Mẹ&Con - Kiến thức em đọc được trên sách báo thì vẫn khuyên không được hơ than. Nhưng thực tế, nếu việc hơ than là nguy hại thì tại sao bao nhiêu sản phụ ngày xưa họ làm mà có sao đâu?... 4 thay đổi “vùng kín” sau sinh khiến mẹ bầu sốc Kiến thức cần biết về trẻ sơ sinh Đúng và sai trong vệ sinh da cho trẻ nhỏ

Thưa bác sĩ,

Em 25 tuổi, đang mang thai bé đầu lòng được 8 tháng rồi. Em gửi mail hỏi thăm bác sĩ về chuyện hơ than sau khi sinh vì mẹ chồng em mới từ quê lên phụ chăm sóc và bà cứ nhắc mãi đến một số việc phải làm sau khi sinh, trong đó có việc hơ than.

Theo em biết thì các bác sĩ hiện giờ đều cấm không cho hơ than vì ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và bé sơ sinh. Em cũng có “tranh cãi” điều này với mẹ chồng em một lần, nhưng bà mắng át đi và còn nói là em mới sinh nở lần đầu, biết gì mà nói. Bà bảo các bác sĩ tây y nói là nói vậy thôi, chứ đến khi người thân của họ sinh nở họ vẫn áp dụng biện pháp truyền thống; và việc hơ than là rất tốt, đã được ông bà truyền lại sau bao nhiêu đời. Mẹ chồng em còn dẫn chứng ra rằng bà đã sinh cả chục đứa con mà bây giờ vẫn cứng cáp, khỏe mạnh chính là nhờ hơ than, giữ ấm kỹ lưỡng sau khi sinh nở như thế.

Thật tình em thấy dao động quá. Kiến thức em đọc được trên sách báo thì vẫn khuyên không được hơ than. Nhưng thực tế, nếu việc hơ than là nguy hại thì tại sao bao nhiêu sản phụ ngày xưa họ làm mà có sao đâu? Em cũng ngại không biết phải giải thích với mẹ chồng thế nào nếu mai mốt em sinh, bà cứ đòi hơ cho cháu và cho em mà em thì lại phản đối. Mong bác sĩ cho em một lời khuyên ạ!

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.  

N.T.N.H
(Q. Thủ Đức)

 chuyen gia mevacon

N.H thân mến,

Việc sản phụ sau khi sinh nằm trên giường, bên dưới là một lò than ấm đúng là đã được thực hiện từ nhiều thế hệ trước, đặc biệt ở những vùng hoang vu, thời tiết giá lạnh, khắc nghiệt, với mục đích là giữ ấm cho cơ thể, giúp trẻ sơ sinh và sản phụ cứng cáp hơn.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi khoa học đã phát triển, điều kiện sống của con người tốt hơn, thì người ta phát hiện ra rằng việc hơ than này mang đến cái lợi thì ít mà nguy hại thì lại lớn hơn rất nhiều. Em hãy hình dung, phòng của sản phụ và bé sơ sinh thường bao giờ cũng tương đối kín gió. Trong một không gian vốn hơi ngột ngạt, khép kín như thế mà lại đốt than lên, để than giải phóng ra một lượng khí CO2 thì sao tránh khỏi chuyện sản phụ cũng như bé sơ sinh hít phải?

Người mẹ nếu có sức khỏe tốt sẽ có thể vượt qua được, nhưng với trẻ sơ sinh thì xác suất nguy cơ trẻ bị ngạt, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đến não là không hề nhỏ. Đó là chưa kể, lò than khi nóng khi lạnh bất thường (lửa tàn sẽ lạnh đi), không điều khiển cố định được nên sản phụ và bé sơ sinh cũng bị nóng lạnh bất thường theo. Ngoài ra, việc hơ than còn có thể gây bỏng cho trẻ, làm ảnh hưởng đến vùng vết thương sau khi sinh nở của sản phụ. Đã có không ít trẻ hoặc sản phụ phải cấp cứu ở bệnh viện với tình trạng bị bỏng, da phồng rộp lên, nhiễm trùng da, vết mổ bị ảnh hưởng chỉ vì chuyện hơ than này.

Mẹ chồng em nói sao ngày xưa hơ than có bị gì đâu là chưa đúng. Chẳng qua vào giai đoạn đó, phương tiện truyền thông còn chưa rộng rãi, những trường hợp xảy ra tai nạn với việc hơ than không được biết đến, không được đưa lên báo chí, tivi, đài phát thanh và nhắc nhiều như hiện nay nên chẳng mấy người biết, chứ không phải nó không xảy ra.

Tuy nhiên, em cũng đừng “tranh cãi” căng thẳng dễ gây mất hòa khí trong gia đình. Thay vì tự nói, em có thể nhờ các bác sĩ, y tá, nhờ ông xã hoặc những người thân thiết có uy tín trong họ hàng đứng ra nói giúp, sẽ có tác dụng thuyết phục cao hơn. Nhất là với ông xã em! Vợ chồng nên cùng tham gia những lớp học tiền sản để chính anh ấy phải có những kiến thức đúng đắn về việc này. Từ đó mới có thể giúp đỡ em trong những ngày tháng sau sinh, nói đỡ với mẹ chồng trong những tình huống tế nhị, khi gặp phải sự khác biệt giữa hai thế hệ trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh được. 

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan