Cứ thế, chẳng biết từ khi nào, điệp khúc “kẹt” thường xuyên được vang lên trong mái nhà của không ít đôi vợ chồng hiện đại. Những phút giây dành cho gia đình bị “xén” bớt, những giấc mơ “làm bất ngờ người bạn đời của mình” tan nhanh như bọt biển. “Kẹt” hoài như thế, hạnh phúc vợ chồng có lúc nào… chao đảo theo không?
“Em kẹt nữa chứ gì? Ừ, anh biết rồi!”
Lấy được vợ vừa đẹp người vừa đẹp nết, anh Minh (Quận 7) mừng rơn. Quả thật, Chi Giao – vợ anh – không có điểm nào đáng chê. Cô mới 27 tuổi đã là trợ lý, cánh tay phải đắc lực của tổng giám đốc một tập đoàn nước ngoài lớn tại ViệtNam. Lương của Chi Giao tính bằng con số ngàn đô.
Thế nhưng, cô lại cực kỳ giản dị, khiêm tốn, vén khéo, không hề se sua đua đòi gì. Kiếm tiền bao nhiêu, cô đều vun vén để dành, san sẻ gánh đỡ cùng chồng mọi khoản lớn nhỏ trong nhà. Tính tình Chi Giao lại hiền lành, hiếu thuận, ngoài giờ làm, thời gian rảnh cô cũng chỉ biết dành cho gia đình, chồng con, cho bố mẹ hai bên.
Bạn bè lẫn họ hàng đều khen Chi Giao tới tấp. Thế nhưng, chỉ có người trong cuộc mới hiểu “đời không có gì trọn vẹn, trời đất không cho ai hết tất cả mọi thứ bao giờ”.Chuyện đau đầu lớn nhất của anh Minh chính là vợ mình thường xuyên… kẹt đột xuất.
Vợ chồng cả tháng liền không có ngày đi chơi chung, vừa thương vợ vừa muốn bồi đắp tình cảm gia đình, anh tốn công tốn sức đặt bàn ở một nhà hàng nhỏ yên tĩnh, mua sẵn luôn hai vé xem phim. Đến chiều, gần hết giờ làm, anh nhắn tin: “Vợ ơi, anh có bất ngờ cho em nè…”. Đáp lại lời anh là cuộc gọi cuống quýt, vội vàng: “Chết rồi, em xin lỗi chồng nha! Em… kẹt đột xuất rồi. Sếp em tối nay có buổi chiêu đãi khách hàng. Anh thông cảm giùm em nhen. Em hứa, mai em sẽ… đền cho anh!”.
Ừ, thì đúng là Chi Giao “đền” thật. Nhưng không phải “ngày mai” mà đến tận… tuần sau. Cũng buổi tối lãng mạn, cũng xem phim. Song tất nhiên, cảm xúc của người trong cuộc sau cả tuần mỏi mòn chờ đợi thì đã vơi hẳn đi rồi. Anh bộc bạch với chuyên gia tư vấn: “Tôi biết vợ bận vì cô ấy giỏi quá, khéo quán xuyến, lại tốt tính nữa.
Ở công ty thì sếp nhờ thêm đủ việc. Về đến nhà thì đừng nói chi bố mẹ ruột mà bố mẹ tôi cũng thương cô ấy, cái gì cũng một hai để Chi Giao nó đưa mẹ đi khám bệnh, mẹ là mẹ chỉ thích con Chi Giao đi mua quần áo với mẹ thôi. Cứ thế, cô ấy quay mòng mòng với những lần kẹt… nhiều hơn cơm bữa.
Riết rồi, tôi quá quen với những tin nhắn đại loại như: Em kẹt mất rồi, anh đi ăn đám cưới một mình nha anh!, Cuối tuần này em kẹt rồi, hay mình hoãn chuyến đi chơi lại… cuối tuần sau?, Hu hu, chồng ơi, xin lỗi chồng nha… Anh ăn tối trước rồi xem tivi nha, đừng chờ em, em kẹt chút xíu việc ở công ty, cho em về trễ chừng… một tiếng!!! Tôi thương vợ cực, lại thông cảm vì biết cô ấy rất yêu tôi, rất thương gia đình chồng. Tôi cũng hiểu thời buổi này được người vợ như cô ấy chắc phải tìm đỏ mắt. Thế nên tôi không trách. Nhưng sao nhiều lúc thấy… nản vì những lần kẹt này ghê”.
Không phải mình anh Minh rơi vào tình cảnh này.Chuyên gia tâm lý Quỳnh Dao (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) chia sẻ, chị gặp ngày càng nhiều hơn những “ca” vợ chồng đến đây, thổ lộ chuyện sao bạn đời của mình cứ… kẹt suốt ngày.
Người trách móc, bực tức, người cố gắng cảm thông. Song, có một điểm chung không thể không nhắc tới: Khi những việc đột xuất cứ xen vào cuộc sống gia đình quá nhiều, người trong cuộc thường bị… chưng hửng, nản chí dần với cảm giác mình bị “bỏ mặc” một mình.
Điều này ban đầu còn không sao, nhưng tích tụ lâu ngày hóa ra thành lỗ mọt đắm thuyền. Như trường hợp chị Ngọc Thủy (Quận 3). Chị chia sẻ rất thật lòng: “Tôi biết chồng bận toàn chuyện có lý do chính đáng thôi. Nhưng thử tưởng tượng mà xem, tôi mất bao nhiêu công sức ráng nấu bữa cơm thiệt ngon chờ chồng. Rồi chỉ nhận được cuộc điện thoại: Anh kẹt việc công ty nên về trễ, em ăn trước đừng chờ, hỏi có hụt hẫng không? Riết rồi, tôi chẳng muốn làm cái gì bất ngờ, chẳng muốn mong đợi gì nữa. Vì mình càng mong đợi, khi chồng kẹt đột xuất, mình càng dễ bị hẫng hơn!”.
Đừng để “kẹt” thành… từ quen thuộc!
Thời hiện đại, nhịp sống trở nên nhanh và thường xuyên nảy sinh yếu tố bất ngờ. Người thích nghi nhanh nhạy được với những yếu tố đó để xoay xở hoàn hảo tình huống được khen là người linh động, khéo léo, thông minh. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là càng linh động, nhạy bén bao nhiêu với “người ngoài”, bạn càng dễ trở thành đôi vợ chồng “kẹt” với bạn đời của mình bấy nhiêu.
Thay vì có cuộc sống nhịp nhàng, ổn định, bạn có thói quen tận dụng khoảng thời gian của chồng vợ bên nhau thành khoảng thời gian để… linh động giải quyết những tình huống bất ngờ. Công ty có việc đột xuất, bạn “kẹt” ngay và hủy luôn bữa cơm tối với gia đình. Khách hàng muốn ký hợp đồng gấp, bạn “kẹt” với con gái, bỏ lỡ mất buổi biểu diễn văn nghệ ở trường của con.
Những bữa cơm “anh kẹt”, “em kẹt” với tần suất ngày một nhiều hơn. Buổi đi chơi cuối tuần được thay bằng tin nhắn: “Chết rồi anh ơi, em kẹt!”. Thậm chí, có khi đến giờ… lên giường, chồng đang đầy cảm xúc, muốn “yêu” vợ một chút cũng chỉ nhận được một cái hôn đầy tính chất… dỗ dành: “Tối nay em kẹt xem lại mấy hợp đồng rồi. Sáng sớm em phải trình sếp ký. Anh ngủ trước nha anh yêu, mai em đền cho!!!”.
Đúng như chuyên gia tư vấn tâm lý Quỳnh Dao chia sẻ, khi “kẹt” trở thành từ quá quen thì cảm giác mong đợi sẽ không còn. Không ai muốn cứ thử thách trái tim mình hoài, để bắt mình cứ chờ đợi, trong tư thế sẵn sàng để rồi… bị cho “leo cây” và thất vọng. Bạn sẽ hỏi: Nhưng biết làm sao bây giờ, mấy việc đó toàn việc gấp! Vâng, thế nên nguyên tắc cho bạn chính là… hãy dũng cảm biết “bỏ đi” một số thứ để cân bằng toàn vẹn cuộc sống của mình. Có một định nghĩa rất hay thế này: “Cái giá của thành công không đo bằng thứ bạn đạt được mà đo bằng những thứ bạn đã phải hi sinh để đạt được thành công đó!”.
Bạn có muốn trở thành một người vô cùng năng động, linh hoạt, có thể hoàn thành công việc mọi lúc mọi nơi, là cứu tinh của tất cả bạn bè, sếp, đồng nghiệp, người thân khi gặp chuyện bất ngờ nhưng lại là người chuyên môn “kẹt” và bỏ lỡ rất nhiều dịp thú vị trong cuộc sống vợ chồng hay bên thiên thần bé bỏng của mình? Chọn lựa tùy thuộc vào chính bạn thôi. Nhưng hãy thử tham khảo lời chia sẻ này của Chi Giao, người vợ giỏi giang được nhắc đến ở đầu bài…
“Hai năm sau ngày cưới, tôi đột nhiên phát hiện ra chồng mình chẳng hề muốn tạo cho mình một bất ngờ nào vào các dịp như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, 8/3 hay Valentine nữa cả. Tôi hỏi, và anh thở dài bảo: Anh có chuẩn bị thì em cũng… kẹt đột xuất à!!! Tôi tỉnh người luôn vì lời nói ấy. Hóa ra, những lần kẹt của tôi có thể xói mòn cả hạnh phúc gia đình, làm mất đi cả mật ngọt dành cho nhau. Sau lần ấy, tôi cương quyết hơn với sếp và đồng nghiệp, bạn bè trong những chuyện đột xuất ngoài giờ. Khi có việc, tôi đã biết học cách trả lời: Xin lỗi sếp, nhưng em… kẹt rồi! Chồng và con em đang chờ cơm ở nhà! Sáng mai sớm em sẽ giải quyết việc này, được không ạ? Tất nhiên, độ thăng tiến của tôi có chậm hơn chút ít vì sự thay đổi này. Nhưng tôi hài lòng với cuộc sống của mình. Và quan trọng nhất là… tôi hạnh phúc!”.