Vậy là mẹ con mình đã bước sang Tam cá nguyệt thứ hai. Hết 3 tháng này nữa thôi là mẹ con mình đã hoàn thành được 2/3 chặng đường dài rồi đó. Xem các thay đổi của mẹ và của bé yêu trong bụng giai đoạn này nhé…

giữa thai kỳ

(Hình minh họa)

Tháng thứ tư của giữa thai kỳ

  • Những triệu chứng buồn nôn, nôn, mệt mỏi ở những tháng đầu đã chịu biến mất. Bụng bạn lớn ra dần trong lúc bạn tiếp tục tăng cân.
  • Bạn có thể thấy xuất hiện rải rác các dấu hiệu như đau ở bụng, háng, bắp đùi, đau lưng, khó thở, bị cảm giác ngứa ra ở ngón tay, bàn tay, ngứa ở bụng, bàn chân… Những dấu hiệu này thường không quá nghiêm trọng và sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn thấy ngày càng ngứa ngáy nhiều hơn, vàng da, mệt mỏi nhiều, tiếp tục nôn ói thì nên báo với bác sĩ để kiểm tra, nhằm loại trừ trường hợp gan của bạn có vấn đề.
  • Bắt đầu từ lúc này, bác sĩ sẽ tập trung vào việc đo mức độ tăng trưởng của phôi thai. Bác sĩ sẽ khám bụng để kiểm tra độ lớn và hình dạng của tử cung, đo bề cao tử cung và nghe tim thai. Trong tháng thứ tư của thai kỳ, có thể bạn sẽ được siêu âm và “nhìn thấy” con lần đầu tiên. Bạn cũng có thể nghe được nhịp tim bé, thấy cử động của bé.

>> Lưu ý quan trọng:

Nếu bác sĩ có những yêu cầu kiểm tra nước tiểu, bạn cần thực hiện theo. Ngoài ra, ở nhà, bạn nên mua cho mình một chiếc cân và ghi lại cân nặng đều đặn sau mỗi tuần. Trường hợp từng bị cao huyết áp trước khi mang thai thì đây cũng là lúc bạn cần theo dõi huyết áp của mình chặt chẽ.

>> Bạn cần:

* Bắt đầu chọn cho mình những bộ đầm bầu rộng thoáng để dễ chịu hơn, vì lúc này vòng eo của bạn đã… biến mất.
* Tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn, có thể đi du lịch gần nhà với anh xã. Nếu bạn cảm giác bụng hơi nhỏ so với tuổi thai thì cũng đừng nên lo lắng, vì cơ thể tăng bao nhiêu là tùy thuộc vào nhiều yếu tố như chiều cao, cân nặng, thể trạng của bạn trước khi mang thai… Đừng lo lắng nếu như bác sĩ bảo rằng không có vấn đề gì cả!

Tháng thứ năm của thai kỳ

  • Bạn sẽ thấy mình tăng cân nhiều hơn. Trung bình, một thai phụ bình thường có thể tăng khoảng 0,5kg mỗi tuần, hoặc 1,5 đến 2kg mỗi tháng trong ba tháng giữa thai kỳ.
  • Ngực bạn có thể bắt đầu tiết sữa non. Các sắc tố cũng bắt đầu đậm dần. Nướu răng trở nên mềm hơn do hoạt động của các nội tiết tố thai nghén.
  • Bộ máy tiêu hóa giảm hoạt động, do đó gây ít nhiều khó chịu cho bạn trong lúc mang thai. Bạn thấy mình ợ nóng nhiều hơn. Đừng lo, chỉ là vì sự trào ngược dịch dạ dày lên thực quản gây cảm giác bỏng rát, dạ dày giảm tiết dịch nên thức ăn ở lại dạ dày lâu hơn. Cũng cần lưu ý rằng do hệ tiêu hóa giảm hoạt động nên cũng dễ gây táo bón cho thai phụ. Hãy khắc phục bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, hoa quả…

>> Lưu ý quan trọng:

Nếu đến cuối tháng thứ năm mà bạn vẫn không cảm thấy em bé cử động gì (không máy), bạn phải báo cho bác sĩ theo dõi của mình ngay.

Có thể việc không cảm nhận được cử động của em bé là do nhau thai đóng ở thành trước của tử cung (nhau thai nằm giữa em bé và vùng da bụng của mẹ). Lúc này, nhau thai như một tấm đệm ngăn cách, làm chậm thời gian bạn nhận biết cử động của thai nhi.

>> Bạn cần:

* Chăm sóc răng miệng thật tốt, đánh răng và súc miệng thường xuyên nếu như bạn không muốn mình phải chịu đựng những chiếc răng sâu, thậm chí là răng… rụng.

* Từ giữa Tam cá nguyệt thứ hai, bạn đã có thể bắt đầu chuẩn bị những thứ cần thiết cho con, như quần áo, tã lót, nôi, nệm, bình sữa… Đừng cho rằng hãy còn quá sớm.

Thực tế, đây là khoảng thời gian rất lý tưởng để thực hiện điều này vì bạn còn sức khỏe để có thể tỉ mẩn chăm chút với từng món sẽ mua. Sang Tam cá nguyệt thứ ba, cơ thể sẽ nặng nề hơn và bạn rất dễ mệt mỏi. Việc vòng quanh các khu mua sắm sẽ trở nên rất vất vả cho chính bạn.

Tháng thứ sáu của thai kỳ

  •  Đang giai đoạn tăng trọng nhanh nên bạn tiếp tục phải chịu khó ăn nhiều. Có thể tăng bữa ăn, ăn những gì khiến bạn cảm thấy thèm và ngon miệng.
  • Những cơn đau lưng xuất hiện nhiều hơn do bụng bầu ngày càng lớn. Ngoài ra, lượng máu tưới cho vùng hố chậu gia tăng nên làm cho các dây chằng khớp cùng chậu (nối xương chậu và cột sống) ở phía sau bị mềm, dãn ra. Dây chằng và sụn ở phía trước xương chậu cũng dãn. Các khớp trở nên hơi lỏng. Để tránh đau lưng, hãy cố gắng giữ lưng thẳng lúc ngồi. Tuyệt đối tránh nhấc các vật nặng trong thời kỳ này.
  • Nhiều thai phụ cảm thấy bình thường, nhưng một số khác lại cảm thấy ham muốn tình dục tăng lên do ảnh hưởng của hormone. Không sao cả! Vợ chồng bạn có thể có những động tác gần gũi êm ái, nhẹ nhàng.

>> Lưu ý quan trọng:

Bạn cần tuân thủ mọi yêu cầu thực hiện siêu âm của bác sĩ trong khoảng tuần thứ 22 của thai kỳ. Hầu hết những bất thường chính trong sự phát triển của thai nhi có thể phát hiện ra được trong giai đoạn này.

Bác sĩ cũng có thể dùng siêu âm để kiểm tra xem trẻ có bị dị tật ống thần kinh hay không, chẳng hạn như nứt đốt sống hoặc siêu âm để phát hiện những dị tật bẩm sinh có tính di truyền.

>> Bạn cần:

* Sắp xếp lại công việc ở cơ quan, vì sang Tam cá nguyệt thứ ba, bạn sẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn và có thể phải tạm nghỉ để nhập viện bất cứ lúc nào nếu bác sĩ có yêu cầu. Hãy cố gắng giảm tải công việc, bàn giao dần công việc cho các đồng nghiệp ngay từ lúc này.
* Cùng anh xã đăng ký học những lớp tiền sản. Bạn sẽ được hướng dẫn cặn kẽ về việc thở thế nào, rặn thế nào, cũng như những việc như chăm sóc bé sơ sinh thế nào để đỡ bỡ ngỡ về sau.

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa thai kỳ

Tháng thứ nhất

• Thai dài khoảng 8 cm vào tuần lễ thứ 13.
• Vào khoảng giữa tuần lễ thứ 14 đến 16, tay chân bé yêu trong bụng bắt đầu dài ra và bắt đầu trông giống như tay và chân người bình thường.

Luu y quan trong giai doan giua thai ky

 

Tháng thứ hai

• Đầu em bé trở nên tương xứng hơn với thân mình (không quá to so với kích thức cơ thể như ở Tam cá nguyệt thứ nhất nữa).
• Giữa tuần lễ thứ 18 đến 21, mẹ bắt đầu cảm thấy thai cử động, mặc dù việc này không nhất thiết xuất hiện đều đặn.

Luu y giai doan giua thai ky

Tháng thứ ba

• Thai nhi không những di động mà còn hoạt động theo những chu kỳ thức ngủ đều đặn, có thể nghe và nuốt. Sự phát triển phổi tăng rõ rệt.

Tags:

Bài viết liên quan