Nỗi sợ bị bỏ lỡ, hay FOMO (Fear Of Missing Out), đề cập đến cảm giác hoặc nhận thức rằng những người khác đang có nhiều niềm vui hơn, sống cuộc sống tốt hơn hoặc trải nghiệm những điều tốt đẹp hơn bạn. Nó liên quan đến cảm giác ghen tị sâu sắc và ảnh hưởng đến lòng tự trọng.
Bên cạnh đó, FOMO còn khiến bạn có cảm giác rằng mình đang bỏ lỡ điều gì đó quan trọng mà những người khác đang trải qua ngay trong thời điểm hiện tại.
Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, một phần do sự xuất hiện của mạng xã hội, và có thể gây ra căng thẳng đáng kể cho bạn. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn.
Sau đây là những điều nên biết về Nỗi sợ bị bỏ lỡ FOMO, cách nhận diện hội chứng này trong cuộc sống và làm thế nào quản lý FOMO để ngăn nó ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc của chúng ta.
Lịch sử ra đời của FOMO
Ý nghĩ “Tôi có thể đang bỏ lỡ một khoảng thời gian thú vị nào đó” không phải là quá xa lạ đối với thời đại của chúng ta. Bởi nó đã tồn tại hàng thế kỷ (rất nhiều bằng chứng về FOMO trong các văn bản cổ đã được ghi nhận), nhưng nó chỉ mới được nghiên cứu trong vài thập kỷ qua, bắt đầu với một bài báo nghiên cứu năm 1996 của nhà chiến lược tiếp thị, Tiến sĩ Dan Herman, người đã đặt ra thuật ngữ “Nỗi sợ bị bỏ lỡ.”
Tuy nhiên, kể từ khi mạng xã hội ra đời, FOMO đã trở nên rõ ràng hơn và được nghiên cứu thường xuyên hơn. Phương tiện truyền thông xã hội đã đẩy nhanh hiện tượng FOMO theo nhiều cách. Nó đặt chúng ta vào tình huống so sánh cuộc sống của mình với những điều được thấy về cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội.
Do đó, cảm giác của bạn trở nên sai lệch và bạn có cảm giác mình kém hơn so với người khác. Mạng xã hội tạo cơ hội để khoe khoang, nơi mà mọi thứ và thậm chí cả hạnh phúc cũng như đang cạnh tranh với nhau. Điều này có thể khiến bạn tự hỏi “Tôi còn thiếu điều gì, Tôi có phải là người kém cỏi không…”.
Lấy cảm hứng từ Nỗi sợ bị bỏ lỡ FOMO, một số khái niệm liên quan khác cũng đã xuất hiện:
- FOBO (Sợ hãi về các lựa chọn tốt hơn): Đề cập đến việc bạn sợ mình bỏ lỡ các lựa chọn thay thế tiềm năng hơn.
- MOMO (Mystery of Missing Out): Đề cập đến nỗi sợ hãi bỏ lỡ, nhưng không có bất kỳ manh mối nào về những gì đang bỏ lỡ.
- FOJI (Sợ tham gia): Nỗi sợ chia sẻ mọi thứ trên mạng xã hội nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
- JOMO (Joy of Missing Out): Điều này trái ngược với FOMO và đề cập đến cảm giác tích cực về việc bỏ lỡ hoặc ngắt kết nối với mạng xã hội.
Những nghiên cứu về Nỗi sợ bị bỏ lỡ
Các trang mạng xã hội
Không có gì ngạc nhiên khi thanh thiếu niên thường sử dụng mạng xã hội dễ mắc hội chứng FOMO. Và như một vòng lẩn quẩn, FOMO hoạt động như một cơ chế kích hoạt mức sử dụng mạng xã hội cao hơn.
Các bé gái bị trầm cảm có xu hướng sử dụng các trang mạng xã hội nhiều hơn trong khi đối với các bé trai, sự lo lắng là nguyên nhân khiến các em sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Điều này cho thấy, sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến tỷ lệ căng thẳng do FOMO gây ra cao hơn.
FOMO theo tuổi và giới tính
Mọi người đều có thể có nguy cơ gặp chứng FOMO. Một nghiên cứu trên Tạp chí Psychiatry Research cho thấy, nỗi sợ bị bỏ lỡ có liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội nhiều hơn và mối liên hệ này không liên quan đến tuổi tác hay giới tính.
Thanh thiếu niên và thanh niên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi FOMO. Nhìn thấy bạn bè và những người khác đăng bài trên mạng xã hội có thể dẫn đến sự so sánh và nỗi sợ hãi về việc bỏ lỡ những điều mà mọi người đang trải qua.
Nghiên cứu cho thấy rằng ở một số thanh thiếu niên, FOMO có thể đóng một vai trò trong:
- Sự lo ngại
- Sự chán nản
- Lòng tự trọng thấp
- Hành vi rủi ro
FOMO có thể góp phần tạo ra áp lực từ bạn bè, khiến thanh thiếu niên tham gia vào các hành vi rủi ro mà lẽ ra họ có thể tránh. Vì bộ não vẫn đang phát triển nên thanh thiếu niên có thể thực hiện những hành động như vậy mà không cân nhắc đến hậu quả lâu dài.
Đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống
Một bài báo chuyên ngành đã tìm thấy một số xu hướng liên quan đến FOMO. Nỗi sợ bị bỏ lỡ được phát hiện có liên quan đến cảm giác thấp hơn về việc đáp ứng nhu cầu của một người cũng như cảm giác hài lòng với cuộc sống nói chung thấp hơn, góp phần tạo nên một chu kỳ tiêu cực kéo dài hơn.
Nguy cơ tiềm tàng của FOMO
Bên cạnh cảm giác bất hạnh gia tăng, nỗi sợ bị bỏ lỡ có thể dẫn đến việc tham gia nhiều hơn vào các hành vi không lành mạnh. Ví dụ như FOMO có liên quan đến việc lái xe mất tập trung, trong một số trường hợp có thể gây tai nạn nghiêm trọng.
Cách giảm thiểu FOMO
May mắn thay, bạn có thể thực hiện các bước để hạn chế nỗi sợ bị bỏ lỡ, nếu đó là điều bạn gặp phải. Nghiên cứu cho thấy rằng, nỗi sợ bị bỏ lỡ có thể bắt nguồn từ sự bất hạnh và không hài lòng với cuộc sống và những cảm giác này có thể thúc đẩy chúng ta sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Đổi lại, tương tác nhiều hơn với mạng xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân và cuộc sống của mình, chứ không phải tốt hơn. Hiểu được vấn đề nằm ở đâu có thể là bước đầu tiên để vượt qua nó. Và sau đây là những lời khuyên có thể hữu ích cho bạn.
Thay đổi trọng tâm của bạn
Thay vì tập trung vào những gì bạn thiếu, hãy chỉ để ý đến những gì bạn có. Điều này nói thì dễ hơn làm trên mạng xã hội, nơi chúng ta có thể bị tấn công dồn dập bởi những hình ảnh về những thứ mà chúng ta không có, nhưng có thể thực hiện được.
Bạn nên kết giao với nhiều người tích cực; ẩn bớt những người có xu hướng khoe khoang quá nhiều hoặc những người thường chỉ trích bạn. Bạn cũng có thể làm việc nhiều hơn để không có thời gian để lướt mạng xã hội. Thực hiện được điều này, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
“Cai” các thiết bị điện tử
Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính bảng, laptop hoặc các ứng dụng mạng xã hội có thể làm tăng Nỗi lo sợ bị bỏ lỡ. Do đó, đầu tiên là bạn cắt giảm, dần dần tiến đến việc “cai” hẳn các thiết bị điện tử khi không cần thiết để tập trung hơn vào cuộc sống của mình và không còn phải so sánh liên tục.
Nếu không thể thực hiện cắt hoàn toàn, hãy cân nhắc việc hạn chế sử dụng một số ứng dụng mạng xã hội khiến bạn cảm thấy như thể mình đang bỏ lỡ. Tạm thời xóa các ứng dụng đó, đặt giới hạn hàng ngày về mức độ sử dụng cũng là lời khuyên hữu ích.
Chọn hình thức chia sẻ trải nghiệm khác
Người ta thường đăng lên mạng xã hội để ghi lại những điều thú vị mà họ làm. Tuy nhiên, bạn có thể thấy mình chú ý quá nhiều về việc liệu mọi người có đang quan tâm đến mình hay không. Nếu đúng như vậy, bạn có thể chụp một số ảnh, ghi nhật ký cá nhân về những kỷ niệm đẹp nhất của mình có thể là trực tuyến hoặc trên giấy.
Viết nhật ký có thể giúp bạn chuyển trọng tâm từ sự tán thưởng của công chúng sang đánh giá cao sự riêng tư về những điều khiến cuộc sống của bạn trở nên tuyệt vời. Sự thay đổi này giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy của mạng xã hội và Nỗi sợ bị bỏ lỡ FOMO.
Tìm kiếm các kết nối thực sự giá trị
Bạn có thể thấy mình đang tìm kiếm một sự kết nối lớn hơn khi cảm thấy chán nản hoặc lo lắng, và điều này là lành mạnh. Cảm giác cô đơn là cách bộ não truyền đến tín hiệu rằng, chúng ta muốn tìm kiếm những kết nối lớn hơn với người khác và tăng cảm giác thân thuộc.
Thật không may, tương tác với mạng xã hội không phải lúc nào cũng là cách để đạt được điều này. Bạn có thể đang chuyển từ một tình huống xấu này sang một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn. Thay vì cố gắng kết nối nhiều hơn với mọi người trên mạng xã hội, sao bạn không sắp xếp để gặp trực tiếp ai đó?
Lập kế hoạch với một người bạn thân để tổ chức một buổi đi chơi theo nhóm hoặc tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào giúp bạn gặp gỡ bạn bè. Đó chính là cách giúp bạn trở thành trung tâm của hành động.
Tập trung vào lòng biết ơn làm giảm Nỗi sợ bị bỏ lỡ
Các nghiên cứu cho thấy rằng, tham gia vào các hoạt động nâng cao lòng biết ơn như viết nhật ký về những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn hoặc đơn giản là nói với người khác những điều bạn đánh giá cao về họ… có thể nâng cao tinh thần của bạn cũng như của những người xung quanh. Và khi làm cho người khác cảm thấy dễ chịu, bản thân bạn cũng sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Tâm trạng phấn chấn có thể là điều bạn cần để giải tỏa cảm giác chán nản hoặc lo lắng. Khi vui vẻ, lạc quan, bạn cũng không dễ bị cám dỗ phải sử dụng mạng xã hội nhiều và tình trạng FOMO cũng không có cơ hội xuất hiện. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra những gì mình cần trong cuộc sống và những người khác cũng vậy. Điều này có thể rất tốt cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.
Vậy là bạn đã khám phá xong những thông tin cơ bản nhất về Hội chứng Nỗi sợ bị bỏ lỡ. Trên thực tế, FOMO tuy có thể mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe tinh thần nhưng không phải hoàn toàn không có cách xử lý. Do đó, bạn không nên căng thẳng mà hãy làm theo những hướng dẫn từ Tạp chí Mẹ và Con nhé.
Chúc bạn áp dụng thành công và có một năm mới Quý Mão 2023 an khang thịnh vượng, vạn sự như ý với thật nhiều thành tựu cho bản thân và gia đình!