Mẹ và Con - Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một loại rối loạn lo âu. Hiện nay, có khoảng 25% trẻ em có nguy cơ mắc phải hội chứng này.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em được đặc trưng bởi ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai. Vậy rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì và có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống cũng như sức khỏe của trẻ nhỏ? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về bệnh lý này nhé!

rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ

Bạn hiểu như thế nào về hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một loại rối loạn lo âu, trong đó có suy nghĩ và lo sợ không hợp lý (ám ảnh) dẫn đến tham gia vào các hành vi lặp đi lặp lại mà không kiểm soát. Chẳng hạn như trẻ bị ám ảnh cưỡng chế luôn cảm thấy tay mình có nhiều vi khuẩn, tay mình rất dơ, thậm chí khi người khác chạm vào sẽ ngay lập tức muốn được rửa tay. Mặc dù đã cố gắng loại bỏ suy nghĩ về điều này nhưng chỉ càng khiến con cảm thấy căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Cuối cùng, con buộc phải thực hiện hành động rửa tay để giải tỏa tâm lý căng thẳng.

Biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường khởi phát dần dần và âm thầm. Trẻ em ban đầu sẽ che giấu triệu chứng của chúng và chỉ phát hiện ra sau nhiều năm. Nỗi ám ảnh này có cảm giác giống như những nỗi lo lắng, sợ hãi hoặc tổn thương khác. Nếu trẻ em bị ngăn cản thực hiện cưỡng chế thì sẽ trở nên căng thẳng và lo âu.

Triệu chứng chủ yếu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là xuất hiện các ám ảnh và hành vi cưỡng chế không phải do sử dụng chất kích thích hoặc bệnh lý khác. Các ám ảnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ như lo lắng về những sai lầm trong việc học nên luôn chỉnh sửa bài vở nhiều lần, nỗi sợ làm điều gì đó đáng xấu hổ… Các hành vi cưỡng chế như rửa tay liên tục vì sợ nhiễm trùng, sắp xếp quần áo, giày dép theo một thứ tự hoặc một hướng nhất định, kiểm tra khóa nhiều lần, nhai đúng một số lần nhất định, tránh chạm vào những thứ nhất định…

ám ảnh cưỡng chế

Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em

Nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế mặc dù vẫn chưa được xác định rõ, song vẫn có nhiều giả thuyết được đặt ra. Theo ngành sinh học, hội chứng này là một kết quả của sự thay đổi tự nhiên hóa học của cơ thể hoặc chức năng não. Một nhà nghiên cứu khác lại tin rằng bệnh xuất phát từ thói quen liên quan đến hành vi đã học được qua thời gian, ví dụ như thói quen kiểm tra cửa thường xuyên. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thì một số trẻ em phát triển rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau khi nhiễm liên cầu nhóm A, liên cầu khuẩn tán huyết beta.

Ngoài ra, cũng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển hoặc gây ra hội chứng này. Đó là khi cha mẹ hoặc thành viên gia đình khác bị rối loạn cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ở trẻ nhỏ. Hơn nữa, nếu trẻ nhỏ có những phản ứng mạnh mẽ với sự căng thẳng thì khả năng mắc bệnh cũng rất cao. Phản ứng này có thể gây ra những suy nghĩ xâm nhập, lễ nghi và các đặc tính cảm xúc buồn bực của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ nhỏ

Vì triệu chứng của hội chứng rối loạn này chủ yếu xuất hiện các ám ảnh và hành vi cưỡng chế không phải do sử dụng chất kích thích hoặc bệnh lý khác nên sẽ khiến bé bị mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, học tập của con.

trẻ căng thẳng lo lắng

Hơn thế nữa, các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm ở trẻ em cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khoảng ⅔ bệnh nhân bị hội chứng rối loạn này đều bị trầm cảm thứ phát. Ngược lại, trẻ bị rối loạn trầm cảm cũng hay có các ý nghĩ ám ảnh trong các giai đoạn của trầm cảm. Trong các trường hợp kể trên thì các triệu chứng trầm cảm và ám ảnh tăng giảm song song với nhau.

Cùng bé cải thiện bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Bên cạnh việc điều trị và cải thiện bệnh tình dưới sự hướng dẫn và thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa, bố mẹ cũng cần cùng bé thay đổi và tạo dựng một số thói quen tích cực để có thể giúp bé vượt qua trở ngại, khó khăn do bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra.

Điều trị với thuốc

Bố mẹ nên đưa bé tới khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và kê thuốc điều trị. Uống thuốc đầy đủ và đúng giờ tại nhà cũng là điều rất cần thiết. Nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra hoặc muốn dùng với các loại thuốc không kê đơn, thuốc bổ sung cho bé, bố mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước để không làm giảm hiệu quả của thuốc.

trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Kiểm soát bệnh bằng những thói quen tích cực trong cuộc sống

Những thói quen và phong cách sống lành mạnh, tích cực có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ nhỏ. Bố mẹ lưu ý áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đúng giờ và tránh để bé ăn ít hoặc bị đói vì nếu không được ăn đúng lúc, ăn đủ sẽ dẫn tới tâm trạng cáu kỉnh và mệt mỏi. Điều này là hoàn toàn không có lợi với những bé mắc bệnh về tâm thần.

Cùng bé đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe tinh thần. Nếu bé thường xuyên bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm, ngủ không ngon giấc thì bố mẹ nên xem xét về những ảnh hưởng của xung quanh ví dụ như tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ…Tránh để con ngủ quá nhiều vào buổi trưa dẫn tới tình trạng ngủ muộn thức khuya vào buổi tối nhé! Bên cạnh đó, không để trẻ uống nước ngọt vào buổi tối hoặc uống nước có ga quá nhiều vì dễ gây hưng phấn, khiến trẻ không có cảm giác buồn ngủ, khó rơi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Thường xuyên nói chuyện với trẻ

Thay vì để điện thoại, máy tính, tivi “chơi đùa” cùng trẻ, bố mẹ nên dành nhiều thời gian để chơi đùa với con hơn. Vài tiếng ít ỏi vào buổi tối là thời điểm quý giá các thành viên gia đình có thể đông đủ ngồi lại cùng nhau nên hãy cùng chơi và trò chuyện với con nhé! Với những bé đã đi học, sau khi cũng còn làm hết bài tập về nhà, bố mẹ hãy tâm sự hỏi bé về chuyện trên lớp hoặc đọc sách cho bé nghe. Việc gần gũi với trẻ cũng giúp cảm thấy cởi mở hơn và không còn thu mình nữa.

nói chuyện với trẻ

Tham gia hoạt động xã hội

Để giảm các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bé cần trở nên hoạt bát và tích cực hơn. Bởi vì, nếu chỉ ngồi yên một chỗ, thu mình, bé sẽ sinh ra cảm giác lo lắng và cơ thể tiết ra một loại hormone là cortisol. Hoạt chất này nếu tích lũy quá nhiều trong cơ thể sẽ khiến tình trạng rối loạn càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, để con “không có thời gian” lo âu, sợ hãi, bố mẹ nên cho bé tham gia các hoạt động thể chất như chơi cờ vua, chơi đá bóng, bóng rổ…, hoạt động văn nghệ như nhảy, múa, hát, vẽ… hoạt động xã hội như tình nguyện, bỏ heo đất giúp đỡ các em nhỏ khác… Việc tiếp xúc, giao lưu với bạn bè từ nhỏ sẽ giúp con học hỏi được nhiều kỹ năng cũng như tiến triển bệnh tình trở nên tích cực hơn.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế phổ biến ở dưới rất nhiều dạng và ảnh hưởng ở cả nam lẫn nữ. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có nguy cơ mắc phải hội chứng này. Vậy nên, các bậc phụ huynh chăm sóc con cũng đừng quên chăm sóc bản thân nhé!

Bài viết liên quan