Mẹ&Con – Chỉ cần lỡ lời vài ba câu, mối quan hệ khăng khít giữa gia đình hai bên vợ chồng đã có nguy cơ đổ vỡ. Ðể tránh mâu thuẫn không đáng có ta cần củng cố hòa khí hai bên, bắt đầu bằng lời ăn tiếng nói dễ nghe hàng ngày.

Ngàn lẻ những mâu thuẫn nho nhỏ

Đào (nhân viên văn phòng) mỗi khi có áp lực ở cơ quan lại đưa cả bực tức về nhà. Hôm đó đi làm về, xót ruột khi thấy con khóc ngất, còn bà nội thì đang loay hoay pha sữa. Cô giằng lấy bình sữa, giọng hơi gắt: “Mẹ để con làm cho, chậm như vậy thằng bé ngất đi mất!”. Vốn hiền lành, bà không nói gì, chỉ nhẹ nhàng đưa bình sữa cho con dâu.

Tuy nhiên, ông bác ở Bắc mới vô thì không “hiền lành” được như mẹ chồng Đào. Ông lên tiếng ngay: “Cháu là phận dâu con,  sao dám ăn nói với mẹ như thế, hỗn hào quá. Có bác ở đây mà cháu còn nói thế huống hồ…”. Thế là điệp khúc dạy cháu dâu của ông bác trưởng họ cứ thế vang lên cả tuần. Đến lúc không chịu nổi cô cãi lại, không khí căng như dây đàn. Chỉ tội khổ chồng và mẹ chồng, cả hai hết lời xin lỗi bác vì cháu nó lỡ lời, nhưng ông bác “thù dai” vẫn không bỏ qua: “Từ nay mày đừng bao giờ về quê thắp hương cho các cụ nữa”.

Ngày lễ, Hằng đoàn tụ về ngoại làm mâm cơm thân mật. Hai chị em lâu ngày không gặp, “tám” đủ thứ chuyện. Hằng cười hô hố và kể về một người đàn ông nào đó: “Anh ấy 40 tuổi rồi mà chưa cất nổi căn nhà, phận nghèo đi đến đất nào chả nghèo”. Câu nói vô tình lọt vào tai anh rể cũng cùng cảnh ngộ. Thế là dù cho Hằng có giải thích cỡ nào, buổi họp mặt gia đình hôm ấy cũng không tránh khỏi nặng nề.

Bị mẹ chồng sai khiến đủ chuyện, Ngọc Hảo (Phú Yên) kể lể hết với mẹ đẻ. Vốn thẳng tính, mẹ cô gọi ngay cho bà sui xả cho hết giận. Không khí hai bên căng lên, hai bà sui từ đó không muốn tới nhà nhau nữa, có tới cũng chỉ vì xã giao cho được việc. Bản thân Hảo nhiều lúc cũng mệt mỏi khi ở nhà chồng, mẹ chồng xỉa xói mẹ cô không lịch sự. Đến khi vợ chồng về thăm mẹ đẻ thì hễ có dịp là bà lại lên án mẹ chồng trước mặt con rể. Vợ chồng cô vì thế cũng không vui vẻ gì.

Loi noi khong mat tien mua

(Ảnh minh họa)

Nơi mâu thuẫn phát sinh

Mối liên giao giữa hai nhà chồng, vợ vốn là quan hệ ruột rà không máu mủ, lại nhiều vai nhiều lứa, nhiều thành viên nên tự thân nó đã đủ mức độ phức tạp mà không cần thêm bớt điều gì. Nhưng không phải ai cũng khéo léo biết cách làm vui lòng gia đình chồng, vợ. Nhiều khi vì giận quá mất khôn, khi ấy, người ta dễ nói ra những điều mất lòng nhau. Những điều chỉ có anh chị em ruột mới dễ dàng tha thứ còn người khác trong gia đình chồng, vợ rất khó chấp nhận.

Cuộc sống muôn màu buộc ta phải đối diện, khéo léo ứng xử sẽ có kết quả tốt và ngược lại. Thực ra khi sống chung dưới một mái nhà, ai cũng muốn được hòa đồng, hạnh phúc. Nhưng mỗi người có tính cách, sở thích, thói quen và nỗi lòng khác nhau, nhiều khi đơn giản do không hiểu nhau mà sinh ra mâu thuẫn.

Giao tiếp sao cho đẹp lòng thật không dễ chút nào nếu chúng ta không biết dung hòa các quan hệ đó. Để đẹp lòng hai họ hãy xem mình là một chủ thể, một phần trong quan hệ đó, cần xem xét, nhìn nhận bản thân mình, nếu có thể hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện mà suy nghĩ, hành động, như thế mới có thể hiểu được cần làm gì cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp.

Về tâm lý mà nói, ai trong gia đình của chồng, vợ cũng đều rất “cảnh giác” với người ngoài là con rể, con dâu (mặc cho cha ông ta vẫn nói “dâu con rể khách”). Để đẹp lòng hai họ, đặc biệt là các cụ không dễ chút nào. Yếu tố tinh tế trong cách giao tiếp ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày trong trường hợp này là chìa khóa giúp bạn được gia đình chồng, vợ tin tưởng, quý mến.

Thông thường, hai bên thông gia hiềm khích ban đầu xuất phát từ chính những đứa con trong gia đình. Nếu người vợ không quá bức xúc gia đình nhà chồng, không về trút giận với mẹ thì có lẽ nhà vợ vì thế cũng không biết được nhà con rể mình lại có những chuyện như thế và ngược lại. Mà một khi đã biết những điều xấu đó, người ta khó lấy lại cảm tình, dễ ác cảm với nhau sinh ra lạnh nhạt, dần ghét nhau ra mặt.

Nhiều khi cũng vì lí do khách quan khi dâu, rể chưa quen lề thói của gia đình mới, chưa hiểu hết ngọn ngành mà vô tình gây ra những xáo trộn nhất định. Từ mâu thuẫn giữa họ với gia đình hai bên, sinh ra hai nhà hiềm khích với nhau. Trong mọi trường hợp, việc hai nhà lục đục người khổ nhất vẫn là đứa con đứng giữa của mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, dù là lí do nào đi nữa, sự hiềm khích giữa hai nhà sẽ không xảy ra, nếu người trong cuộc không biết cách khéo léo ứng xử. Thái độ nhẫn nhịn, dung hòa chính là chìa khóa giúp hai bên gia đình có mối quan hệ tốt đẹp trọn vẹn.

Tags:

Bài viết liên quan