Thống kê ở riêng Việt Nam cho thấy có 40% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thiếu kẽm. Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh, do đó, là việc mà cha mẹ nên lưu ý.
Trẻ được bổ sung đủ kẽm sẽ ăn ngon, ngủ ngon, phát triển chiều cao tốt, trẻ khỏe mạnh và ít bệnh vặt. Vậy làm thế nào để biết bé có thiếu kẽm không? Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là đủ? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Vai trò của kẽm cho trẻ sơ sinh
Kẽm là vi chất thiết yếu cho cơ thể người. Kẽm tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất enzyme từ đó thúc đẩy tổng hợp protein. Kẽm giúp vận chuyển canxi, biệt hóa tế bào miễn dịch lympho B và lympho T. Từ đó cơ thể bé sẽ phát triển hệ miễn dịch, chiều cao, cơ xương… Một hệ thống miễn dịch tốt là cực kỳ quan trọng đối với trẻ sơ sinh để trẻ không bị ốm vặt, bú khỏe, ngủ ngon.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị thiếu kẽm rất phổ biến. Đặc biệt là các bé sinh non, các bé sơ sinh mắc bệnh lý khác càng dễ bị thiếu kẽm. Nhu cầu kẽm của bé tăng tỷ lệ thuận với tuổi, do đó, trẻ sơ sinh thiếu kẽm thì tình trạng thiếu hụt sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Nhu cầu kẽm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nhu cầu kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trung bình như sau:
- Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi: 2mg/ngày;
- Trẻ từ 7 – 11 tháng tuổi: 3mg/ngày;
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 3mg/ngày;
- Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 5mg/ngày;
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng kẽm trong sữa mẹ, giống như các vitamin và khoáng chất khác như canxi và phốt pho, có thể không phải là liều tối ưu cho các bé sinh non hoặc có bệnh lý.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu kẽm
Biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ nhỏ khó nhận biết, do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu bé bị thiếu kẽm sau đây để kịp thời kiểm tra, bổ sung cho con:
- Trẻ thiếu kẽm hấp thu kém nên trẻ suy dinh dưỡng nhẹ, chậm tăng trưởng, người gầy gò.
- Trẻ bị rối loạn chuyển hóa, bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn trớ và táo bón nhẹ.
- Thiếu kẽm khiến thần kinh não bộ bị rối loạn, trẻ dễ khóc đêm, khó ngủ, thường thức giấc giữa đêm. Bé thường dễ bị kích thích, cáu gắt và thờ ơ với xung quanh. Trường hợp thiếu kẽm nặng có thể làm não chậm phát triển, hệ thần kinh vận động kém, rối loạn vị giác khứu giác…
- Tổn thương mắt như khô mắt, sợ ánh sáng…
- Các vết thương lâu lành, trẻ dễ bị viêm da, khô da, viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng…
Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh thế nào?
Khi nghi ngờ trẻ bị thiếu kẽm bạn có thể đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và có chẩn đoán chính xác. Trường hợp thiếu kẽm bé sẽ được chỉ định bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh với liều lượng phù hợp. Bạn lưu ý, chỉ bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh khi trẻ thiếu kẽm thể hiện qua các biểu hiện lâm sàng và chỉ số xét nghiệm sinh hóa.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nguồn kẽm chính đến từ sữa mẹ. Sữa mẹ vừa giàu kẽm vừa có nhiều kháng thể cũng như các vi chất thiết yếu khác. Trong trường hợp trẻ bú mẹ hoặc bú mẹ một phần, mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng của mình để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu kẽm cho trẻ.
Các loại thực phẩm giàu kẽm gồm tôm, cua, thịt đỏ, trứng, đậu nành, các loại hạt. Mẹ cũng nên dùng các loại trái cây, rau củ giàu vitamin C như ổi, cam, bưởi, súp lơ, kiwi… vì vitamin C giúp cơ thể hấp thụ kẽm tốt hơn. Mẹ có thể dùng thêm thực phẩm chức năng để bổ sung kẽm liều cao.
Tuy nhiên, mẹ phải hết sức cẩn thận vì dùng quá liều kẽm có thể gây ngộ độc cấp dẫn tới ho sốt, khó thở, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, suy giảm miễn dịch…
Trong trường hợp bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh trực tiếp qua đường uống thì phải dùng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bé cũng có thể được chỉ định dùng sữa cho trẻ sinh non với hàm lượng kẽm cao hơn sữa công thức thông thường.
Lưu ý khi bổ sung kẽm
Bổ sung kẽm trong bao lâu?
Thời điểm dùng kẽm tốt nhất là sau bữa ăn 30 phút. Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh trong 2-3 tháng sau đó tạm dừng để đánh giá lại tình hình.
Tương tác thuốc
Không nên dùng kẽm đồng thời với khoáng chất khác như sắt, canxi vì sẽ làm giảm hấp thu kẽm. Nếu cần bổ sung nhiều loại, nên bổ sung kẽm cách 2 tiếng với khoáng chất khác.
Dấu hiệu bổ sung quá liều kẽm
Cũng như thiếu kẽm, khi trẻ bị thừa kẽm cũng có các dấu hiệu nhận biết khá rõ rệt:
- Biếng ăn, bỏ bú do thừa kẽm khiến bé bị đắng miệng, thậm chí mất vị giác.
- Các triệu chứng ho sốt, đau đầu, ớn lạnh giống như cúm.
- Rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc táo bón.
- Trẻ bị thiếu đồng do kẽm lẫn đồng cạnh tranh nhau để được hấp thụ ở ruột non. Thiếu đồng dẫn tới thiếu máu nội bào và giảm bạch cầu trung tính.
Dù kẽm rất quan trọng và tỷ lệ trẻ bị thiếu kẽm cao, không phải lúc nào cũng cần bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh. Bất kỳ loại dưỡng chất nào nói chung và kẽm nói riêng khi dùng quá nhiều cũng có thể dẫn tới tác dụng phụ không mong muốn. Nếu bạn lo lắng bé bị thiếu chất, tốt hơn hết là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh hoặc chọn loại sữa công thức đúng tuổi. Chỉ nên bổ sung trực tiếp cho trẻ sơ sinh khi có chỉ định của bác sĩ mẹ nhé.