Mẹ&Con – Bạn thần người một lúc lâu trong phòng tắm khi nhìn thấy que thử lên “hai vạch”. Không như những bà mẹ khác đã có sự chuẩn bị hẳn hòi cả mấy tháng trời, hồi hộp mong chờ ngày lên “chức”, vợ chồng bạn vì lý do gì đấy đang dự tính để một thời gian nữa, ví dụ như đợi đến năm sau kia! Bất ngờ có bé khi chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng, lo lắm! Nhưng tất nhiên bạn không hề muốn từ bỏ giọt máu yêu quý của mình rồi.

Khi con den ngoai du tinh

(Ảnh minh họa)

Con ạ, hãy cùng mẹ bắt đầu một hành trình!

Phải thành thật nói rằng, nếu là một bác sĩ, khi nghe ai đấy đi khám thai lần đầu, báo rằng: “Bác sĩ ơi, em bị… vỡ kế hoạch!”, cảm giác đầu tiên của bác sĩ sẽ là… thầm lo. Bạn biết không, mang thai và sinh nở không hề là chuyện dễ dàng. Càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, đứa trẻ chào đời càng có xác suất cao khỏe mạnh, lành lặn, thông minh, phát triển hoàn thiện bấy nhiêu. Ngược lại, khi vợ chồng đột ngột có thai trong tình trạng không tính trước, sẽ có hàng loạt những nỗi lo xuất hiện trong đầu hai bậc cha mẹ tương lai (và cả bác sĩ!): Mẹ đã chích ngừa Rubella, viêm gan B, đã khám sức khỏe tổng quát trước đó chưa? Mẹ có đủ cân nặng trong mức chuẩn, có bệnh gì mạn tính đang điều trị vẫn phải uống thuốc không? Mẹ biết có thai bao lâu rồi, trong thời gian trước đó (khi không biết mình có thai và không dự tính có thai), mẹ có uống các loại thuốc nào không, có tiếp xúc với hóa chất nào độc hại không? Điều kiện kinh tế gia đình có ổn chưa, cha mẹ có ai đang… thất nghiệp hay gặp vấn đề khó khăn gì không? Liệu bé chào đời có được chăm sóc đầy đủ?

Đấy! Mới kể sơ sơ một số điều thôi đã thấy… chóng mặt rồi. Trong nhiều trường hợp, khi vỡ kế hoạch, người mẹ sẽ đành bỏ con (điều không bác sĩ nào muốn làm nhưng đôi khi vẫn phải làm theo yêu cầu của bệnh nhân). Nhưng có trường hợp khác mà chuyên đề này sẽ nhắc đến, khác biệt hơn, đó là khi gia đình quyết định giữ lại bé, bắt đầu một hành trình chín tháng mười ngày có phần gian nan vất vả hơn (vì không tính trước).

Bạn nên làm gì trước tiên? Câu trả lời sẽ là: Hãy lập tức đến bệnh viện có khoa sản, để thử máu và khẳng định chắc chắn mình có thai không. Nếu kết quả là có, bạn nên thực hiện ngay việc khám thai lần đầu tiên càng sớm càng tốt, đừng trì hoãn dù chỉ một ngày. Bởi lẽ, nên biết rằng hầu hết trước hợp bất ngờ “hai vạch” này đều phát hiện có thai có phần chậm hơn các bà mẹ đang mong ngóng đếm từng ngày.

Trong khi đó, nên biết rằng có nhiều thứ bạn cần gấp rút làm ngay, ví dụ như việc bổ sung acid folic rất cần được thực hiện càng sớm càng tốt (lẽ ra phải bổ sung từ trước khi bạn bắt đầu mang thai khoảng 1 tháng, nếu như bạn có dự tính và kế hoạch rõ ràng).

Trong lần khám thai đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng mang thai của bạn, cùng bạn xác định xem thai đã được bao nhiêu tuần tuổi. Hãy thẳng thắn báo với bác sĩ về tình trạng “khó nói” của mình, đó là việc bạn có thai mà không hề tính trước.

Bác sĩ cần biết điều đó, để cẩn thận theo dõi, kiểm tra, đặc biệt trong trường hợp vài tuần lễ gần đây bạn uống nhiều loại thuốc bừa bãi khác nhau, tiếp xúc nhiều hóa chất (vì không biết mình mang thai).

Bác sĩ sẽ đặt nhiều câu hỏi về lịch sử gia đình, cách sống, công việc của bạn. Đừng băn khoăn sao bác sĩ có vẻ “tò mò” về bạn nhiều hơn các thai phụ khác. Đơn giản là bác sĩ cần đánh giá mức độ mệt mỏi của bạn trong giai đoạn này, cần xác định những nguy cơ (nếu có) cho em bé.

Trong trường hợp gặp bác sĩ thăm khám quá bận rộn và ít hỏi han, bạn hãy chủ động trao đổi, nói cho bác sĩ biết chi tiết về tình hình sức khỏe của mình, từ chuyện bạn có bệnh di truyền nào không, có bệnh mạn tính không, có phẫu thuật nào trước đó không…

Nào, cùng “bù đắp” thật nhanh cho bé!

Sau buổi khám thai đầu tiên, trở về nhà, việc kế tiếp bạn nên làm là hãy lập tức ngồi xuống, lên cho mình một “kế hoạch” làm mẹ thật rõ ràng và cụ thể. Bạn sẽ vất vả hơn các bà mẹ khác trong 1-2 tháng đầu tiên đấy. Bởi lẽ, đây sẽ là khoảng thời gian bạn… “tăng tốc” để bắt cho kịp sự chuẩn bị (lẽ ra phải có) của các bà mẹ khác.

Cụ thể là, bạn sẽ phải thu xếp đi khám sức khỏe tổng quát ngay. Cần đánh giá lại tình hình chung sức khỏe của bạn. Nếu bạn đã chích ngừa viêm gan B, Rubella trước đó rồi thì tốt. Trường hợp chưa chích ngừa, kiểm tra xem tình hình hiện tại của mình như thế nào để báo cho bác sĩ biết.

Lưu ý là bạn không thể chích ngừa kịp khi đã mang thai rồi, nên cách duy nhất có thể làm trong lúc này là suốt chín tháng thai kì, bạn sẽ phải cẩn thận phòng ngừa bệnh kỹ gấp nhiều lần so với các bà bầu khác nhé!

Hãy chuyển cho bác sĩ các dữ liệu mới về sức khỏe của bạn sau khi khám tổng quát. Ví dụ như nhóm máu, loại Rh (cộng hay trừ), huyết áp, nhịp tim, các kết quả xét nghiệm máu, cân nặng, kết quả siêu âm, kết quả xét nghiệm nước tiểu, kết quả khám phụ khoa… (Lưu ý, đặc biệt cần nhớ rằng bà bầu không được phép chụp X-quang tim phổi như những bệnh nhân khám tổng quát khác, nên khi đến bất kì khâu nào trong lúc khám tổng quát, bạn cũng cần báo là bạn đã mang thai đấy). Trong một vài trường hợp đặc biệt (ví dụ như bạn có thai với người không rõ nguồn gốc, không phải chồng), bác sĩ có thể còn phải cho bạn thực hiện ngay những xét nghiệm như xét nghiệm HIV, giang mai…

Về chế độ dinh dưỡng, các bài viết kế tiếp trong chuyên đề này sẽ chia sẻ với bạn nhiều hơn. Tuy nhiên, chắc chắn là bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu bổ sung càng sớm càng tốt lượng acid folic (một loại vitamin rất cần để tránh các nguy cơ dị tật ống thần kinh cho bé).

Bạn hỏi: Tại sao phải gấp? Từ từ bổ sung cũng được chứ sao? Vâng, câu trả lời của bác sĩ là vì ống thần kinh lại đuợc hình thành rất sớm chỉ trong 28 ngày đầu của thai kì, trong khi đây là giai đoạn thường các bà mẹ bất ngờ “hai vạch” còn chưa kịp biết mình đã có thai rồi. Do đó, bạn cần bổ sung ngay theo chỉ dẫn của bác sĩ (đúng liều, tuyệt đối không tự ý tăng liều).

Rồi đấy! Việc kế tiếp nữa là… Mà thôi, hãy khoan! Sau chừng này việc, bạn nên bình tĩnh lại, cho phép mình hít một hơi thật sâu, để cho mình một buổi hoàn toàn tĩnh tâm và bớt đi căng thẳng.

Hãy tự nhủ với mình: Bạn đã bắt đầu hành trình làm mẹ rồi! Dù không kịp chuẩn bị trước như các bà bầu khác, song nhất định bạn sẽ làm thật tốt tất cả mọi điều cho bé yêu, để con cũng có thể chào đời khỏe mạnh, an lành như bao đứa trẻ khác, nhé bà mẹ vừa “lên chức”!

Tags:

Bài viết liên quan