Tết đến xuân về là mùa chúng ta có thể quây quần cùng nhau để dùng chung một mâm cơm, cạn chung một chén chè và trao nhau những lời chúc thân tình. Niềm vui sẽ không được trọn vẹn nếu như bữa tiệc của bạn bị gián đoạn bởi cảm giác đầy hơi chướng bụng.
Vì thế, trong những ngày xuân Nhâm Dần, phải làm sao để giảm bớt những tình trạng khó chịu này? Hãy để Mẹ và Con mách bạn bí quyết nhé!
Thế nào là đầy hơi chướng bụng?
Đầy hơi chướng bụng là một loạt các biểu hiện khó chịu ở vùng bụng trên, có thể diễn ra ngay sau bữa ăn hay là hậu quả của một bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa.
Đây là một biểu hiện không chỉ riêng người lớn, mà trẻ em cũng có thể mắc phải. Đôi khi đi kèm với biểu hiện chướng bụng đầy hơi còn có đau âm ỉ trên rốn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nấc cục,…
Nguyên nhân nào dẫn đến đầy hơi chướng bụng?
Có thể phân ra thành 2 nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi chướng bụng, đó là những nguyên nhân gây ra tình trạng cấp tính và những nguyên nhân thường xuyên gây đầy hơi chướng bụng như một bệnh lý lâu dài.
Những nguyên nhân làm đầy hơi chướng bụng cấp tính
Đặc điểm của nhóm nguyên nhân này là những tình trạng lành tính, các biểu hiện có thể rầm rộ nhưng sẽ hết khi cơ thể “giải quyết” được nguyên nhân.
Do ăn vội vàng hoặc ăn quá nhanh: Khi bạn ăn quá nhanh bạn vô tình nuốt nhiều không khí theo thức ăn, việc này tạo ra hơi trong dạ dày khiến bạn có cảm giác căng tức, khó chịu. Tuy nhiên cơ thể bạn lại có thể “tự giải quyết” lượng không khí này bằng cách ợ hơi. Điều này cũng tương tự khi bạn nhai kẹo cao su, dùng ống hút,…
Dùng nhiều thực phẩm có khả năng sinh hơi: Nhất là trong mùa tết, không thể nào không cùng cạn một ly bia hay ly nước ngọt có gas khi ngồi trong mâm cỗ được. Ngoài ra các loại thức ăn lên men như:
- Men chua, kiệu chua, dưa cải,…
- Các loại quả có hàm lượng fructose cao: nho, lê, mận, dưa hấu, chà là, mứt anh đào,…
- Sữa và chế phẩm từ sữa
- Các loại đậu, đỗ ngâm,…
Những thực phẩm này dù tốt cho cơ thể nhưng dùng lượng nhiều cũng tạo cảm giác khó tiêu. Các nhà khoa học đã cho rằng, khi bạn ăn quá nhiều các loại thực phẩm có này khiến các chủng lợi khuẩn sinh nhiều hơi trong đường ruột, làm tăng cảm giác đầy hơi chướng bụng.
Ngoài ra nếu bữa ăn của bạn có chứa nhiều dầu mỡ, như thực phẩm chiên dầu, thì hệ tiêu hóa của bạn cũng dễ “đình trệ” và đầy bụng đấy nhé.
Các nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng như một bệnh lý lâu dài.
Thông thường với nhóm những nguyên nhân này, bạn sẽ có một lịch sử “thân quen” với chứng đầy hơi chướng bụng. Nếu tình trạng chướng bụng đầy hơi của bạn xảy ra rất nhiều lần, có khả năng bạn sẽ tìm thấy nguyên nhân của mình trong nhóm này đấy.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Đây là bệnh căn có thể coi là thường gặp ở Việt Nam. Khi axit dạ dày “đi ngược” lên thực quản, trong giai đoạn sớm có thể gây đầy hơi chướng bụng, dần dà xuất hiện thêm ợ nóng, ợ chua. Đôi khi bệnh trào ngược còn gây đau ngực, căng tức thượng vị, chua miệng và đau họng mạn. Thế nhưng việc dự phòng và điều trị trào ngược dạ dày thực quản lại hoàn toàn có thể điều chỉnh được qua chế độ ăn uống.
Các bệnh lý do không dung nạp một loại thực phẩm nhất định
Tình trạng gây ra do cơ thể không “chấp nhận” một loại thực phẩm nhất định. Khi đã không chịu mà cứ phải gặp điều “không ưa” thì cơ thể bạn sản sinh ra nhiều phản ứng miễn dịch dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, trong đó có đầy hơi. Một số bệnh mất dung nạp thường gặp như:
- Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn khiến ruột non không chấp nhận chất gluten có nhiều trong các loại bánh
- Rối loạn dung nạp Lactose là khi cơ thể thiếu men Lactase, bạn sẽ gặp phải tình trạng đầy hơi chướng bụng khi dùng sữa và chế phẩm.
- Không dung nạp Fructose gây khó tiêu khi bạn dùng trái cây hoặc một số loại rau củ.
- Ngoài ra còn có một số tình trạng không dung nạp với hải sản và một số loại protein nhất định
Rối loạn các chủng vi sinh đường ruột
Sự phát triển quá mức vi khuẩn đường ruột: khi dạ dày của bạn không đủ axit hoặc sự co bóp của ruột giảm đi sau một đợt tiêu chảy, các vi khuẩn không tốt tăng sinh. Thay vì giúp ta tiêu hóa thì những chủng này sinh hơi gây ra tình trạng khó chịu, đầy hơi chướng bụng, mệt mỏi, tiêu chảy.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích liên quan đến việc hệ thần kinh của bạn trong đường tiêu hóa trở nên “nhạy cảm” với kích thích bên ngoài, có thể từ stress, từ đồ ăn lạ. Hậu quả khiến bạn có một đợt khó tiêu, đau quặn bụng, đầy hơi… trong vài ngày.
Cách khắc phục tình trạng đầy hơi chướng bụng
Chữa đầy hơi chướng bụng bằng nguyên liệu thiên nhiên
Sử dụng bạc hà
Tinh chất trong bạc hà theo Đông y có vai trò trong giải phong nhiệt, có công dụng nhiều cho bệnh tâm phế và sơ tán phong nhiệt cho dạ dày. Với mẫu người đô thị bận rộn, bạn hoàn toàn có thể tìm các dạng viên nang bào chế ở các hiệu thuốc.
Ngoài ra một số cách dùng bạc hà cho bệnh trào ngược như sau:
- Bạc hà bác thác phương: bạc hà 1 bó, bột mì (hoặc bột gạo) 120g. Bạc hà nghiền ép lấy nước, trộn nước ép với bột, cán thành bánh canh, đem nấu chín, ăn khi đói. (Chữa ăn vào nôn ra do các bệnh chứng dạ dày, thực quản như hẹp môn vị thực quản)
- Bạc hà pha thành trà: bạn có thể hãm 1 muỗng lá bạc hà trong 150 ml nước trong 15 phút, rồi nhâm nhi 2 đến 3 tách mỗi ngày
- Thêm bạc hà vào trong các món nước ép trái cây hay sinh tố.
Một điều bạn cần lưu ý là các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, có nhiều triệu chứng ợ nóng hay ợ chua, mẹ bầu hay đang cho con bú thì không nên áp dụng cách này. Đồng thời, việc nhai kẹo cao su có vị bạc hà ngoài không giúp ích mà có thể khiến bạn nuốt thêm không khí đấy nhé!
Sử dụng gừng
Với Y học cổ truyền, gừng (Sinh Khương) có tính ấm, quy vào phế, vị, tỳ, trong đó có làm ấm dạ dày. Đồng thời, nhiều nghiên cứu ghi nhận, các hoạt chất trong gừng có khả năng thúc đẩy hệ tiêu hóa, tránh tình trạng “chậm tiêu” thức ăn. Điều này giúp bạn giảm đi cảm giác căng trướng, khó chịu.
Ngoài ra, gừng còn có tác dụng hỗ trợ kháng sinh, kháng viêm nhẹ, hỗ trợ giúp bạn đẩy lui các trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa như viêm dạ dày, tiêu chảy, nôn ói nhiều.
Tạp chí Mẹ và Con sẽ mách bạn 2 cách trị đầy hơi chướng bụng với gừng như sau:
- Cách 1: Cho vài lát gừng vào 100ml nước sôi. Hãm trong 10 – 15 phút, sau đó gạn lấy nước uống dần trong ngày.
- Cách 2: Cho 1 thìa gừng bằm hoặc nghiền nhuyễn vào 200ml nước đã đun sôi, nấu thêm 5 phút nữa cho chiết hết các tinh chất ra. Lọc lấy nước cốt gừng, bạn có thể dùng trực tiếp hoặc pha thêm 1 thìa mật ong và 2 thìa nước cốt chanh vào, khuấy đều và dùng 1 ly 1 ngày.
Sử dụng trà hoa cúc
Hoa cúc có đặc tính chống viêm tự nhiên khá tốt nên từ lâu các lương y đã sử dụng nó như một phương dược “bỏ túi”. Dùng hoa cúc giúp làm dịu niêm mạc dạ dày – ruột đang viêm và hỗ trợ thức ăn di chuyển trong hệ tiêu hóa tốt hơn.
Cách vừa nhanh lại vừa dễ chế biến hoa cúc cho bạn trong mùa Tết bận rộn đó chính là chế biến món trà được pha với dược liệu này (trà hoa cúc).
- Cho một vài hoa cúc khô hoặc hoa cúc tươi vào ấm trà, ủ với nước sôi tầm 15 phút là bạn đã có thể thưởng thức một ly trà bông cúc thơm nứt mũi.
Sử dụng giấm táo
Ngoài chức năng cung cấp những men cần thiết, kích thích quá trình chuyển hóa, giấm táo còn làm sạch ruột, phân tán khí ứ đọng trong dạ dày.
Cách pha chế:
- Hòa 1 muỗng cà phê giấm táo với 200ml nước đun sôi để còn ấm.
Với công thức này, bạn nên dùng trước bữa ăn chính của mình nhé.
Sử dụng quế
Song hành với gừng và nghệ, quế cũng được xếp vào nhóm những gia vị thông dụng có tác dụng tốt lên dạ dày nói riêng, hệ tiêu hóa nói chung, và đặc biệt là chứng đầy hơi chướng bụng. Khi bữa ăn hàng ngày được bổ sung một chút quế, không những khiến bữa ăn thêm lạ miệng, mà còn giúp thải bớt lượng hơi tồn đọng trong dạ dày. Cải thiện tình trạng đầy hơi chướng bụng sau ăn.
Có 2 mẹo mà lưu truyền lâu nay về quế để chữa chứng đầy bụng khó tiêu như sau:
- Đun sôi 250ml nước, thêm ½ muỗng cà phê quế vào nấu thêm 5 phút. Sau đó bạn gạn lấy phần nước và uống sau khi ăn.
- Bạn có thể cho ½ muỗng bột quế vào ly sữa ấm, dùng khi bị chướng bụng khó tiêu.
Sử dụng tỏi
Một hợp chất trong tỏi có tên là allicin là một thành phần kháng sinh tự nhiên giúp kiểm soát lượng vi khuẩn có hại trong đường ruột. Từ đó giải quyết được cơn chướng bụng khó chịu
Có 2 cách thức để sử dụng tỏi để một mùa tết không lo căng bụng đầy hơi:
- Cách 1: Lấy 1 thìa nước cốt tỏi pha với nước ấm uống mỗi ngày 2 lần
- Cách 2: Dùng 2 tép tỏi, 1 ít tiêu đen và 1 chút hạt thì là, đem pha với nước sôi giống như hãm trà. Lọc lấy nước uống dần trong ngày.
Sử dụng lá ổi
Trong lá ổi có chứa một hoạt chất kỳ diệu gọi là tanin. Các nhà khoa học đã chứng minh được công dụng của tanin giúp se niêm mạc ruột, ức chế sự hoạt động của vi khuẩn có hại và cải thiện tâm trạng của bạn.
Cách sử dụng lá ổi như sau:
- Hái 7 – 10 lá ổi non, rửa sạch, và ngâm với nước muối loãng
- Xay nhuyễn lá ổi với 1 ly nước
- Lọc lấy nước cốt chia uống 2 lần trong ngày
Nếu dùng nước lá ổi lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy chưa quen bởi vị hơi chát một chút. Để dễ uống hơn thì Mẹ và Con khuyên bạn nên thêm một chút mật ong vào và thưởng thức thành quả nhé..
Sử dụng rượu táo mèo
Rượu táo mèo vốn được xem là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, và là một bài thuốc dân gian lâu đời. Không chỉ giúp hạ mỡ máu, tăng cường miễn dịch mà còn được dùng như phương thuốc cổ truyền ức chế các loại vi khuẩn độc tính cao như E.coli hay lỵ trùng, vốn là những tác nhân gây đầy bụng, tiêu chảy thường gặp xứ nhiệt đới.
- Bạn có thể dùng trong bữa ăn từ 1 – 2 chén rượu táo mèo (loại rượu táo đã ủ 1 – 2 tháng). Có thể pha chung với một chút lá bạc hạ để tăng thêm mùi thơm cũng như tăng thêm công dụng ấm bụng, giải quyết tình trạng khó tiêu.
Sử dụng chanh
Bắt đầu một ngày mới với một ly nước chanh ấm buổi sáng, không những hỗ trợ hệ tiêu hóa mà còn làm khoan khoái tâm trạng cho một ngày mới nhiều năng lượng. Nguyên nhân là lượng acid nhỏ trong chanh sẽ giúp kích thích cho dạ dày bắt đầu hoạt động, tránh được tình trạng “ì ạch” – là nguyên nhân khiến bạn khó tiêu, đầy hơi chướng bụng.
Thế nhưng nếu bạn được chẩn đoán là viêm loét dạ dày trước đây đang phải điều trị, thì hãy hãy dùng ly nước chanh này sau bữa ăn sáng bạn nhé!
Sử dụng đu đủ
Quả đu đủ có chứa một loại men tiêu hóa có tên gọi là papain, chất này giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu hoạt động trơn tru hơn, việc đào thải các hơi ứ đọng cũng thuận lợi hơn.
Với đu đủ bạn có thể dùng quả chính hoặc dùng đu đủ non để nấu canh hoặc chế biến những món ăn trong ngày tết.
Nhưng có một điểm lưu ý với bạn, nếu bạn đang điều trị chứng viêm loét dạ dày tá tràng, thì không nên dùng nhiều đu đủ bạn nhé.
Một số cách chữa đầy hơi chướng bụng khác
Chườm nóng
Phương pháp này thật ra khá đơn giản! Bạn ấy một chai nước hoặc túi nước nóng để chườm lên phần bụng trên. Bạn cũng có thể thay bằng một tấm khăn sạch nhúng ngập trong nước ấm, vắt ráo nước rồi chườm lên bụng. Theo dõi trong 20 phút để xem thành quả nhé.
Khi bạn dùng hơi nóng áp lên thành bụng, sức nóng giúp cải thiện lưu thông mạch máu, kích thích sự hấp thu tại ruột. Từ đó xua tan những cơn đầy hơi chướng bụng.
Khi thực hiện phương pháp này, bạn cần tránh dùng nước quá nóng có khả năng gây bỏng và không thực hiện phương pháp này cho các mẹ bầu vừa sinh hay trẻ nhỏ.
Tập yoga cũng giúp chữa đầy hơi chướng bụng
Tập yoga dưỡng khí cũng là một biện pháp đơn giản để loại bỏ cảm giác khó chịu vùng bụng. Đây có thể xem là một biện pháp bạn có dùng dài hạn, không chỉ cho hệ tiêu hóa nói chung mà còn sức khỏe nói riêng.
Nếu bạn là người hâm mộ của trường phái yoga hay chỉ đơn giản là tìm kiếm một cách để làm dịu đi chứng đầy hơi một cách dài hạn thì chắc hẳn bạn sẽ thích phương pháp này.
Một số động tác yoga đơn giản có thể giúp bạn nhanh chóng loại bỏ cảm giác khó chịu, nặng nề ở bụng do đầy hơi, chướng khí.
Massage đẩy lùi đầy hơi chướng bụng
Theo Đông Y, trên bụng của bạn có một số huyệt đạo giúp tăng cường hoạt động chức năng tiêu hóa (từ Hạ Tiêu, Trung Tiêu, Thượng Tiêu,…). Bạn có thể kích hoạt các hệ huyệt này với một động tác đơn giản như sau:
- Khép các ngón tay lại, bắt đầu đặt tay tại sát ngay dưới rốn. Theo căn bản của Đông Y, với nam thì nên đặt tay trái, còn với nữ thì nên đặt tay phải bạn nhé!
- Sau đó ấn nhẹ và bắt đầu xoa thuận chiều kim đồng hồ
- Sau 3 phút nghỉ một chút rồi lặp lại động tác này.
Việc massage nên thực hiện một cách nhẹ nhàng, bạn có thể chọn cho mình tư thế nằm nghỉ hoặc trong lúc ngồi tựa lưng thư giãn. Khi bạn massage như vậy sẽ hỗ trợ cho việc lưu thông thông của hệ tiêu hóa, giúp khả năng co bóp và hấp thu đều trở nên tốt hơn.
Đẩy lùi nhanh triệu chứng đầy hơi chướng bụng bằng thuốc
Trong một số trường hợp khi các mẹo điều trị tại nhà không hiệu quả, bạn cần phải đến khám với các chuyên gia để đánh giá tình trạng đầy hơi chướng bụng của mình. Khi thăm khám tại các phòng khám với triệu chứng đầy hơi chướng bụng, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn một trong những loại thuốc sau đây:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có tác dụng giảm tiết axit dạ dày, dùng trong đầy hơi chướng bụng do bệnh viêm loét. Tuy nhiên bạn nên dùng theo chỉ định của bác sĩ vì dùng không thích hợp sẽ khiến tình trạng đầy hơi của bạn trầm trọng hơn.
- Thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày (metoclopramid) có chức năng tăng trương lực dạ dày, lành “nhanh” quá trình đẩy thức ăn xuống ruột, hỗ trợ làm tăng nhu động ruột, làm giảm hiện tượng đầy hơi, chướng bụng.
- Một số enzym tiêu hóa hỗ trợ (như men tụy,..) để tăng cường tiêu hóa ở các bệnh tiêu hóa mãn tính
- Probiotic – Vốn là một cách thức hiệu quả trong quá trình hồi phục loại các chủng vi khuẩn có lợi, nói cách khác là những cư dân sống ôn hòa tại đường ruột. Bạn có thể hỗ trợ bổ sung Probiotic bằng một số món ăn ngay tại căn bếp của mình.
Cách “xử lý” đầy hơi chướng bụng đơn giản
Với 10 phương pháp trên đây là những mẹo vặt điều trị tại nhà, để thực hiện một cách hiệu quả, bạn sẽ cần để ý một vài điểm quan trọng sau đấy nhé.
- Nên ăn nhiều rau: Nếu chất đường bột là bạn của não bộ thì chất xơ lại là bạn chí cốt của đường tiêu hóa. Ăn nhiều xơ giúp bạn không bị táo bón, giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột. Với 38g xơ cho nam và 25g xơ cho nữ mỗi ngày (tương đương 400 – 600 gram rau sạch) sẽ giữ cho đường tiêu hóa bạn một sức khỏe cực tốt.
- Giảm dùng các loại nước có ga: Thay vào đó bạn có thể dùng nước lọc, nước ép trái cây, hoặc một số món nước tăng cường hệ vi sinh đường ruột như sữa dừa, kombucha,…
- Tạo thói quen ăn uống tốt. Tránh ăn quá no hay vừa ăn vừa làm việc (xem tivi, trò chuyện, dùng thiết bị điện tử,…). Nhất là những ngày xuân sẽ không tránh khỏi được những bữa tiệc “khó từ chối”.
- Bổ sung probiotic: Một số cách bạn có thể chọn như dùng thêm men tiêu hóa, dùng sữa chua, dùng kefir,… giúp ổn định hệ tiêu hóa của bạn. Loại bỏ các vi khuẩn độc hại trong đại tràng.
- Viết nhật ký thực phẩm hàng ngày, việc này giúp bạn biết được những món nào là “không hợp”, từng bước hoàn thiện thực đơn của riêng bạn
- Nếu đang điều trị một bệnh nào đó bằng thuốc, mà những viên thuốc này có tác dụng phụ là đầy hơi chướng bụng, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị để điều chỉnh. Không nên ngại trao đổi vấn đề sức khỏe của bản thân với bác sĩ đâu nhé.
Đầy hơi chướng bụng là một biểu hiện của hệ tiêu hóa “không khỏe”. Có thể là một dấu hiệu lành tính và bạn có thể xử lý ngay với 10 mẹo trên. Tuy nhiên nếu đã áp dụng một số phương pháp mà tình trạng không được cải thiện, hoặc có biểu hiện khác thường, hãy đến phòng khám gặp bác sĩ để có những can thiệp chuyên sâu hơn. Bởi vì đến cuối ngày khi nhìn lại, không điều gì quý hơn những phút giây khỏe mạnh mà bạn có thể dùng những người mình yêu thương.