Mẹ&Con - Trong khoảng một năm đầu đời, đặc biệt là những tháng sau khi vừa rời bụng mẹ, tiếng khóc là phương tiện “giao tiếp” duy nhất của bé với mọi người xung quanh.

Bạn bị trầm cảm vì tiếng khóc của con. Thế nhưng, nếu có một ngày bé không khóc thì sao? Chắc chắn bạn sẽ lo cuống lên và cảm nhận được hết tầm quan trọng của chuyện khóc.

Tại sao trẻ sơ sinh khóc?

Những ngày đầu tiên vừa chính thức ẵm bồng con trên tay, bạn cuống cuồng vì những lần bé khóc. Bé khóc vì tã bẩn, ướt, vì đau, vì đói bụng và khát sữa, vì buồn ngủ, v.v.. Hoặc thậm chí bé khóc vì chẳng có lý do nào để khóc cả, bé khóc như thói quen mang tính phản xạ, như một “nhu cầu” bình thường bên cạnh ăn, ngủ, đi ngoài, v.v..

Phản ứng của bất kỳ bà mẹ nào khi nghe tiếng khóc của con luôn là: “Con mình sao thế? Làm sao cho bé nín bây giờ?”. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, trừ khi bé khóc quá nhiều, khóc đến mức lả người đi, nôn trớ, vật vã, v.v. mới là dấu hiệu bất ổn và nguy hiểm, thì việc trẻ sơ sinh khóc là hoàn toàn bình thường, thậm chí còn được bác sĩ khuyến khích.

Cùng với sự phát triển thần kỳ của não bộ và hệ thần kinh trong 6 tuần đầu đời, bé bắt đầu tạo được mối liên kết giữa việc “khóc” với những nhu cầu cần đáp ứng như thay tã, vỗ về, lạnh, đói, v.v.. Tuy nhiên, không phải tiếng khóc nào của trẻ cũng giống nhau. Theo thời gian, cứ mỗi tháng trôi qua trong vòng 1 năm đầu đời (cho đến ngày bé biết dùng đến ngôn ngữ khác là tiếng nói), càng lúc bé càng biết cách làm “phức tạp” và đa dạng hóa tiếng khóc của mình.

Cùng với quá trình chăm sóc và việc bé “ứng dụng” tiếng khóc “thuần thục”, bạn sẽ hiểu và giải mã được các thông điệp bé “gửi” dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở những tuần lễ đầu tiên, nếu như bạn lúng túng và chưa quen, bạn có thể tập trung kiểm tra lần lượt các “thủ phạm” gây nên tiếng khóc của con như: bé có đói không? Nhiệt độ trong phòng có thích hợp? Bé có bị đau ở đâu không? Có bị côn trùng cắn đốt không? Bé có ợ được chưa hay vẫn còn đầy bụng sau khi bú? Tiếng động xung quanh có ồn ào quá? Ánh sáng trong phòng có chói gắt không?

tiếng khóc của trẻ sơ sinh

Lưu ý, bạn cần tìm nguyên nhân chứ đừng mất thời gian cố gắng dỗ bé nín bằng những câu như: “Nín đi con, nín đi con…” nhưng lại chẳng làm gì ngoài ẵm bồng bé đi tới đi lui. Như đã nói, tiếng khóc thông thường luôn ẩn chứa một thông điệp. Bạn cần tìm ra thông điệp đó. Trong trường hợp đã rà soát lại một lượt các nguyên nhân và yên tâm rằng tất cả đều ổn mà bé vẫn khóc, lúc này bạn hãy đặt con vào trong nôi, tắt bớt đèn để chỉ còn ánh đèn ngủ dịu nhẹ, yên tĩnh. Có thể ở bên cạnh bé nhưng chỉ vỗ về nhè nhẹ chứ đừng ẵm bé trên tay nữa. Được tránh xa mọi kích thích, tiếng khóc của bé sẽ “êm dịu” dần cho đến khi bé tự nín.

Ứng phó với tiếng khóc của trẻ

Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé bắt đầu biết cách “làm trò”. Bé phát hiện tiếng khóc của mình có “uy lực” nhất định, rằng hễ bé khóc, bé sẽ được quan tâm một cách đặc biệt hơn. Bé dần học được cách “mếu máo” mỗi khi muốn đòi một điều gì đấy. Đặc biệt, bé cũng bắt đầu học được cách dùng tiếng khóc để “đòi mẹ”. Bạn thắc mắc hồi trước bé không như thế nhưng nay hễ cách mẹ tí là đã khóc. Thật ra, khi còn là trẻ sơ sinh, bé hoàn toàn không có khái niệm “mẹ đi – mẹ về”.

Nhưng giờ đây, bé đã bắt đầu biết bối rối với chuyện mẹ đâu rồi, mẹ đi rồi mẹ có về không (bé học được khái niệm tâm lý gọi là “sự hiện hữu vật thể”). Chính vì đã học được, ý thức và hiểu về chuyện đó nhưng lại chưa biết nói để “hỏi” mẹ: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ về? Mẹ về sớm với con nha!” nên bé sử dụng tiếng khóc như “vũ khí” duy nhất để bày tỏ mong muốn mẹ ở gần bên.

Để giải quyết khó khăn về chuyện khóc đòi mẹ ở tuổi này, cách đơn giản nhất là bạn hãy tập cho con chơi trò ú òa. Khi bé quen thuộc dần với trò chơi này, trong ý thức, khái niệm tâm lý của bé sẽ dần hình thành được một ý niệm mới: mẹ vẫn ở đó, vẫn tồn tại và chỉ “vắng mặt” trong thoáng chốc rồi lại hiện ra. Quen được với điều này, bạn nhận ra bé sẽ bớt đòi mẹ bằng kiểu khóc ngằn ngặt mỗi khi mẹ chỉ đi đâu một chút.

Khoảng 12 tháng trở đi, bé khiến bạn lắm lúc phải phì cười vì cái trò “giả vờ” rất đáng yêu, như vừa bị mẹ la một tiếng thì lập tức bé “mếu” ngay như thể con “tủi thân” lắm vậy. Bạn cần học cách không phải lúc nào cũng đáp ứng răm rắp theo tiếng khóc của con như khi con còn bé nữa. Nếu bạn để bé nhận ra hễ khóc là “muốn gì cũng được”, bạn sẽ bị trầm cảm vì tiếng khóc của con.

Sẽ rất có ích nếu bạn học được cách dằn bớt cảm xúc trong giai đoạn này, để xác định nhanh bé khóc vì nguyên nhân gì và nếu chẳng qua chỉ là con “bày trò” thì hãy để bé tự xoa dịu bản thân. Khi bé tự dỗ mình, bé bắt đầu học được những bài học kỹ năng đầy giá trị. Đấy là cách tự làm cho mình “vui” hơn, tự “an ủi” bản thân và vượt qua những đòi hỏi không được đáp ứng.

Bạn cũng cần làm mẫu cho con, lặp đi lặp lại những câu nói thể hiện nhu cầu của bạn như: “Mẹ muốn ăn”, “Mẹ mệt”, “Mẹ buồn ngủ”. Đến một lúc, bạn sẽ nhận ra bé biết cách thay thế việc khóc ầm ĩ bằng những từ ngữ bập bẹ đầu đời đúng ngữ cảnh thể hiện mong muốn. Bạn xem, hóa ra tiếng khóc có ích biết bao nhiêu và nếu như bạn khéo “định hình”, thiên thần bé bỏng sẽ lớn khôn từng ngày, học được biết bao điều từ tiếng khóc.

Mẹo cho mẹ

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới hướng dẫn các mẹ cách ra dấu để “nói chuyện” với những bé chưa biết nói. Bắt đầu từ những nhu cầu căn bản nhất như “ăn”, “uống”, “con muốn thêm nữa”, “con không muốn nữa”. Họ phát hiện ra một kết quả rất đáng ngạc nhiên là bé ít khóc ầm ĩ hơn, thay vào đó là quen thuộc dần với cách ra dấu của mẹ để “nói chuyện” với mẹ dễ dàng hơn.

Mẹ lưu ý

Tuyệt đối không bao giờ quát tháo lớn tiếng, thậm chí đánh vào mông con khi bé khóc mãi mà bạn trở nên mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế. Những lúc bạn cảm thấy mình “quá tải” với tiếng khóc của con, bạn nên nhờ một người khác trong gia đình “tiếp sức” ẵm bồng, dỗ dành bé trong khi bạn lánh tạm sang một phòng khác để bình tĩnh lại. Càng căng thẳng, bạn chỉ càng làm bé khóc nhiều hơn, vì bằng sự nhạy cảm của mình, bé đủ sức “hiểu” hết mọi cảm giác của bạn.

Tags:

Bài viết liên quan