Mẹ và Con - Một trong những vấn đề quan trọng bạn cần chú ý khi thời tiết chuyển lạnh chính là giữ ấm cơ thể, bảo vệ sức khỏe bản thân, nhất là khi mùa Tết đang về...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cho biết, những ngày cuối tháng 12 đầu tháng 1 thời tiết sẽ trở lạnh, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc tổ quốc. Đây cũng là cơ hội để các căn bệnh tấn công chúng ta. Vì thế, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con bỏ túi ngay các cách giữ ấm cơ thể để tránh mắc bệnh vào thời điểm cận Tết này nhé!

trời lạnh

Khi trời lạnh, chúng ta thường “đối mặt” với những loại bệnh nào?

Nhiệt độ càng thấp, thời tiết càng rét buốt thì virus, vi khuẩn càng có cơ hội tấn công cơ thể con người. Nếu không chủ động tăng cường sức đề kháng, giữ ấm cơ thể, bạn sẽ có thể sẽ mắc các căn bệnh sau:

  • Cảm lạnh: Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bạn sẽ dễ bị virus tấn công đường hô hấp, khiến bạn gặp các triệu chứng như đau họng, sổ mũi, hắt hơi, sốt…
  • Viêm họng: Chỉ cần sự chênh lệch giữa nhiệt độ phòng ấm áp và nhiệt độ ngoài trời rét buốt cũng có thể khiến bạn bị viêm họng, cổ họng đau rát.
  • Cúm: Những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là trẻ em và người già trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cúm cao, nếu không chủ động giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng khi trời chuyển lạnh.

bệnh

  • Hen, suyễn: Thời tiết trở lạnh có thể khiến bệnh hen, suyễn trở nặng hơn.
  • Hội chứng Norovirus: Norovirus là một nhóm virus gây ra tình trạng dịch viêm đường ruột do virus, khiến người bệnh tiêu chảy, nôn mửa, mất nước.
  • Hạ thân nhiệt: Khi nhiệt độ hạ thấp, người già và trẻ em rất dễ bị hạ thân nhiệt dẫn đến tình trạng mơ hồ, không tỉnh táo, da tái xanh, đồng tử giãn ra, cơ thể mệt mỏi, không thể hoạt động.
  • Đau nhức khớp tay, chân: Vào những ngày mùa đông, người mắc các bệnh về xương khớp thường dễ bị đau, nhức mỏi. Đặc biệt những người thường xuyên lao động nặng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Đau tim: Nhiệt độ giảm khiến động mạch bị thu hẹp, máu không thể lưu thông ổn định chính là thủ phạm gây nên tình trạng đau tim.
  • Đau dạ dày: Các bác sĩ đã chỉ ra rằng, trời lạnh thường khiến bệnh viêm dạ dày trở nặng hơn, khiến những cơn đau ghé thăm bạn thường xuyên hơn.
  • Đột quỵ: Khi động mạch bị thu hẹp, máu có thể không lưu thông lên não kịp thời dẫn đến đột quỵ.
  • Covid-19: Theo Tiến sĩ Leana Wen – Chuyên gia phân tích y tế tại CNN, vào mùa đông, các phân tử chứa virus Covid-19 có thể tồn tại lâu hơn. Hơn nữa, lúc này mũi chúng ta thường khô hơn, dễ tổn thương hơn.

cảm cúm

9 mẹo giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh bạn cần biết

Mặc nhiều lớp quần áo

Một cách đơn giản để bạn giữ cho cơ thể luôn ấm áp khi nhiệt độ xuống thấp chính là hãy mặc nhiều quần áo hơn. Bạn có thể mặc áo thun bên trong, áo len bên ngoài và khoác thêm áo gió hoặc áo dạ ở ngoài cùng. Như vậy, bạn sẽ có thể hạn chế được tình trạng cảm lạnh trong những ngày thời tiết rét buốt này.

Giữ ấm cho phần trung tâm cơ thể

Bạn có thắc mắc vì sao vào những ngày trời lạnh, ngón tay và ngón chân của bạn thường bị lạnh buốt? Đó chính là cơ chế hoạt động của cơ thể bạn. Chúng ngừng đưa máu đến các bộ phận này để giữ ấm, bảo vệ cho phần trung tâm quan trọng của cơ thể.

Do đó, nếu muốn duy trì sự ấm áp trong những ngày thời tiết trở lạnh, bạn nên chú ý tập trung giữ ấm phần trung tâm cơ thể trước tiên thay vì chỉ mang găng tay, vớ vì cảm thấy bàn tay, bàn chân lạnh cóng và cho rằng chỉ những bộ phận đó mới cần được giữ ấm.

giữ ấm cơ thể

Găng tay hay bao tay thì tốt hơn?

Nhiều người cho rằng găng tay và bao tay đều như nhau, đều có nhiệm vụ duy trì sự ấm áp cho đôi bàn tay vào mùa lạnh. Tuy nhiên, sự thật sẽ khiến bạn cảm thấy bất ngờ đấy. Những chiếc bao tay thiết kế theo kiểu 1 ngón cái và 4 ngón còn lại sẽ giúp bạn giữ ấm tốt hơn các loại găng tay tách biệt 5 ngón. Để lý giải cho điều này thật sự rất đơn giản. Việc tập trung 4 ngón tay lại cùng 1 chỗ sẽ giúp giữ ấm tốt hơn khi bạn tách riêng từng ngón. Thật bất ngờ phải không nào?

Mang bốt thay vì giày vải

Giày vải thường dễ bị thấm nước và không phù hợp để giữ ấm trong mùa lạnh. Nếu muốn giữ ấm cơ thể, bạn nên chọn các đôi bốt cổ cao, có phần nỉ bên trong nhé!

Dùng thêm túi chườm nóng

Sử dụng túi chườm nóng như gối ôm hoặc lót dưới đệm để giữ ấm trong khi ngủ cũng là một giải pháp giúp bạn cảm thấy ấm áp trong mùa đông. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện các loại túi chườm điện. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên dùng túi chườm nóng truyền thống để hạn chế tình trạng dùng sai cách và xảy ra tai nạn.

túi chườm nóng

Áp dụng nguyên tắc “5 ấm, 1 mát”

Đã bao giờ bạn nghe đến nguyên tắc “5 ấm, 1 mát”? Đây là một bí quyết giúp bạn giữ ấm, hạn chế bị ho và nhiễm lạnh khi nhiệt độ hạ thấp đấy nhé! Với nguyên tắc này, bạn cần tập trung giữ ấm cho 5 bộ phận: đầu, tai, cổ, eo hông, chân và lưu ý giữ cơ thể mát, không toát mồ hôi vì mồ hôi thấm ngược vào lỗ chân lông sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị cảm lạnh hơn.

Đội nón, mang ô khi ra ngoài vào trời tối hoặc sáng sớm

Khi trời tối và vào buổi sáng sớm thường có sương, có thể thấm vào cơ thể bạn và khiến cơ thể của bạn bị nhiễm lạnh. Do đó, để giữ ấm cơ thể, bạn nên chuẩn bị nón, áo khoác, thậm chí là mang ô nếu phải ra ngoài trong những khung giờ này.

Ăn đồ cay nóng

Các món ăn có vị cay có thể phát huy công dụng giữ nhiệt vô cùng hiệu quả bởi gia vị cay khác thường chứa hợp chất capsaicin làm tăng nhiệt cơ thể, tạo hiệu ứng ấm lên. Vì thế, hãy thử cho thêm một ít tiêu, ớt vào trong các món ăn của mình bạn nhé!

Giữ cơ thể khô ráo

Vào bất cứ mùa nào trong năm, nếu bạn không muốn các căn bệnh tấn công mình, hãy luôn giữ cho cơ thể được khô ráo. Bạn nên mặc các loại quần áo có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thay quần áo ngay khi quần áo thấm nước.

quần áo khô thoáng giúp giữ ấm cơ thể

Giữ ấm cơ thể đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng bị ốm, nhiễm lạnh khi nhiệt độ hạ thấp. Hãy chú ý bảo vệ sức khỏe của chính mình để có thể vui khỏe đón Tết nguyên đán đang đến rất rồi, bạn nhé!

Bài viết liên quan