Mẹ và Con - Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) còn được biết đến với tên gọi cái chết trong nôi (crib death, cot death), mang đến nguy cơ cướp đi thiên thần nhỏ của bạn một cách nhanh chóng mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), tại Mỹ có khoảng 3.500 trẻ sơ sinh qua đời đột ngột mỗi năm. Trong số đó có đến một nửa không tìm được nguyên nhân cụ thể và được xếp vào nhóm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS). Hội chứng này thường diễn ra thầm lặng trong khi trẻ đang ngủ, gây nên sự đau lòng không thể diễn tả bằng lời.

Âm thầm nhưng vô cùng đáng sợ, hội chứng đột tử trong khi ngủ trở thành nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh. 

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

1. Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Trong năm 2015, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh đã gây ra hơn 19.200 cái chết và trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Trong số đó, khoảng 90% trường hợp xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Khi nhắc đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cần hiểu rằng đây không phải là một dạng bệnh lý hay một căn bệnh mà chính xác là một chẩn đoán kết luận khi trẻ em dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không xác định được nguyên nhân cụ thể. Thông thường, sau khi trẻ tử vong nhưng không thể tìm được nguyên nhân, chuyên gia y tế sẽ phải truy tìm lại lịch sử bệnh của trẻ, của bố và mẹ cũng như tiến hành khám nghiệm để đưa ra kết luận chính xác. 

Theo các thống kê, nguy cơ trẻ sơ sinh bị đột tử trong một tuần đầu tiên sau khi trẻ chào đời sẽ cao hơn và tỷ lệ trẻ sơ sinh trai bị đột tử cũng nhiều hơn so với các bé gái. Khung giờ phổ biến diễn ra hội chứng này là vào lúc trẻ ngủ (khoảng 10 giờ tối và 10 giờ sáng). Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh diễn ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào và thường xảy ra tại chính nơi chăm sóc trẻ. 

2. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh, khi trẻ đang khỏe mạnh và bỗng nhiên tử vong bất ngờ. Tuy nhiên, dựa theo các trường hợp xảy ra, các nhà khoa học cũng đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử. 

Có thể thấy, hội chứng này thường xảy ra do nhiều nguyên nhân, yếu tố, tính chất phối hợp như:

Tư thế ngủ của trẻ

Khi nằm ngủ, nếu trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng, úp mặt xuống hoặc bị các vật dụng như gối ngủ, chăn, gấu bông chèn tại mũi, hạn chế đường thở, gây thiếu oxy và dẫn đến tắc đường thở dẫn đến tử vong.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh 2

Tăng thân nhiệt quá mức

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể do khi chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ muốn giữ ấm cho bé nên đã mặc quá nhiều quần áo hoặc quấn quá nhiều chăn dẫn đến hiện tượng thân nhiệt tăng nhanh quá mức, tăng nhịp chuyển hóa, mất kiểm soát nhịp thở.

Bất thường của các tế bào não

Một nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh chính là do các tế bào não có chức năng điều hòa nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của trẻ đang phát triển một cách bất thường hoặc trì hoãn. Chính điều này đã dẫn đến việc tử vong không đoán trước được.

3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Tuy vẫn chưa thể kết luận chính xác đâu là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đột ngột qua đời nhưng vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ. Có thể kể đến như:

  • Giới tính: Trẻ sơ sinh là bé trai có nguy cơ tử vong cao hơn từ 30-50% so với bé gái. 
  • Thể trạng lúc sinh: Trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn.
  • Độ tuổi của mẹ: Trẻ ra đời khi mẹ còn quá trẻ (dưới 20 tuổi) có khả năng tử vong đột ngột cao hơn.
  • Sức khỏe của mẹ trong suốt thai kỳ: Nếu mẹ không được theo dõi tình trạng thai sản, chăm sóc sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong thai kỳ, trẻ sinh ra cũng dễ bị đột tử hơn. Ngoài ra, khi mang thai, việc hút khói thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích như bia rượu trước và trong thai kỳ cũng dễ khiến con có nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hơn.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh non tháng

  • Gia đình từng có con mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh: Nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cũng tăng cao hơn theo từng bé. Cụ thể, nếu trẻ trước đã từng rơi vào hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh thì nguy cơ thai nhi sau đột tử trong bụng mẹ cao hơn gấp 5 lần.
  • Từng trải qua những lần đe dọa mạng sống: Nếu bé từng trải qua các tình huống như phải hồi sức cấp cứu, ngừng thở tạm thời, tím tái phải nhập vào phòng hồi sức tích cực,… thì nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh thường cao hơn.
  • Các yếu tố khác: Ngoài ra, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong đột ngột, chẳng hạn như trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, có tình trạng thiếu máu,… 

4. Triệu chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Vì tình trạng tử vong qua đời vô cùng đột ngột nên bố mẹ sẽ không thể thấy được các dấu hiệu trước đó để có thể phòng tránh hoặc can thiệp xử lý. Trước khi qua đời, trẻ không có các dấu hiệu đau đớn, khó chịu, quấy khóc hay bỏ bữa,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể gặp các vấn đề không nghiêm trọng về dạ dày hoặc hô hấp trong một vài tuần trước đó.

5. Cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây đột tử ở trẻ sơ sinh

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh ngủ với mẹ

Vì không thể xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh nên chỉ có thể cố gắng hạn chế các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:

  • Khi mang thai, mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe thai nhi, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác
  • Đặc biệt chăm sóc, theo dõi sức khỏe cẩn thận trẻ sơ sinh thiếu cân, thiếu tháng hoặc trẻ có mẹ nghiện rượu, nghiện thuốc lá, sử dụng các chất kích thích hoặc ma tuý trong thai kỳ. Nếu mẹ ở tuổi vị thành niên, khi trẻ sinh ra cũng cần được chăm sóc cẩn thận để tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
  • Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP – American Academy of Pediatrics) đánh giá, hội chứng trẻ sơ sinh qua đời đột ngột thường có liên quan đến giấc ngủ. Do đó, nên tạo môi trường an toàn cho trẻ suốt giấc ngủ như: Điều chỉnh tư thế ngủ phù hợp, tránh cho trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng; Không trùm chăn kín đầu trẻ, không kê thêm gối hay gấu bông, đồ chơi xung quanh trẻ trong lúc ngủ; Giữ cho phòng ngủ thoáng mát, không quá nóng hoặc quá lạnh; Không đột ngột thay đổi nhiệt độ trong phòng ngủ của trẻ,…
  • Khi trẻ ngủ, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi để kịp thời điều chỉnh tư thế ngủ của trẻ
  • Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nên cố gắng để trẻ có thể được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và luôn cân bằng các chất dinh dưỡng cho trẻ
  • Tiêm các loại vắc-xin cho trẻ em để tăng cường sức đề kháng cho trẻ
  • Hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá cũng là cách để ngăn ngừa, phòng tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
  • Khi trẻ có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào, nên lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và kịp thời can thiệp, điều trị 

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh – kẻ thù thầm lặng đã cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm… Hãy bắt đầu bằng việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ để có thể bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con, bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.