Sữa công thức được biết đến như một giải pháp thay thế sữa mẹ khi mẹ không đủ sữa cho con bú hoặc mẹ không ở nhà trực tiếp chăm sóc con. Tuy nhiên, các mẹ bỉm vẫn còn rất nhiều lo lắng về loại sữa này. Hãy theo chân Tạp chí Mẹ và Con hỏi xoáy đáp xoay với các chuyên gia để giải đáp các thắc mắc liên quan đến sữa công thức bạn nhé!
Q: Sữa công thức là gì?
A: Baby formula hay sữa bột trẻ em là những tên gọi khác của sữa công thức. Loại sữa này được sử dụng như thức ăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Các loại sữa công thức hiện nay thường được sản xuất với thành phần giống với công thức hóa học của sữa mẹ nên có thể thay thế hoàn toàn hoặc một phần sữa mẹ.
Với trẻ từ 0-6 tháng tuổi, sữa thay thế sữa mẹ được gọi là sữa bột công thức 1, có thành phần gần giống nhất với thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ. Loại sữa này có nhiều hình thức khác nhau như: sữa bột (pha với nước trước khi cho trẻ uống), sữa dạng lỏng (pha với một lượng nước tương đương trước khi cho trẻ uống), sữa dùng ngay (có thể cho trẻ uống ngay mà không cần chế biến).
Q: Thành phần của sữa công thức gồm những gì?
A: Đây là một vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay bởi lẽ, sữa phải đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Thông thường, sữa công thức được làm từ sữa bò và chứa các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, nucleotide, sodium chloride, các loại vitamin, acid linoleic, niacin, phốt pho, acid pantothenic, các chất khoáng, acid folic, iot, potassium chloride và chất đường bột và nucleotide… Các dưỡng chất này đảm bảo trẻ có thể phát triển toàn diện nhất.
Q: Có nên cho trẻ uống sữa công thức hay không?
A: Hiện nay, sữa công thức là một giải pháp hiệu quả để thay thế cho sữa mẹ bởi những ưu điểm như:
- Bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng không có trong sữa mẹ cần thiết cho sự phát triển của bé
- Giúp bé “cai” sữa mẹ nên ông bà hay người thân có thể chăm sóc bé mà không nhất thiết phải có mẹ ở bên
- Mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, không cần cho con bú liên tục bởi quá trình tiêu hóa khi trẻ uống sữa công thức sẽ chậm hơn khi trẻ bú sữa mẹ.
- Mẹ không cần phải chú ý đến thực đơn ăn uống của mình, luôn nghĩ đến chuyện phải ăn nhiều, ăn đồ bổ để có sữa cho con
Q: Trẻ được uống sữa công thức đến mấy tuổi?
A: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em trên 12 tháng tuổi có thể bắt đầu uống sữa tươi nguyên kem không đường đã được tiệt trùng hoặc đã thanh trùng. Tuy nhiên, với trẻ dưới 12 tháng tuổi, khi dạ dày và hệ tiêu hóa chưa ổn định, chưa thể làm mềm sữa tươi thì mẹ chỉ nên cho trẻ bú sữa mẹ và sữa công thức. Vì vậy, trẻ sau 1 tuổi có thể không cần uống sữa công thức nữa.
Q: Cách pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh
A: Để pha sữa cho con, bạn có thể thực hiện lần lượt theo các bước sau đây:
- Vệ sinh, làm sạch toàn bộ dụng cụ uống sữa của bé (ly, muỗng, bình sữa, núm vú). Bạn nên ngâm hoặc luộc trực tiếp trong nước sôi khoảng 10 phút để tiệt trùng, đảm bảo an toàn cho trẻ khi uống.
- Lấy lượng nước vừa đủ cho một lần pha sữa
- Dùng muỗng đo lường và lấy lượng bột sữa theo hướng dẫn. Khi lấy bột sữa, mẹ lưu ý không lấy đầy muỗng mà dùng dụng cụ gạt để gạt ngang muỗng đo lường mẹ nhé!
- Pha sữa với nước nóng khoảng 40 độ C. Để sữa nguội vừa phải rồi mới cho bé bú tránh bé bị bỏng bởi sữa quá nóng.
Q: Pha sữa công thức với lượng thế nào?
A: Tùy theo độ tuổi của trẻ mà nhu cầu dinh dưỡng cũng như lượng sữa của con sẽ có sự thay đổi. Cụ thể như sau:
- Trẻ dưới 1 tháng tuổi: Tổng lượng sữa khoảng 480ml/ngày; 8-10 lần/ngày; khoảng 60 ml/lần.
- Trẻ từ 1 tháng đến 2 tháng: Tổng lượng sữa khoảng 630 ml/ngày; 7 – 10 lần/ngày; 90 ml/lần.
- Trẻ từ 2 tháng đến 4 tháng: Tổng lượng sữa khoảng 720 ml/ngày; 6 – 10 lần/ngày; 120 ml/lần.
- Từ 4 tháng đến 6 tháng: Tổng lượng sữa khoảng 900 ml/ngày; 6 – 8 lần/ngày; 150ml/lần.
Q: Bảo quản sữa công thức như thế nào thì đúng cách?
A: Sau khi pha sữa, nên cho trẻ uống ngay trong vòng 2 giờ đầu tiên bởi sữa để sau 2 giờ có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Crono gây nên các bệnh nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là bệnh viêm màng nào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, lượng sữa thừa sau khi trẻ bú cũng nên bỏ đi bởi trong sữa lúc này đã có nước bọt của trẻ, dễ bị hỏng và nhiễm khuẩn hơn.
Q: Có quá nhiều loại sữa công thức, nên chọn loại nào?
A: Hiện nay, có rất nhiều loại sữa khác nhau khiến nhiều người bối rối không biết nên chọn loại sữa nào cho bé thì tốt. Đặc biệt là những người lần đầu làm bố, làm mẹ, chưa từng có kinh nghiệm chọn sữa cho con sẽ càng thêm băn khoăn. Cẩm nang để chọn sữa cho con bao gồm 4 yếu tố:
- Sữa có phải hàng thật hay không: Với sự xuất hiện của các loại hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan trên thị trường, bạn nên kiểm tra nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tem mác để chắc chắn sữa đến từ các thương hiệu. Bên cạnh đó, nên chọn mua sữa tại siêu thị, các cửa hàng uy tín, có thể cung cấp đầy đủ các thông tin và giấy tờ liên quan về nguồn gốc xuất sứ của sữa.
- Hàm lượng dưỡng chất: Các loại dưỡng chất trong sữa đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt thể chất cũng như trí não của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Vì vậy, khi chọn mua sữa, bạn nên đọc kỹ các thành phần được ghi trên bao bì để chắc chắn bé có thể phát triển tốt về thể chất, trí não…
- Đạt các tiêu chuẩn cần thiết: Khi chọn mua sữa công thức cho con, bạn nên chú ý chọn lựa các loại sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế, được sự tin chọn từ các tổ chức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
- Phù hợp với nhu cầu của trẻ: Tùy theo tình trạng thể chất của con như bé sinh non nhẹ cân, bé có vấn đề về đường tiêu hóa, cơ thể bé khó hấp thu… mà bạn có thể chọn sữa phù hợp với nhu cầu. Trong một số trường hợp cần thiết, nên tìm hiểu và nhờ bác sĩ, các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn trước khi mua sữa cho bé.
Q: Lưu ý gì khi cho con dùng sữa công thức?
A: Khi cho con dùng sữa, bạn nên chú ý một vài vấn đề dưới đây:
- Kiểm tra màu sắc của sữa: Trước khi cho con uống sữa, bạn nên kiểm tra màu sắc của sữa. Nếu phát hiện sữa đổi màu, có mùi lạ, nên bỏ đi không cho trẻ uống nữa.
- Bảo quản sữa đúng cách: Cần tuân thủ theo các quy định về cách bảo quản sữa mà Tạp chí Mẹ và Con có chia sẻ đến bạn.
- Không hâm sữa trong lò vi sóng: Khi pha sữa, chỉ nên sử dụng nước nóng để pha, không cho nước lạnh vào bột sữa rồi hâm với lò vi sóng vì việc này có thể làm mất các dưỡng chất trong sữa hoặc thay đổi tính chất của các chất dinh dưỡng này.
- Không bảo quản sữa đông lạnh: Khi trẻ bú còn dư sữa, nhiều bố mẹ đã tiết kiệm bằng cách cho phần sữa này vào ngăn đông, trước khi cho trẻ uống thì rã đông lại. Đây là cách bảo quản sữa sai bởi như Mẹ và Con chia sẻ, sữa lúc này đã có nước bọt của bé và rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Sữa công thức đang trở thành lựa chọn tối ưu của nhiều bà mẹ nuôi con thời hiện đại bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và các lợi ích đối với sức khỏe của bé mà sữa công thức mang đến. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ thì chỉ nên kết hợp cùng sữa công thức thay vì cắt hoàn toàn việc bú mẹ của trẻ bởi sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.