Mẹ&Con - Lâu nay người chồng vẫn luôn được xem là trụ cột trong gia đình. Khi chồng đi làm xa, người vợ phải dang vai gánh luôn trách nhiệm trụ cột của chồng. Vừa làm mẹ, vừa làm cha cho những đứa con của họ. Họ sẽ ra sao trong khoảng thời gian chồng vắng nhà?

Khi chồng đi làm xa

(Hình minh hoạ)

Một cơ hội tốt cho người vợ thụ động

Xét về mặt tích cực thì việc chồng đi làm xa lại là một cơ hội tốt đối với những người vợ thụ động. Chị Lynh, một bà nội trợ không mấy đảm đang, là kiểu người như thế. Chị vốn vụng về bếp núc, lại không nghề nghiệp ổn định, sau khi sinh con thì quyết định ở nhà tề gia nội trợ luôn, mọi việc trong ngoài từ đi làm kiếm tiền, giao tiếp, tiệc tùng, đối nội, đối ngoại đều cậy vào anh chồng tháo vát của chị cả. Chị cũng tự cảm thấy mình thật vụng về, ngốc nghếch. Mãi cho đến khi con được một tuổi, chồng chị được sếp điều đi công tác dài hạn để phát triển thị trường cho chi nhánh công ty tận miền Trung, chị mới có cơ hội tự học cách hoàn thiện công việc tề gia của mình. Mỗi sáng, chị để điện thoại báo thức, dậy thật sớm giặt giũ, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, tắm con, chăm sóc con. Chồng vắng nhà nên mỗi khi có thiệp mời đám cưới, đám giỗ, ma chay…chị đều phải thay mặt chồng đi dự. Mãi rồi chị cũng tự tin hơn với kiểu ăn nói được trau chuốt cẩn thận. Mỗi lần chồng về thăm nhà chị đều làm anh phải một phen ngạc nhiên lớn vì thấy vợ tiến bộ quá nhiều!

Cơ hội để hai vợ chồng nhớ nhau, nghĩ về nhau nhiều hơn

Chị Sương, nhân viên Marketing bảo, lúc anh chồng chị đi công tác xa cũng là lúc chị thấy thoải mái nhất, tình yêu của anh chị trở về nồng nàn nhất. Vì xa nhau nên ngày nào anh chị cũng gọi điện cho nhau, thăm hỏi nhau, động viên nhau như hồi mới quen. Chị cảm thấy bồi hồi, xao xuyến khi đọc tin nhắn hay email của anh. Chẳng bù với lúc làm gần nhà, ngày nào cũng thấy mặt nhau, mãi rồi cũng chẳng có chuyện gì để nói, chỉ ăn, xem tivi hoặc ngủ. Hơn nữa, vì xa nhau lâu ngày nên những dịp chồng về thăm nhà là khoảng thời gian rất quý giá. Hai vợ chồng luôn tận dụng khoảng thời gian đó để quấn quýt bên nhau, có bao nhiêu điều kể mãi mà không hết. Dĩ nhiên, “khung cảnh màu hồng” này chỉ thực sự hiện ra với những cặp mà chồng đi công tác không quá lâu (chỉ một hoặc hai tháng). Và ngọn lửa yêu vẫn còn đang ngùn ngụt trong chính trái tim họ. Chỉ khi đó, sự mệt mỏi vì chờ đợi, chán nản vì khoảng cách về không gian và thời gian chưa thực sự xâm chiếm cả hai.

Gồng mình diễn cả hai vai

Đây chính là “thảm cảnh” không mong muốn của những bà vợ trót có chồng đi làm ăn xa. Với những cặp ở cùng gia đình bên chồng, hoặc bên vợ, thì người vợ còn có cơ hội được người thân (cha mẹ chồng, anh chị em…) chia sẻ, giúp đỡ công việc nhà, đưa đón con, chăm sóc các con. Còn những cặp ra ở riêng thì khi chồng vắng nhà, người vợ đương nhiên phải gồng mình diễn cả hai vai: vai người mẹ và vai người cha trong mắt các con.

Vừa phải là một người mẹ đảm đang: nội trợ giỏi, dịu dàng, kiên nhẫn. Vừa phải là người cha: phải tự tay sửa xe, thay bóng đèn, đóng đinh lại cái ghế, cái bàn, phải cứng rắn dạy bảo con vâng lời, bảo vệ con khỏi bị bắt nạt… Phải chăm sóc con khi con bệnh, đến khi chính mình đau yếu thì lại chẳng được ai chăm sóc.

Người vợ lúc này phải chịu áp lực từ gia đình và xã hội. Nếu không phải mẫu phụ nữ bản lĩnh, cứng cỏi, thì mọi áp lực lúc này trở nên quá sức chịu đựng. Thậm chí chỉ một câu trêu đùa của ai đó cũng khiến họ chạnh lòng, tủi thân. Họ sẽ cảm thấy vô cùng thiệt thòi, dễ trở nên cáu gắt và khắc nghiệt với chồng con. Trường hợp này, vai trò người chồng sẽ lu mờ trong gia đình. Vì xa gia đình lâu ngày, khi về phép, thể nào người chồng cũng sẽ chiều chuộng con hết mức, con đòi gì được nấy. Dần dà, đứa con sẽ quen nếp ấy, tha hồ vòi vĩnh, người cha sẽ không dạy bảo được.

Gồng mình diễn cả hai vai

Khoảng cách tạo nên nghi ngờ. Cô đơn tạo nên những mối quan hệ vụng trộm

Đàn ông đa phần đều ham vui, muốn “kiếm thêm”, hám “của lạ”, nhất là những ông xa vợ hàng tháng trời, túi rủng rỉnh tiền, lại được cái mã bảnh bao thì khó lòng thoát khỏi sự nghi ngờ của vợ. Cho dù người chồng hoàn toàn trong sạch, thì sự xa cách lâu ngày vẫn khiến nỗi ám ảnh chồng ngoại tình, ăn bánh trả tiền cứ thản nhiên tồn tại trong tâm trí người vợ. Những nghi ngờ ấy lớn dần lên khiến tình cảm người vợ bị tổn thương, nhạt dần. Nhiều người vì quá cô đơn và nghĩ rằng chồng mình ở nơi xa dễ gì chung thủy đã nhanh chóng trượt ngã cùng những mối quan hệ vụng trộm khi chồng vắng nhà. Họ đến với người thứ ba vì phút yếu lòng, khi cần sự chia sẻ, cần được chăm sóc. Một số người kịp dừng lại, nhưng không ít người vẫn trượt dài theo cảm xúc ngoài luồng nguy hiểm.

Nói chung, khi người chồng đi làm xa cũng có mặt tích cực, nhưng không ít tiêu cực. Mà những tiêu cực đó đủ lớn và rất nguy hiểm để gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Rất nhiều cặp đưa nhau ra tòa vì không thể sống mãi cảnh chồng đi như con thoi. Các chuyên viên tư vấn tâm lý luôn đưa ra một lời khuyên cho các cặp vợ chồng: hãy ngồi lại dàn xếp với nhau về công việc của cả hai. Nếu người vợ cảm thấy ổn, chấp nhận được việc chồng đi làm xa thì tốt. Bằng không, hãy thử đề nghị chồng xin chuyển công tác gần nhà, hoặc có thể chuyển nghề để gần gũi gia đình. Kiếm tiền bao giờ cũng quan trọng, nhưng không là tất cả. Chúng ta nên nhớ: một gia đình hạnh phúc, sum vầy lúc nào cũng là mong ước cháy bỏng của những đứa trẻ, trong đó có con chúng ta.

Tags:

Bài viết liên quan