Hội chứng sợ người lạ, một vấn đề mà nhiều người đang gặp phải hiện nay. Hội chứng này diễn tả nỗi ám ảnh của một người khi phải giao tiếp với những người mà mình không quen biết.
Hội chứng sợ người lạ là gì ?
Chứng sợ người lạ (những người không quen biết với bạn) là một tình trạng phổ biến và xuất hiện nhiều trong cuộc sống của chúng ta mà đôi khi bạn không nhận ra. Một người mắc hội chứng sợ người lạ sẽ sợ hãi, thậm chí căm ghét khi phải gặp gỡ, tiếp xúc với một người mà bạn không quen biết. Rộng hơn, bạn có thể cảm thấy sợ khi phải tiếp xúc với một môi trường mới, một nền văn hóa mới.
Tâm lý sợ người lạ có thể khiến bạn trở nên xa cách hơn với mọi người, bị hiểu lầm và đánh giá là một người lạnh lùng, xa cách, khó gần. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn với bạn trong việc giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ với những người xung quanh bạn.
Xem thêm: Tự kỷ thiên tài là gì ?
Triệu chứng, nguyên nhân hội chứng sợ người lạ
Triệu chứng thường gặp
Một người mắc chứng sợ người lạ sẽ có biểu hiện như thế nào? Đây là những dấu hiệu để nhận biết một người có hội chứng sợ người lạ?
Bạn sẽ thấy, một người sợ người lạ có những triệu chứng gần giống với người hướng nội. Họ tỏ ra không thoải mái khi ở trong một đám đông nhiều người, đặc biệt là khi họ không quen biết với những người đó. Lúc này, người gặp hội chứng sợ người lạ dễ có tình trạng chảy mồ hôi, run rẩy, nói năng không trôi chảy, không tự tin, tức ngực, buồn nôn, ớn lạnh, mặt đỏ bừng hoặc tim đập nhanh…
Người mắc hội chứng sợ người lạ sẽ cảm thấy sợ hãi với bất kỳ người nào mà mình gặp nếu chưa biết gì về người đó. Dù “người lạ” mà bạn đối diện là trẻ em hay người lớn, trông có vẻ hiền lành hay không, dù bạn biết họ vô hại thì tận sâu trong thâm tâm bạn vẫn có những nỗi sợ vô hình. Bạn sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh né ở gần hay phải giao tiếp với họ và có xu hướng tự cô lập mình.
Nếu ở gần người lạ, bạn sẽ cố gắng để tìm kiếm những người thân quen xung quanh để trò chuyện hoặc cố tỏ ra bận rộn, bấm điện thoại để không phải đối diện với những người mà bạn không quen biết. Trong trường hợp bị ép giao tiếp, bạn có thể hoảng sợ đến bật khóc, tỏ ra tức giận hoặc đau khổ,…
Những người không biết về hội chứng sợ người lạ sẽ dễ cho rằng bạn đang làm quá, phản ứng thái quá về một vấn đề hay bạn là một người kiêu căng, khó gần, khó tiếp xúc.
Nguyên nhân
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể giải thích được nguyên nhân của hội chứng sợ người lạ này. Theo các chuyên gia tâm lý và sức khỏe, tình trạng sợ người lạ có thể là sự kết hợp của đặc điểm tính cách (thường gặp ở những người nội tâm không thích tiếp xúc nhiều với người khác), di truyền, quá khứ từng bị tổn thương hay đối mặt với những việc không tốt do người lạ gây nên,…
Thậm chí, một số người cảm thấy sợ người lạ chỉ vì chứng kiến câu chuyện từ những người bạn bè, người thân xung quanh mình. Và người mắc hội chứng sợ người lạ cũng thường bị rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng, trầm cảm. Do đó, các chuyên gia đang đặt nghi vấn liệu có mối liên hệ nào giữa các bệnh tâm lý này hay không.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ người lạ
Người rơi vào tình trạng sợ người lạ rất dễ tự cô lập chính mình, không có bạn bè xung quanh bởi họ rất khó để mở lòng, giao tiếp với mọi người. Vòng tròn quan hệ của bạn càng bị thu hẹp thì công việc, học tập của bạn càng bị ảnh hưởng.
Khi không thể trò chuyện, trao đổi với mọi người, bạn sẽ rất khó để chứng tỏ bản thân mình, được mọi người yêu mến, tin cậy. Điều này không chỉ khiến bạn khó thăng tiến mà còn dễ khiến mọi người xung quanh không yêu thích bạn.
Nếu bạn không thể kiểm soát tình trạng mắc hội chứng sợ người lạ của mình, bạn sẽ dễ có những hành động tấn công đối phương, phân biệt đối xử giữa người quen – người lạ, thù ghét mọi người,…
Xem thêm:
- Hội chứng trầm cảm hậu phim ảnh và 3 cách “cắt đứt” tâm trạng bất ổn
- Làm sao nhận thức bản thân đang gặp phải hội chứng ái kỷ NPD?
Làm thế nào để vượt qua cảm giác sợ người lạ?
Thật khó để chúng ta vượt qua một nỗi sợ vô hình nào đó, dù cho đó là sợ ma, sợ người lạ, sợ đám đông, sợ phải phát biểu trước nhiều người,… Vậy làm sao để cải thiện nếu chẳng may mắc phải hội chứng sợ người lạ?
Cách điều trị hội chứng sợ người lạ
Các trường hợp rơi vào tình trạng sợ người lạ thường được điều trị bằng liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT), tức một trong những loại tâm lý trị liệu. Lúc này, bạn sẽ trò chuyện, tâm sự với một bác sĩ tâm lý hoặc một nhà trị liệu về tình trạng bệnh của mình, cảm giác của mình và các vấn đề mà mình gặp phải.
Việc được lắng nghe và được nói ra có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý cũng sẽ nắm được tình trạng sức khỏe tinh thần của bạn và từ đó đưa ra những lời khuyên, giải pháp phù hợp.
Song song đó, bạn cũng có thể tự đối diện và khắc phục hội chứng sợ người lạ của mình bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cố gắng ngủ đủ giấc. Khi sức khỏe thể chất được cải thiện, sức khỏe tinh thần của bạn cũng được nâng cao, bạn sẽ đỡ cảm thấy lo lắng hơn.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng hít thở sâu, thư giãn để giảm thiểu lo lắng. Không nên dùng caffeine và rượu, đặc biệt là trước khi đến một sự kiện nào đó có nhiều người. Các chất kích thích có thể làm thay đổi tâm trạng của bạn, khiến tâm trạng bạn tồi tệ hơn và bạn cảm thấy chán ghét những người mà mình giao tiếp hơn.
Và đừng quên giữ kết nối, thường xuyên trò chuyện với những người xung quanh mình. Điều này giúp bạn thoải mái hơn khi đón nhận sự yêu thương của mọi người, từ đó biết rằng những người xung quanh mình không tệ như mình nghĩ.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc hội chứng sợ người lạ, hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài trên 6 tháng hoặc bạn có những phản ứng tiêu cực quá mức với những người lạ xung quanh (muốn cãi nhau với họ, cảm thấy ác cảm với tất cả mọi người,…).
Nếu bạn không thể ngừng cảm giác lo lắng và điều này khiến chất lượng cuộc sống của bạn bị thay đổi, hãy chủ động trao đổi với bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Hội chứng sợ người lạ chính là rào cản của bạn trong giao tiếp, ảnh hưởng đến học tập, công việc và chất lượng cuộc sống. Vì thế, hãy mạnh dạn tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý cũng như chủ động thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn bạn nhé.