Mẹ và Con - Tiếng khóc trẻ sơ sinh khiến các bậc làm cha mẹ lo lắng, thậm chí stress nặng vì không hiểu con cần gì, muốn gì. Hãy để Tạp chí Mẹ và Con giúp bạn tháo gỡ khúc mắc nhé!

Trẻ nhỏ thường dễ khóc và khóc rất nhiều. Trung bình trẻ khóc từ 1-4 giờ/ngày. Tuy nhiên, tiếng khóc trẻ sơ sinh không hoàn toàn là vô nghĩa.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và nuôi dạy trẻ cho biết: Mỗi tiếng khóc của trẻ sơ sinh đều truyền đến cho bố mẹ một thông điệp cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề là rất ít bố mẹ hiểu được điều này và trong một số trường hợp họ có thể nhận ra nhưng không biết cách xử lý sao cho hợp lý nhất.

Chính vì thế, Mẹ và Con giúp bạn nhận biết những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc và các cách xử lý phù hợp nhất sau đây nhé!

Tiếng khóc trẻ sơ sinh to khi bé mở mắt

Thông thường, đây là dấu hiệu cho thấy bé yêu của bạn đang bị đói. Trong trường hợp này, bạn sẽ thấy tiếng khóc trẻ sơ sinh rất to, nhịp điệu lặp đi lặp lại, ngắt quãng và đặc biệt là có kèm theo sự khó chịu, cáu gắt.

Để kiểm tra chính xác là bé yêu có đói hay không, bạn có thể quan sát phản ứng khi đặt tay lên môi bé. Nếu thấy bé tỏ ra thèm thuồng và bị thu hút bởi ngón tay của bạn, khi bạn di chuyển về hướng nào bé cũng di chuyển về hướng đấy thì đó chính xác là do bé bị đói. Bé cũng có thể có biểu hiện mút tay, kéo quần áo, cử động tay chân nhiều hơn bình thường.

Xem thêm: Cách xử lý triệt để mút tay ở trẻ em

Tiếng khóc trẻ sơ sinh
Tiếng khóc trẻ sơ sinh

Lời khuyên cho mẹ:

Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên lượng sữa ít ỏi vừa nạp vào được tiêu hóa rất nhanh. Vì thế, bé rất dễ bị đói và khóc lóc để đòi được ăn. Khi nghe con khóc, mẹ nên kiểm tra lại xem bé đã bú được bao lâu, thời gian cho cữ bú tiếp theo đã đến hay chưa. Bé yêu của bạn vừa ăn bao nhiêu sữa. Việc này giúp bạn phán đoán chính xác nguy cơ bé bị đói và bổ sung sữa kịp thời.

Thông thường, trẻ sẽ đói lại sau khoảng 1-2 giờ so với cữ bú trước và tùy theo độ tuổi mà nhu cầu về sữa cũng khác nhau. Khi mới sinh, trẻ sẽ bú khoảng 30ml/lần rồi tăng dần lên 60ml. Trẻ 1-2 tháng tuổi có thể bú từ 90-120ml/lần và chia thành 4-5 lần/ngày. Từ 2-6 tháng tuổi, trẻ sẽ bú khoảng 120-180ml/lần và mỗi cữ bú cách nhau khoảng 4 tiếng.

Tiếng khóc trẻ sơ sinh to khi bé nhắm mắt

Có hai tình huống dẫn đến hiện tượng bé yêu của bạn bị khóc như thế này. Trước tiên là khi bé đang ngủ nhưng đột ngột khóc thét lên trong khi mắt vẫn còn nhắm nghiền và không chảy nước mắt. Biểu hiện này có thể là do bé khó chịu vì tã ướt, bé giật mình vì ngủ mơ hoặc tiếng động bên ngoài.

Thứ hai là trường hợp bé đang chơi đùa đột nhiên dụi mắt, nhắm mắt lại và khóc. Ban đầu là khóc nhỏ, dần dần trẻ khóc to hơn. Đây là tình trạng cáu gắt vì bé yêu của bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ.

Lời khuyên cho mẹ:

Với tình huống thứ nhất, mẹ có thể kiểm tra lại chiếc tã bé đang mặc và thay ngay tã mới nếu thấy chúng có biểu hiện ngấm đầy nước tiểu. Lúc này, mẹ cũng nên kiểm tra lại xem phòng bé có quá lạnh hay quá nóng không để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.

Trường hợp còn lại, mẹ nên khôi phục không gian yên tĩnh như vặn nhỏ tivi, khép bớt cửa và thực hiện các động tác vỗ về, thì thầm vào tai bé để bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.

Tiếng khóc trẻ sơ sinh to khi bé nhắm mắt

Bé khóc và nhìn xung quanh

Biểu hiện này thể hiện sự lo lắng, bất an, thậm chí là sợ hãi của trẻ vì chưa quen với môi trường xung quanh, nơi có quá nhiều âm thanh và ánh sáng so với chiếc tổ ấm áp trong bụng mẹ. Ngoài ra, bé của bạn cũng có thể khóc vì cảm thấy kích động do có quá nhiều người đến thăm bé, cười nói hay bế bé.

Thường thì trong tình huống này bé sẽ khóc rất to và không ngừng nghỉ cho đến khi bé được một người mình cảm thấy tin cậy bế bồng và dỗ dành.

Lời khuyên cho mẹ:

Trong các buổi sum họp gia đình, những lúc nhà có nhiều khách đến chơi hay bé phải đi ra ngoài, trẻ thường có những biểu hiện như trên. Mẹ đừng quá lo lắng vì tình trạng này không hề gây nguy hiểm cho bé. Trước tiên, mẹ hãy ôm bé thật chặt vào lòng, vỗ về, dùng âm điệu nhẹ nhàng để trấn an bé.

Ngay sau đó, bạn nên di chuyển bé đến nơi ít người hơn và nhìn vào mắt bé để giúp bé bình tĩnh trở lại. Nếu hoàn cảnh thuận lợi, bạn có thể cho bé bú một chút để bé cảm thấy an tâm và khôi phục tâm trạng nhanh vui vẻ hơn.

Bé khóc thét

Tiếng khóc trẻ sơ sinh trong trường hợp này thật sự là một dấu hiệu quan trọng cảnh báo trẻ đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm nào đó. Có thể là trẻ bị côn trùng cắn, đau đớn do quần áo không thoải mái. Ngoài ra, trẻ khóc thét dữ dội còn do bị đau bụng hay ảnh hưởng của hiện tượng lồng ruột và cần xử lý khẩn cấp.

Lời khuyên cho mẹ: 

Trước tiên, mẹ cần nhanh chóng kiểm tra hết một lượt toàn thân bé xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào chứng tỏ bé bị côn trùng cắn hay đau đớn do trang phục gây ra hay không. Nếu có, bạn nên nhanh chóng xử lý vấn đề vừa phát sinh và dỗ bé nín khóc.

Nếu bạn không phát hiện bất thường bên ngoài nhưng bé vẫn khóc và có biểu hiện như vã mồ hôi, tay chân nắm chặt, chân co về phía bụng và sờ vào thấy bụng căng cứng thì nhiều khả năng là bé bị đau bụng. Bạn nên xoa dầu, mát xa nhẹ nhàng để làm dịu cơn đau và cũng là giúp bé bình tĩnh hơn.

Tham khảo: 1001 cách phòng và chữa đau bụng đầy hơi cho trẻ

Một tình huống vô cùng khẩn cấp đó là bé nhà bạn bị đau bụng do các nguyên nhân bệnh lý như lồng ruột, tắc ruột. Thời điểm thường xảy ra tình trạng này là khi bé được khoảng 4-9 tháng tuổi, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: trẻ cười đùa nhiều, bị rung lắc mạnh, kích thước ruột mất cân đối, viêm ruột…

Khi bị lồng ruột, trẻ sẽ khóc thét từng cơn, ưỡn người, bỏ bú, mặt trắng, hai tay nắm chặt, chân tay co đạp… Bạn nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị thích hợp.

Bé khóc thét

Trẻ sơ sinh khóc không có quy luật

Trẻ nhỏ có thể khóc mọi lúc, mọi nơi và có khi không do một nguyên nhân cụ thể nào cả. Nếu bạn thấy tiếng khóc trẻ sơ sinh không có nước mắt, lúc cao, lúc thấp, khua tay chân lung tung, mắt ngóng xung quanh… nhưng vẫn ăn ngủ bình thường và nín ngay khi được bế, được vỗ về, đó chính là bé khóc làm nũng.

Xem thêm: 8 lý do khiến bé yêu khóc nhè

Do đó, khi thấy tiếng khóc trẻ sơ sinh như thế này, bạn nên kiểm tra lại hết một lượt những biểu hiện đã nêu ở trên để loại bỏ những nguyên nhân trẻ khóc do bệnh lý. Khi xác định bé vẫn ổn, hãy dành chút thời gian chơi đùa với con, vì có thể do trẻ có nhu cầu được giao tiếp, trò chuyện nhưng lại không có ai bên cạnh nên quấy khóc.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho bé một món đồ chơi phù hợp với độ tuổi để bé cảm thấy thoải mái hơn và không mè nheo với bố mẹ nữa.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.