Mẹ và Con - Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa của cơ thể. Hiểu đúng về sa sút trí tuệ giúp bạn có thể chăm sóc bố mẹ và những người thân yêu của mình một cách tốt hơn.

Rất nhiều người trong giai đoạn lớn tuổi đã gặp tình trạng sa sút trí tuệ, trí nhớ suy giảm. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống khi họ bắt đầu dần gặp khó khăn trong việc thực hiện cả những công việc quen thuộc hằng ngày của mình.

Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thần kinh được biểu hiện bằng chứng suy giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày của mình. Bệnh lý này thường gặp nhiều ở người lớn tuổi do ảnh hưởng của quá trình lão hóa.

Tuy nhiên, một phần không nhỏ người bị sa sút trí tuệ do nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Alzheimer hoặc những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu não, có thói quen sử dụng rượu bia và chất kích thích,…

Sa sút trí tuệ là một bệnh lý có tác động lên cả thể chất và tâm lý của người bệnh, để lại những tác động nặng nề với cả người bệnh và gia đình và những người thân xung quanh của người bệnh.

sa sút trí tuệ là gì

10 Dấu hiệu sa sút trí tuệ

Những dấu hiệu nhận biết người bị sa sút trí tuệ gồm có:

  • Mất trí nhớ gần: Biểu hiện dễ thấy nhất chính là người bệnh hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi, dễ quên những vấn đề vừa diễn ra mà không thể nhớ lại được. Điều này gây nhiều khó khăn trong học tập, công việc đối với người bệnh nếu mắc bệnh ở giai đoạn còn trẻ tuổi. Trong giai đoạn cao tuổi, việc mất trí nhớ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.
  • Khó khăn trong việc thực hiện các công việc quen thuộc: Người bệnh dần không thể thực hiện các hành vi chăm sóc bản thân như tự ăn uống hay  có thể không còn nhớ ăn uống thế nào cho đúng cách hoặc không thể tự ăn uống được. Nặng nề hơn, người bệnh không thể tự là vệ sinh cá nhân, cần phải có sự giúp đỡ của gia đình.
  • Có các vấn đề về ngôn ngữ: Người bệnh quên những từ đơn giản, dùng từ không đúng, rối loạn phát âm (nói khó, nói lắp,…).
  • Rối loạn định hướng: Người bệnh bị lạc ở những nơi quen thuộc hoặc không nhớ được làm sao đến được nơi đó, không biết cách quay trở về nhà.
  • Giảm khả năng đánh giá: Người bệnh đôi khi chọn quần áo hoàn toàn không phù hợp với thời tiết hoặc với hoàn cảnh.
  • Có các vấn đề về tư duy: Sa sút trí tuệ làm người bệnh không thể thực hiện các phép tính cơ bản, không nhận biết được mặt chữ hoặc các con số, giảm khả năng điều hành hay sắp xếp công việc.
  • Quên vị trí đồ vật: Người bệnh thường xuyên đặt đồ vật vào những vị trí không thích hợp. có thể để đồ vật vào chỗ hoàn toàn không thích hợp. 
  • Thay đổi khí sắc: Người bệnh thay đổi khí sắc từ vui vẻ sang mất bình tĩnh, khóc lóc tức giận chỉ trong vài phút.
  • Thay đổi cá tính: Người bệnh trở nên dễ kích động, có biểu hiện sợ sệt, hay hoài nghi trong mọi tình huống.
  • Mất tính chủ động: Người bệnh ngày càng thụ động hơn, không còn hứng thú với công việc hằng ngày hay các thú vui trước đây mình từng yêu thích.     

dấu hiệu sa sút trí tuệ

Nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ

Chứng sa sút trí tuệ được chia thành từng nhóm và ở mỗi nhóm thì sẽ có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Cụ thể:

Chứng sa sút trí tuệ (không thể đảo ngược – do nguyên nhân thoái hóa)

Ở nhóm này, những nguyên nhân gây bệnh gồm có:

  • Bệnh Alzheimer
  • Sa sút trí tuệ mạch máu
  • Sa sút trí tuệ thể Lewy
  • Sa sút trí tuệ vùng trán
  • Sa sút trí tuệ hỗn hợp
  • Bệnh Huntington
  • Chấn thương sọ não (TBI)
  • Dịch bệnh Creutzfeldt-Jakob (hay còn gọi là bệnh bò điên)
  • Bệnh Parkinson

Chứng sa sút trí tuệ không do thoái hóa hệ thần kinh

Nếu không xuất phát từ nguyên nhân thoái hóa thì chứng sa sút trí tuệ có thể đến từ những nguyên nhân khác như:

  • Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch
  • Các vấn đề về trao đổi chất và bất thường nội tiết
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Máu tụ dưới màng cứng
  • Nhiễm độc
  • U não
  • Não úng thủy bình thường

nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ

Rất nhiều người lớn tuổi chịu ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa dẫn đến sa sút trí tuệ. Bệnh lý này cũng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, con cái khi chăm sóc bố mẹ lớn tuổi cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Người cao tuổi thường có sự thay đổi tâm lý, dễ tổn thương và kích động. Do đó nên nhẹ nhàng ở bên trò chuyện, an ủi động viên. Tốt nhất nên dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ của mình.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người sa sút trí tuệ bằng cách lựa chọn những loại thực phẩm tốt cho não, hạn chế nêm nếm nhiều muối và gia vị, tăng cường ngũ cốc và thực phẩm dinh dưỡng. Bổ sung thêm canxi, hạn chế chất béo bão hòa và ăn nhiều rau, trái cây.
  • GIúp đỡ bố mẹ chuẩn bị bữa ăn trước. Có thể chia nhỏ bữa ăn. 
  • Người bệnh có thể không nhớ mình đã ăn, uống thuốc hay chưa nên bạn có thể đặt nhắc hẹn trên các thiết bị điện tử để bố mẹ sinh hoạt điều độ hơn.
  • Thường xuyên rèn luyện trí não bằng cách chơi cờ vua, giải câu đố, thảo luận về một vấn đề nào đó,…

Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ

Biến chứng của chứng sa sút trí tuệ

Nếu không được chăm sóc đúng cách và can thiệp điều trị, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng và nặng nề như:

  • Dinh dưỡng kém: Mất phản xạ nhai và nuốt khiến người bệnh bỏ ăn, thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng và làm bệnh tình thêm nghiêm trọng, thậm chí làm giảm tuổi thọ.
  • Viêm phổi: Sa sút trí tuệ có thể gây biến chứng khó nuốt, làm thức ăn mắc nghẹn vào phổi, gây tắc thở, viêm phổi.
  • Mất khả năng sinh hoạt và chăm sóc bản thân: Ở giai đoạn nghiêm trọng, người bệnh không thể thực hiện các hành động chăm sóc bản thân như ăn uống, đánh răng, mặc quần áo,… mà không có sự hỗ trợ.
  • Mất an toàn: Người bệnh dễ bị té ngã và rơi vào các tình huống nguy hiểm, chẳng hạn như mất tập trung khi lái xe, quên tắt bếp khi nấu ăn.
  • Tử vong: Sa sút trí tuệ giai đoạn cuối có thể gây nhiễm trùng, tước đi tính mạng của người bệnh.

Sa sút trí tuệ là một căn bệnh của lão hóa thường gặp ở người cao tuổi. Chăm sóc đúng cách có thể giảm nhẹ triệu chứng và biến chứng của bệnh. Hãy cố gắng để giúp bố mẹ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này bạn nhé!

Bài viết liên quan