Rubella bẩm sinh gây ra hàng loạt dị tật bẩm sinh cho trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. May mắn là hiện tại đã có vaccine phòng bệnh giúp giảm mạnh tỷ lệ mắc hội chứng này. Đây là bệnh không thể điều trị, cực kỳ nguy hiểm cho thai nhi và trẻ sơ sinh, bạn không được chủ quan mà hãy tìm hiểu kỹ để phòng tránh.
Bệnh Rubella bẩm sinh ở trẻ là gì?
Rubella còn có tên gọi khác là bệnh Sởi Đức. Tác nhân gây bệnh là virus RNA Rubella thuộc họ Togaviridae. Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh đặc biệt là trong thời tiết lạnh. Con đường lây nhiễm chính là đường hô hấp và từ mẹ sang con trong khi mang thai.
Khi mẹ bị nhiễm Rubella thì sẽ xuất hiện triệu chứng ho sốt, phát ban có thể kèm ngứa. Bệnh nhẹ và tự khỏi trong vòng 3 ngày. Lưu ý có khoảng 20 – 25% người nhiễm Rubella không có biểu hiện lâm sàng. Lúc này, việc khám thai định kỳ đầy đủ là cực kỳ quan trọng để kịp thời phát hiện Rubella.
Thai nhi có nguy cơ cao mắc các bất thường bẩm sinh nếu bị nhiễm virus trong 16 tuần đầu tiên của thai kỳ, đặc biệt là trong 8 đến 10 tuần đầu tiên. Cụ thể thì tỷ lệ trẻ bị lây Rubella từ mẹ sang như sau:
- Tháng đầu tiên: 81 – 90%;
- Tháng thứ hai: 60 – 70%;
- Tháng thứ ba: 35 – 50%;
- Thai được 13 – 16 tuần: 17%;
- Thai được 17 – 20 tuần: 5%;
Sau khi thai được 20 tuần tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh giảm dần xuống còn 0 – 5%. Số liệu thống kê cũng cho thấy có 25% trẻ nhiễm virus gặp các dị tật và hậu quả của Rubella bẩm sinh.
Theo đó, trẻ sơ sinh nếu nghi ngờ mắc Rubella bẩm sinh thì nên được xét nghiệm kháng thể và lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện virus. Ngoài ra cũng có thể chẩn đoán trước sinh bằng cách xét nghiệm virus trong nước ối, xét nghiệm máu hoặc sinh thiết gai rau.
Chẩn đoán Rubella bẩm sinh
Hội chứng Rubella bẩm sinh được chẩn đoán xác định ở trẻ sơ sinh có các dấu hiệu:
- Phát ban ngay khi chào đời hoặc xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi sinh.
- Mẹ có tiền sử nhiễm Rubella khi mang thai
- Bệnh nhi có gan và lá lách to, vàng da
- Xét nghiệm kháng thể trong máu cuống rốn tìm thấy cả IgG và IgM dương tính với Rubella.
Các xét nghiệm khác bao gồm kiểm tra công thức máu, chọc dịch não tủy, chụp x-quang xương tìm dấu hiệu xương tăng sáng. Khám mắt và đánh giá các tổn thương tim mạch cũng cần được thực hiện.
Hậu quả khi bé bị Rubella bẩm sinh
Rubella bẩm sinh nguy hiểm vì gây ra nhiều dị tật, biến chứng và không có cách điều trị tận gốc. Các biến chứng dù nhẹ hay nặng trong giai đoạn sơ sinh cũng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ sau này.
Hậu quả khi bé bị Rubella bẩm sinh nghiêm trọng thế nào còn phụ thuộc vào thời điểm thai nhi nhiễm virus cũng như ảnh hưởng của virus lên tim mạch, hệ thần kinh. Có tới 20% trẻ nhiễm phải Rubella bẩm sinh mắc phải triệu chứng nặng dẫn đến tử vong.
Trong đó, một số hậu quả điển hình của hội chứng Rubella bẩm sinh gồm:
- Trẻ sinh non, nhẹ cân, các cơ quan kém phát triển hoặc dị tật.
- Dị tật ở tim: hở van tim, hẹp động mạch phổi, thông liên thất, thông liên nhĩ hoặc còn ống động mạch.
- Hệ thần kinh: Viêm màng não, chậm phát triển cả tâm thần lẫn thể chất, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
- Đục thủy tinh thể, các bệnh lý võng mạc, tăng nhãn áp…
- Điếc do tổn thương thần kinh
- Dị tật khác ở phổi, cơ xương khớp, thiếu máu…
Nặng hơn thì có thể dẫn tới thai chết lưu.
Điều trị hội chứng Rubella bẩm sinh
Hiện nay cũng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các trẻ bị nhiễm Rubella bẩm sinh được tập trung điều trị biến chứng. Trẻ được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm Rubella trong thời kỳ mang thai cần được theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện và khắc phục.
Một số ý kiến có thể khuyên dùng globulin miễn nhiễm không đặc hiệu (0,55 mL/kg, TB) cho những bà bầu nhiễm Rubella trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tuy vậy, việc điều trị này cũng không ngăn chặn nhiễm virus sang thai nhi, và chỉ nên sử dụng cho những phụ nữ từ chối chấm dứt thai kỳ.
Phòng ngừa Rubella bẩm sinh
Bệnh Rubella hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các chương trình tiêm chủng. Trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng đầy đủ các mũi bệnh như khuyến cáo. Phụ nữ chưa có thai và chưa có miễn dịch với Rubella thì nên tiêm chủng và tiêm nhắc lại. Sau khi chủng ngừa, khuyến cáo không mang thai ít nhất trong vòng 28 ngày.
Tốt hơn hết thì nên đợi hẳn 3 tháng sau khi tiêm để chắc chắn. Tuyệt đối không chủng ngừa Rubella khi đã mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
Để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh, phụ nữ khi mang thai nên hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ nhiễm Rubella hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu có các triệu chứng như ho sốt, chảy nước mũi, phát ban thì mẹ nên đến cơ sở y tế kiểm tra, xét nghiệm xem có dương tính với virus Rubella hay không.
Chính vì khi bà bầu nhiễm Rubella gần như không có cách điều trị nào để giảm nguy cơ lây Rubella sang thai nhi nên rất cần mẹ tiêm chủng trước khi mang thai. Việc tiêm chủng vaccine hiện nay rất dễ dàng, nếu có ý định mang thai thì chị em hãy nhớ tìm hiểu và tiêm chủng để tránh nguy cơ không đáng có cho bé nhé.