Mẹ&Con – Ngay khi vừa biết mình mang thai, trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm máu. Ngoài các chỉ số thông thường khác, lúc này, sẽ có một xét nghiệm mang tên: Rh. Đây là một xét nghiệm quan trọng, vì nếu kết quả cho được là Rh-, chắc chắn bạn và thai nhi trong bụng sẽ cần được theo dõi sát sao hơn!
Khi me mang Rh-

Rh- là gì thế nhỉ?

Với những xét nghiệm như HIV, viêm gan siêu vi B, C… thông thường dương tính (+) là điều khiến bạn lo lắng và âm tính (-) mới là điều bạn mong chờ. Tuy nhiên, với xét nghiệm liên quan đến Rh, tất cả các bà mẹ đều mong sẽ là Rh+ (dương tính), vì nếu Rh- thì nghĩa là có khả năng nguy cơ đến thai nhi.

Rh là từ viết tắt của chữ Rhesus, là yếu tố Rhesus trong máu (Rhesus factor). Hệ thống nhóm máu Rh vốn rất phức tạp với khoảng 50 kháng nguyên khác nhau. Trong hệ thống nhóm máu này thì kháng nguyên D là quan trọng nhất vì có tính sinh miễn dịch cao nhất. Những người có kháng nguyên D trên màng hồng cầu là người có nhóm máu Rh dương (Rh+); những người không mang kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu là người có nhóm máu Rh âm (Rh-). Hầu hết mọi người có yếu tố Rh+. Yếu tố Rh liên hệ với loại máu. Ví dụ: nếu người có nhóm máu loại A có Rh sẽ được ghi là A+; nếu không có Rh sẽ được ghi là A-.

Người có Rh- tiếp nhận máu Rh+ sẽ tạo ra kháng thể chống lại hồng cầu Rh+. Trong các lần nhận máu sau đó, kháng thể này sẽ hủy hoại các hồng cầu nào có Rh+. Đó là sự không tương hợp Rh. Sự không tương hợp chỉ xảy ra khi mẹ Rh- và con Rh+; không xảy ra khi mẹ Rh+, con Rh- hoặc khi cả mẹ và con đều âm hoặc dương Rh.

Bạn có thể hình dung dễ dàng hơn thế này: Trong thời gian thai nghén (nhất là khi chuyển dạ), máu của người mẹ và máu của bào thai có thể bị trộn lẫn với nhau. Nếu mẹ mang Rh-, còn bé mang Rh+ thì cơ thể mẹ sẽ sản xuất ra chất kháng lại máu của bé.

Khi mang thai, các chất dinh dưỡng và kháng thể từ máu của mẹ chuyển sang con qua nhau thai, nhưng hồng cầu thì không qua được. Vì vậy, trong suốt thời gian mang thai lần đầu, không có vấn đề gì xảy ra vì máu con không xâm nhập máu mẹ. Nhưng trong thời gian thai nghén, nhất là khi chuyển dạ, một chút máu Rh+ của con có thể vào cơ thể mẹ, trộn lẫn với máu của mẹ. Nếu mẹ mang Rh- còn bé mang Rh+ thì cơ thể mẹ sẽ sản xuất ra chất kháng lại máu của bé. Chất kháng này vô hại trong lần mang thai đầu. Tuy nhiên, trong lần mang thai tiếp, chất kháng này từ cơ thể mẹ có thể tấn công vào tế bào hồng cầu của bé.

Nghĩa là ở lần mang thai kế tiếp, nếu thai nhi Rh+, kháng thể trong máu mẹ sẽ nhận ra và sẽ tiêu hủy các hồng cầu mang Rh+. Hậu quả là thai nhi sẽ bị thiếu máu, vàng da… vì tan huyết. Đó là chứng loạn nguyên hồng cầu sơ sinh, hoặc đó cũng là nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp ở người mẹ.

Ở Việt Nam, người có nhóm máu Rh- có tỷ lệ khoảng 0,07%. Đây là nhóm máu hiếm. Người mang nhóm máu này chỉ nên sinh một con. Ngoài ra, cần phải có lượng máu dự trữ nếu chẳng may bị băng huyết trong quá trình sinh nở hay cấp cứu vì có nguy cơ không đủ lượng máu truyền.

Có nguy hiểm lắm không?

Câu trả lời là: Có! Tuy nhiên, thật ra bạn cũng không cần quá hoảng sợ khi phát hiện mình thuộc nhóm máu hiếm, có Rh-. Vì như đã nói, thai phụ có nhóm máu Rh- khi sinh con lần đầu vẫn có thể hoàn toàn bình thường. Chỉ trong một số trường hợp, trẻ sinh ra có thể bị bệnh vàng da tan máu do bất đồng nhóm máu hệ Rh giữa mẹ và con.

Tuy nhiên, như đã phân tích, lời khuyên cho bạn là chỉ nên có một đứa con. Vì nếu sinh con thứ hai thì sẽ khá nguy hiểm. Hiện nay, có một số biện pháp phòng ngừa bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ – con như tiêm huyết thanh chống kháng nguyên D (anti-D) cho mẹ mang thai vào tuần thứ 28 thai kì, sau đó tiêm nhắc lại vào tuần thứ 35 của thai kì. Trong vòng 24 giờ sau khi sinh bé, bạn cũng có thể được tiêm anti-D để phá hủy các hồng cầu Rh+ của con lọt vào trong hệ tuần hoàn của mẹ trong quá trình chuyển dạ sinh nở. Bằng cách này sẽ tránh gây nguy hiểm cho người mẹ, cũng như giữ an toàn nếu mẹ mang thai lần thứ hai.

Thai phụ cần được kiểm tra yếu tố Rh (qua xét nghiệm máu). Thai phụ sẽ được chăm sóc đặc biệt nếu bản thân âm tính với Rh (Rh-) trong khi người chồng dương tính với Rh (Rh+).

Một việc quan trọng khác nữa là, nếu biết mình thuộc nhóm máu hiếm, bạn cần thiết phải khám thai định kì, luôn báo rõ với bác sĩ về việc thuộc nhóm máu hiếm trước thời điểm sinh nở để tránh những rủi ro không đáng có. Hầu hết các thai phụ có nhóm máu Rh- đều được yêu cầu sinh nở tại các bệnh viện phụ sản lớn, để đảm bảo trong trường hợp nguy cấp có thể được truyền máu ngay. Bạn cũng cần chủ động đến các khoa huyết học để được tư vấn kỹ lưỡng về quá trình mang thai, sinh nở. Tốt hơn hết là được tư vấn từ trước lúc bắt đầu mang thai.

Bạn thuộc nhóm nào?

– Mẹ (Rh+), Bố (Rh+), Con (Rh+): bình thường.- Mẹ (Rh+), Bố (Rh-), con (Rh+ hoặc Rh-): bình thường.

– Mẹ (Rh-), Bố (Rh-), Con (Rh-): bình thường.

– Mẹ (Rh-), Bố (Rh+), Con (Rh+ hoặc Rh-): cần tiêm miễn dịch globulin.

Nếu thai nhi mang yếu tố Rh+, kháng thể trong máu mẹ đã được chuyển vào bào thai sẽ tiêu diệt yếu tố Rh+. Khi các yếu tố Rh+ bị tấn công, bé sẽ có nguy cơ thiếu máu, vàng da, tổn thương não, dị tật tim hoặc bé sẽ chết ngay khi mới chào đời…
Tags:

Bài viết liên quan