Ba mẹ luôn là người thầy đầu tiên của con cái nên cách để một đứa trẻ sớm tiếp xúc với tiếng Anh chính là nói chuyện với ba mẹ của chúng. Phong trào ba mẹ giao tiếp bằng tiếng Anh với con vì thế cũng ngày càng phổ biến và mang đến nhiều lợi ích không ngờ.
Điều này cũng đòi hỏi nhiều bậc phụ huynh phải biết dùng tiếng Anh trò chuyện với con sao cho khoa học để có thể khơi gợi tư duy ngôn ngữ của bé một cách tốt nhất.
Tại sao ba mẹ nên giao tiếp bằng tiếng Anh với con hằng ngày?
Suốt hai năm đầu đời, giọng nói của ba mẹ là công cụ đầu tiên để trẻ nhận biết và phát triển ngôn ngữ cơ bản. Đây là phương thức giao tiếp đầu đời của các thiên thần nhỏ. Nếu ba mẹ giao tiếp bằng tiếng Anh với con trong giai đoạn này sẽ có nhiều lợi ích lớn.
Ba mẹ không cần phải có vốn tiếng Anh quá cao vẫn có thể giúp đỡ trẻ trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh tại nhà. Các bậc phụ huynh cũng không cần quá lo lắng về cách phát âm của mình. Vì trẻ con có khả năng chuyển đổi cách phát âm từ sai thành đúng nếu chúng được cho nghe những giọng đọc chuẩn.
Con cái nên có được ý thức từ sớm là bản thân chúng có thể nói được tiếng Anh và tiếng Anh là ngôn ngữ cần thiết. Ngoài ra, giao tiếp bằng tiếng Anh với ba mẹ ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ có hứng thú với việc học ngôn ngữ này hơn là đợi đến khi đi học mới được tiếp xúc.
Sau đây là những lý do khẳng định ba mẹ chính là hai người thầy phù hợp nhất để giao tiếp bằng tiếng Anh với con trong những năm đầu đời:
- Ba mẹ gần gũi với con cái nhất nên dễ dàng sắp xếp thời gian giao tiếp bằng tiếng Anh với con, dưới nhiều hình thức như tương tác một-một hoặc trò chuyện theo nhóm, bối cảnh.
- Ba mẹ luôn hiểu con mình nhất nên dễ có đánh giá đúng thực lực và sở thích học tập của con.
- Ba mẹ biết cân bằng thời gian trong một lần học nói và số lượng những lần học như vậy để phù hợp với nhu cầu và khả năng của con.
- Ba mẹ thấu hiểu tâm trạng và phản ứng của con trong những lần trò chuyện. Trẻ con thường thay đổi cảm xúc nên người dạy phải biết kiên nhẫn. Điều này đôi khi người trong gia đình sẽ làm tốt hơn là thầy cô giáo ở trường.
- Vì học ở nhà, trong một không gian thoải mái, ba mẹ và con có thể thỏa sức phát huy tư duy sáng tạo ra nhiều hoạt động vui tươi, không chỉ gói gọn trong việc đối đáp bằng lời nói. Nếu việc học tạo được sự hứng thú cho trẻ thì trẻ càng yêu thích giao tiếp bằng tiếng Anh hơn.
- Trẻ con thường học những bài học đầu đời từ ba mẹ của chúng. Vì thế, trong quá trình nói chuyện với con bằng tiếng Anh, các phụ huynh hãy cho con làm quen luôn nền văn hóa của những nước nói tiếng Anh nhằm mở mang kiến thức cho con.
Ngôn ngữ Parentese – Cách ba mẹ giao tiếp bằng tiếng Anh với con
Phương pháp mà ba mẹ dùng để tập cho con nói một thứ tiếng nào đó thực chất là phương pháp Parentese – nghĩa là trong các cuộc đối thoại với con, ba mẹ trực tiếp hay gián tiếp dùng ngôn ngữ đã được điều chỉnh để phù hợp với khả năng tiếp nhận và xử lý của trẻ. Cách thức này sẽ cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ của bé.
Người mẹ thường sử dụng phương pháp Parentese tốt hơn so với người ba. Ngoại trừ những người ba có sự tập trung cao trong những cuộc nói chuyện về các đối tượng cụ thể như cuốn sách hay trò chơi.
Tuy nhiên, đôi khi những bé trai lại phù hợp với cách dạy của người ba hơn là của mẹ mình, vì cùng là nam giới nên xu hướng sử dụng ngôn ngữ sẽ đồng điệu hơn. Nhưng nếu cả ba và mẹ có giọng nói dịu dàng cùng ngôn từ dễ hiểu thì cả hai đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với con hằng ngày và đều cho hiệu quả tương đương nhau.
Nhiều ba mẹ có thể ngại vì giọng đọc chưa chuẩn hay vốn từ vựng tiếng Anh không nhiều nên chưa dám dùng Parentese. Tuy nhiên, việc giao tiếp bằng tiếng Anh với ba mẹ từ nhỏ sẽ giúp con tiếp thu bài học sau này ở trường dễ dàng hơn.
Vì thế, ba mẹ chỉ cần sử dụng những mẫu câu đơn giản để nói với con là đã đủ. Việc điều chỉnh cách phát âm hay mở rộng vốn từ vựng bé có thể trau dồi khi đi học với thầy cô sau này.
Nên giao tiếp bằng tiếng Anh với con như thế nào để có hiệu quả cao nhất?
Sau đây là 3 cách nói chuyện với con bằng tiếng Anh theo đúng với phương pháp Parentese mà ba mẹ có thể tham khảo:
Ứng dụng thực tế việc giao tiếp bằng tiếng Anh với con
Khi làm quen với một ngôn ngữ mới, việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho người học. Vì thế, ba mẹ hãy mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh với con trong các tình huống thực tiễn xảy ra hằng ngày.
Bạn hãy phản hồi những câu trả lời của con để cuộc nói chuyện được kéo dài như:
Ví dụ 1:
Ba mẹ: “Can you bring me a cup of water, please?” (“Con có thể vui lòng đem cho ba/mẹ một cốc nước được không?”)
Con: “Yes!” (“Vâng ạ!”)
Ba mẹ: “Thank you! You are a good son/daughter!” (“Cám ơn con! Con là một người con ngoan ngoãn!”)
Ví dụ 2:
Ba mẹ: “Look! There is a cat over there.” (“Nhìn kìa! Có một con mèo ở đằng kia.”)
Con: “I see it too.” (“Con cũng thấy nó ạ.”)
Ba mẹ: “Do you know why it is sitting over there?” (“Con có biết tại sao nó lại ngồi ở đó không?”)
Ví dụ 3:
Ba mẹ: “What do you want for dinner?” (“Con muốn món gì cho bữa tối nào?”)
Con: “I want to eat spaghetti.” (“Con muốn ăn mỳ Ý.”)
Ba mẹ: “Which type of spaghetti do you like?” (“Con thích ăn loại mỳ Ý nào?”)
Nếu ba mẹ thường xuyên trao đổi với con bằng tiếng Anh thì trẻ sẽ quen dần với ngôn ngữ này và không còn cảm thấy việc tiếp xúc với nó là điều khó khăn. Và khi giao tiếp với nhau trong những tình huống thoải mái, không phải là những cuộc nói chuyện nghiêm túc như “một đối một” sẽ giúp con ghi nhớ lâu hơn và không gây nhàm chán cho cả gia đình.
Có sẵn cho mình những cụm từ chuyên dụng
Hãy sử dụng lặp lại một vài từ ngữ mỗi lần giao tiếp bằng tiếng Anh với con để tập cho con quen với cách vận hành của một buổi nói chuyện. Thói quen này giúp mọi hoạt động diễn ra trơn tru và nhanh chóng. Những câu nói ba mẹ có thể dùng là:
- “Simons says you put your hands up” (“Simons bảo con hãy đưa tay lên cao”)
- “Stand next to me” (“Hãy đứng cạnh ba/mẹ”)
- “That’s correct!” (“Đúng rồi!”)
- “Are you ready?” (“Con đã sẵn sàng chưa nào?”)
Chú trọng cách thức ba mẹ kết nối với con khi giao tiếp bằng tiếng Anh
Khi giao tiếp bằng tiếng Anh với con, ba mẹ nên:
- Nói với con chậm rãi nhưng cần nhấn mạnh các từ vựng quan trọng nhằm giữ nguyên ngữ điệu của câu.
- Dùng biểu cảm và hành động khi nói chuyện để dễ dàng truyền đạt ý nghĩ và giúp con kết nối với mình tốt hơn.
- Ngưng vài giây cho bé suy nghĩ nếu chưa có đáp án và trấn an để bé không căng thẳng.
- Đợi con trả lời xong rồi mới đưa ra nhận xét. Nếu con đúng thì đừng tiếc vài câu khen ngợi con. Nếu con sai thì hãy chỉ ra lỗi sai của bé một cách rõ ràng và nhẹ nhàng để bé vừa hiểu ra vấn đề vừa không thấy xấu hổ khi chưa làm tốt.
Duy trì giao tiếp bằng tiếng Anh với con hằng ngày là một điều nên làm vì những lợi ích tuyệt vời của nó. Và ba mẹ chính là cầu nối không thể tuyệt vời hơn để con thỏa sức khám phá thế giới bao la của ngôn ngữ.