Mẹ&Con – Buồn nôn vào 3 tháng cuối thai kỳ có thể là triệu chứng của gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ, một biến chứng nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi.

Chào bác sĩ!

Vợ tôi 21 tuổi, mang thai lần đầu. Ba tháng đầu thai kỳ cô ấy không có nhiều dấu hiệu ốm nghén, cụ thể là rất ít bị buồn nôn hay nôn như những phụ nữ khác. Tuy nhiên, đến giờ, khi đã vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, không hiểu sao vài ngày nay cô ấy lại bắt đầu xuất hiện thường xuyên dấu hiệu buồn nôn và nôn nhiều, nhìn vật vã cứ như là giai đoạn đầu mang thai vậy. Tôi có đưa vợ đi khám ở một thầy thuốc Bắc gần nhà thì thầy cho một vài thang thuốc và nói không sao, chỉ là bị “ốm nghén ngược” mà thôi. Vợ tôi uống thuốc nhưng vẫn tiếp tục buồn nôn chứ không bớt, da lại có vẻ vàng hơn. Xin hỏi sao lại có sự ngược ngạo như thế thưa bác sĩ? Cuối thai kỳ mới bắt đầu “ốm nghén ngược” như vậy thì có nguy hiểm không? Chúng tôi nên làm gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp.

Huỳnh Lê Bảo (Hóc Môn)

 Bác sĩ trả lời

Một điều hết sức quan trọng bạn cần nhớ là, tuyệt đối không được tự ý uống thuốc Nam, thuốc Bắc hay bất kỳ loại thuốc gì (kể cả thực phẩm chức năng) trong suốt quá trình mang thai mà không hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Điều này rất nguy hiểm cho tính mạng của cả thai phụ lẫn thai nhi. Khi có dấu hiệu bất thường nào cũng nên đến bệnh viện phụ sản lớn để kiểm tra, chứ không nên tự “chữa” hoặc tìm đến các thầy lang, các phòng khám tư để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Đối với tình trạng của vợ bạn, bạn nên đưa cô ấy đến bệnh viện ngay vì có thể cô ấy đang bị gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ – một biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối. Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ thường xảy ra ở người nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, v.v. hoặc cũng có khi xảy ra ở thai phụ sức khỏe những tháng đầu vẫn hết sức bình thường. Các triệu chứng của bệnh: nôn mửa, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, v.v. dù đã ở cuối thai kỳ (chứ không có chuyện “ốm nghén… ngược”). Ngoài ra, vàng da và sốt cũng là những triệu chứng có thể xuất hiện.

Xin nhắc lại lần nữa, bạn cần đưa vợ đi kiểm tra ở bệnh viện, vì gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ rất nguy hiểm, có thể kèm theo tiền sản giật, tăng huyết áp, phù. Trường hợp nặng, không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như suy thận cấp, bệnh não gan, viêm tụy, v.v.. Để phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra men gan (sẽ nguy hiểm nếu men gan, cholesterol tăng cao, đồng thời bạch cầu sẽ tăng, v.v.). Trong trường hợp thật sự vợ bạn bị gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ, có thể bác sĩ sẽ phải thực hiện việc chấm dứt thai kỳ sớm (mổ lấy thai, cho sinh em bé sớm hơn dự kiến).

Tags:

Bài viết liên quan