Kết quả cho thấy, trừ các thành viên đến từ Kenya và Ấn Độ thì những người khác đều có biểu hiện của sự sợ hạnh phúc. Nhưng không có nhiều sự khác biệt giữa chính các quốc gia.
Điều đó chỉ ra rằng, dù tại những nền văn hóa có sự thống nhất hơn, nỗi sợ của sự ghen tị còn lớn hơn những quốc gia khác. Do đó, người dân Đông Á thường thể hiện sự vui vẻ hơn người Mĩ.
Chứng Cherophobia có thể chữa được không?
Thực tế không hề có giải pháp hoàn hảo nào cho người mắc chứng Cherophobia. Tuy vậy, có những điều hạnh phúc mà ai cũng có thể nương vào để khắc phục nỗi sợ này. Chẳng hạn như:
- Tự chữa lành là cách tốt nhất để khắc phục bất kỳ ám sợ nào. Cá nhân cần học cách quản lý sự lo lắng và cơn hoảng loạn khi đối mặt với ý nghĩ trở nên hạnh phúc. Nhiều kỹ thuật thư giãn giúp kiểm soát được sự lo lắng: hít thở sâu, viết nhật ký, thiền và tập thể dục.
- Học cách chia sẻ cũng là một giải pháp cho người mắc chứng Cherophobia. Khi được trò chuyện và chia sẻ nỗi sợ với nhiều người khác, bạn sẽ cảm thấy được an ủi với ý nghĩ rằng mình không đơn độc.
- Cố gắng tham gia các hoạt động xã hội đã tránh. Bằng cách đó, bạn sẽ thuyết phục bản thân rằng hạnh phúc sẽ không gây ra bất cứ điều gì xấu.
- Tìm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Khi các triệu chứng ám sợ kéo dài quá 6 tháng và có xu hướng ngày một nặng thêm thì bạn rất cần đến sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu. Căn cứ vào tình hình bệnh, họ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc, liệu pháp nhận thức hay thôi miên…
Không phải ai cũng muốn theo đuổi hạnh phúc. Nhưng nếu cố tình né tránh cảm xúc tự nhiên này, con người sẽ luôn trong trạng thái tiêu cực, mệt mỏi và kiệt quệ về mặt tinh thần và sức khỏe. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng Cherophobia hoặc cảm thấy có ác cảm với những điều vui vẻ và hạnh phúc thì hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi giản đơn mà quan trọng như: Với tôi hạnh phúc là gì? Tại sao bản thân lại sợ hạnh phúc? Ai hay điều gì khiến tôi vui vẻ? Làm thế nào để tôi đón nhận sự hạnh phúc?