Những món ăn tốt cho sức khỏe luôn bao gồm những thực phẩm ít muối, được nêm nhạt. Do đó nhiều người đã cố gắng duy trì thói quen ăn nhạt cho bản thân và cả gia đình. Tuy nhiên, nếu ăn nhạt không đúng cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình và các thành viên khác. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về điều này nhé!
Vai trò của muối trong cơ thể
Muối là gia vị không thể thiếu trong việc ăn uống hàng ngày và cũng là chất không thể thiếu để cơ thể hoạt động bình thường. Thành phần chủ yếu của muối ăn là natri clorua, trong đó 39% là natri và 61% là clorua. Khi vào trong cơ thể, muối được phân giải thành ion natri và ion clorua với những vai trò khác nhau.
Ion natri có nhiều tác dụng như duy trì thể tích máu và áp suất thẩm thấu tế bào trong cơ thể, bảo vệ sự hưng phấn và tính kích thích của thần kinh và cơ bắp, kích thích sự co cơ của con người. Bên cạnh đó, ion clorua có nhiệm vụ điều tiết sự cân bằng axit bazo cho cơ thể, sản sinh ra axit dạ dày và kích hoạt amylase. Đây đều là những chất cực kỳ quan trọng trong hoạt động của cơ thể.
Trong cuộc sống hàng ngày, những món ăn tốt cho sức khỏe thường có lượng muối vừa đủ để không gây hại cho sức khỏe người dùng. Nhưng đối với những người ăn kiêng muối quá mức, ăn nhạt không đúng cách, thậm chí nói không với muối thì lượng natri máu sẽ bị giảm nhanh chóng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp.
Muối có trong những thực phẩm nào?
Muối có hầu hết trong các loại thực phẩm nhưng khác nhau về lượng. Các loại thực phẩm có lượng muối ít chủ yếu là rau xanh và trái cây. Ngoài ra, các loại thịt nạc cũng có lượng muối và natri ít hơn. Đây đều là những món ăn tốt cho sức khỏe được các bác sĩ khuyến cáo dùng nhiều trong các bữa ăn.
Các loại thực phẩm chứa nhiều muối và natri phần lớn là sữa và các chế phẩm từ sữa, đồ chế biến sẵn, đóng hộp. Hơn nữa, các món lên men như dưa muối, dưa chuột muối… trong quá trình chế biến tạo thành cũng được ngâm với nước muối. Theo ước tính lượng muối trong 100g dưa chuột muối là khoảng 2,5g. Hải sản cũng là thực phẩm chứa nhiều muối hơn những loài sinh vật sống ở nước ngọt khác. Do đó khi chế biến cần lưu ý để không bị mặn, nên cho ít muối hơn đặc biệt trong khẩu phần ăn của những người có bệnh về tim mạch, thận, huyết áp cao…
Cơ thể con người cần lượng muối bao nhiêu là phù hợp?
Từng độ tuổi sẽ có nhu cầu muối khác nhau. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về lượng muối phù hợp cho từng lứa tuổi khác nhau. Bạn cần tuân theo khuyến cáo này để tránh ăn nhạt quá hoặc mặn quá.
- Đối với cơ thể người trưởng thành thì lượng muối dung nạp vào cơ thể mỗi ngày là 5g.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì lượng muối tối đa được khuyến cáo là dưới 1g mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn không cần bổ sung muối vào thức ăn hàng ngày của trẻ vì trong các thực phẩm như thịt, trứng, sữa… đều có sẵn lượng natri phù hợp với khuyến cáo của các chuyên gia.
- Đối với trẻ từ 1-3 tuổi, những món ăn tốt cho sức khỏe bên cạnh nhiều dưỡng chất thì lượng muối tiêu thụ tối đa một ngày là 3g.
- Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể dùng lượng muối như một người trưởng thành, tức là 5g muối/ngày.
- Với người mắc các bệnh về tim mạch, thận, cao huyết áp… lượng muối phải điều chỉnh giảm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý giảm dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn khác.
Với trẻ sinh non tháng, chức năng thận còn non kém, lượng muối nên hạn chế ở mức thấp nhất. Chính vì thế, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc chọn những loại sữa công thức có thành phần chất khoáng thấp.
Bạn có biết, ăn nhạt quá mức sẽ để lại tác hại thế nào?
Lượng muối phù hợp với cơ thể con người phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe… Với những người trưởng thành có sức khỏe bình thường, nếu tự ý cắt giảm muối dưới mức khuyến cáo có thể là nguyên nhân gây nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp
Khi ăn quá ít muối đồng nghĩa với lượng natri trong máu giảm, áp lực thẩm thấu trong lòng mạch máu cũng bị giảm theo dẫn đến huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp. Khi huyết áp bị tụt sẽ làm các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, gan, hệ cơ… bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, làm cho cơ thể mệt mỏi và suy kiệt. Vì thế, cứ tưởng đang ăn những món ăn tốt cho sức khỏe nhưng thật ra kết quả thì hoàn toàn ngược lại đấy nhé!
Thiếu điện giải
Trong mồ hôi, nước mắt, nước tiểu của con người đều chứa một lượng muối nhất định. Do đó, chế độ ăn nhạt có thể dẫn tới sự thiếu hụt muối gây thiếu điện giải, rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu…
Ảnh hưởng tới não bộ
Cơ quan dễ bị ảnh hưởng khi lượng natri máu hạ quá mức bình thường đó là não bộ. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù (phù não) gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, nôn mửa, rối loạn ý thức. Các triệu chứng còn xuất hiện nặng nề hơn như co giật, hôn mê nếu lượng muối hạ nhanh và đột ngột.
Phù toàn thân
Những thực phẩm nhạt thường là những món ăn tốt cho sức khỏe, nhưng nếu tự ý giảm không khoa học có thể khiến lượng natri máu giảm, làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, phù chân, nguy hiểm hơn là phù toàn thân.
Suy giảm chức năng hệ cơ
Các biểu hiện suy giảm chức năng hệ cơ như mỏi cơ, chuột rút, kiến bò, liệt cơ… là những dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn nhạt quá mức, cơ thể đang thiếu muối gây hạ natri máu. Nếu tình trạng natri trong huyết thanh quá thấp trong một thời gian dài thì có thể dẫn tới các vấn đề như chán ăn, suy nhược, chóng mặt… thậm chí biếng ăn trầm trọng, buồn nôn, nhịp tim nhanh, mạch yếu, chuột rút cơ, mờ mắt, phản xạ chậm…
Biến chứng của hạ natri máu
Chúng ta thường cho rằng nêm nếm nhạt là mình đã có những món ăn tốt cho sức khỏe, nhưng trên thực tế bạn đang “rước” một loạt bệnh vào người, trong đó có cả các biến chứng của hạ natri máu.
Trong hạ natri máu mãn tính, nồng độ natri giảm dần trong 48 giờ hoặc lâu hơn và các triệu chứng và biến chứng thường ở mức trung bình. Còn trong hạ natri máu cấp tính, nồng độ natri giảm nhanh chóng dẫn tới các tác động nguy hiểm như phù não có thể hôn mê và tử vong nhanh chóng. Phụ nữ tiền mãn kinh thường có nguy cơ bị tổn thương não do hạ natri máu cao nhất. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hormone đối với khả năng cân nồng độ natri của cơ thể.
Điều trị các triệu chứng do ăn nhạt, cơ thể thiếu muối
Khi các triệu chứng nói trên xuất hiện ở những người đang ăn kiêng muối thì việc đầu tiên cần làm là phải làm xét nghiệm lượng natri trong máu. Nếu bị giảm thì việc điều trị đơn giản là bù cho đủ lượng muối thiếu. Với những người bị nhẹ thì chỉ cần ăn tăng lượng muối hơn bình thường. Còn những người nặng hơn buộc phải bù muối bằng đường truyền tĩnh mạch tại các cơ sở y tế chuyên sâu. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thuốc để kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của hạ natri máu như đau đầu, buồn nôn và co giật theo chỉ định của bác sĩ. Việc bù muối cũng không được quá nhanh và đột ngột vì nếu bù ồ ạt sẽ gây thêm tổn thương cho não bộ.
Ăn mặn, ăn nhiều muối không tốt cho sức khỏe nhưng ăn nhạt quá mức cũng có thể gây hại cho con người. Do đó, Mẹ và Con nhắc bạn hãy luôn nhớ rằng, những món ăn tốt cho sức khỏe và lành mạnh cần đảm bảo cân bằng được lượng muối bên trong. Tốt nhất mỗi người nên xây dựng thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những điều bất thường như hạ lượng natri máu bạn nhé!