Mẹ&Con – Thật khó mà định nghĩa hạnh phúc giản đơn, bởi mỗi người có một khái niệm khác nhau, không ai giống với ai. Tuy nhiên, có một điểm chung: ít ai nhận ra mình đang hạnh phúc, trừ khi một ngày, nó “trôi” tuột khỏi tầm tay…

Giá trị của hạnh phúc

Khi mới lập gia đình, bạn hạnh phúc khi yêu thương và được yêu thương. Nhưng rồi, ngày qua ngày, hạnh phúc đó trở thành điều hiển nhiên nên không mang lại cho bạn cảm giác “lâng lâng” nữa, mặc dù cả hai vợ chồng vẫn yêu thương nhau như thuở ban đầu. Rồi tổ ấm của bạn được tròn đầy với sự có mặt của các thiên thần nhỏ – những đứa con kháu khỉnh, đáng yêu. Được chăm sóc con cái, nhìn con cái lớn khôn là niềm hạnh phúc vô biên. Cứ thế, bất chợt một ngày, bạn nhận ra cuộc sống sao mà tẻ nhạt quá. Những bữa cơm gia đình không mang lại cho bạn cảm giác đầm ấm nữa. Những chuỗi ngày nối tiếp chẳng thấy đâu là mới mẻ. Mỗi sáng, bạn và ông xã đưa con đi học, rồi cả hai đi làm, chiều ghé đón con về, tiếp tục cơm nước, hết ngày. Bạn tự hỏi, cuộc sống chỉ là thế này thôi ư?

Trên cộng đồng mạng, có chuyền nhau một đoạn văn khá ý nghĩa như sau: “Để biết được giá trị của một năm, hãy hỏi một học sinh bị ở lại lớp. Để biết được giá trị của một tháng, hãy hỏi một người mẹ vừa sinh con thiếu tháng. Để biết được giá trị của một tuần, hãy hỏi biên tập viên một tờ tuần báo. Để biết được giá trị của một giờ, hãy hỏi những người yêu nhau đang chờ mong để gặp mặt. Để biết được giá trị của một phút, hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu. Để biết được giá trị của một giây, hãy hỏi một người vừa thoát khỏi tai nạn”.

Không hẳn hoàn toàn đúng so với những gì người viết muốn đề cập trong bài viết này, nhưng càng ngẫm càng thấy đúng. Phải chăng người ta chỉ cảm nhận được hạnh phúc một cách sâu sắc nhất khi đã trải qua những giây phút sóng gió? Cũng có nghĩa hạnh phúc không tồn tại ở một cuộc sống hôn nhân bằng phẳng?

 

Hạnh phúc giản đơn(Ảnh minh họa)

 Thế nào mới là hạnh phúc?

Vợ chồng Khoa – Lan có cuộc sống tương đối đầm ấm. Họ từ khó khăn đi lên nên cả hai đều rất trân trọng những gì  có được với nhau: một căn nhà, một ôtô, hai công chúa nhỏ. Hiện tại, Khoa vừa được lên chức trưởng phòng của một công ty dầu khí, lương không dưới 50 triệu mỗi tháng. Điểm đặc biệt là Khoa luôn yêu thương vợ con, chẳng có gì thay đổi so với cái thời mà bữa tối của họ là bánh mì hay tô hủ tíu qua loa cho no bụng.

Ấy vậy mà Lan vẫn chưa hài lòng. Cô trách anh suốt ngày chỉ biết cắm cúi vào công việc. Hai vợ chồng không còn những phút riêng tư cho nhau. Sự quan tâm của Khoa dành cho cô chỉ là những câu hỏi thăm và tiền. Hàng tháng, Khoa đưa cho Lan một số tiền để Lan trang trải chi phí trong gia đình, kèm theo những khoản riêng tư cá nhân khác. Nhưng cô hoàn toàn không thích cách đó. Dù đã qua tuổi “băm” nhưng tính Lan vẫn không khác nhiều với thời của tuổi teen đầy lãng mạn. Lan muốn Khoa phải đủ tâm lý để mua đúng thứ cô cần, cô mong muốn có. Cô luôn thích được chồng tặng quà thay vì chuyển khoản tiền rồi nhờ Lan đi mua theo cách của chồng mỗi dịp sinh nhật.

Khi cuộc sống đã khá tương đối đầy đủ, họ bắt đầu quay ra sống cho bản thân mình. Lan và Khoa từ đó cũng rẽ ra hai hướng. Trong khi Lan khá “nghệ sĩ”, thích sống theo cảm xúc thì Khoa luôn thực tế và rất khoa học. Họ bắt đầu nảy sinh những bất đồng trong quan điểm cuộc sống và sở thích. Dần dần, Lan nhận ra Khoa không còn yêu mình như thời khó khăn trước kia nữa. Hạnh phúc của họ bị đe dọa từng ngày bởi sự ức chế như được ngấm ngầm từ lâu – mặc dù trước đây cô không hề nhận ra. Cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến, Lan quyết tâm ly dị. Trong khi Khoa vẫn còn ngơ ngác vì mới ngày nào đây họ còn tay trong tay tràn đầy hạnh phúc, vậy mà…

Hạnh phúc là bình yên

Có rất nhiều cặp vợ chồng họ sống với nhau như một sự chấp nhận hiển nhiên, không bao giờ đặt ra câu hỏi mang tính phân tâm, làm rạn nứt tình cảm. Mà theo tâm lý, những gì chúng ta thường nghĩ, rất dễ thành hiện thực. Nếu đang yên ổn, bạn lại đi suy diễn rồi phân tích này nọ thì rõ ràng mối quan hệ từ không có gì trở thành có vấn đề. Thế mới có câu: “Hạnh phúc hay đau khổ xuất phát từ suy nghĩ”.

Một gia đình yên ấm, ở đó, mỗi người hài lòng về nhau, yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau, thấu hiểu và thông cảm trong mọi hoàn cảnh, tuyệt đối tin tưởng nhau… Phải chăng đấy chỉ là lý thuyết, hay một giấc mơ vì bạn sẽ chẳng tìm đâu ra một gia đình “hoàn hảo” như thế. Nói thế cũng không có nghĩa là hạnh phúc quá xa vời với bạn. Ngược lại, hạnh phúc chính là điều bình dị nhất mà đôi khi bạn đang có nhưng không hề nhận ra. Đó là một buổi chiều nhìn con chơi đùa trước sân, là những giây phút sum họp gia đình có đầy đủ các thành viên, vòng tay quàng cổ đón ba mẹ về của con, hay chỉ là phút giây bình yên trong tâm hồn… Nếu bạn đang có những điều đó, hãy trân trọng lấy cảm xúc ấy bởi bạn đang “sở hữu” trọn vẹn niềm hạnh phúc rồi đấy!

Tags:

Bài viết liên quan