Dưỡng thai tháng đầu tuy phải hết sức cẩn thận, nhưng mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng và tự gây căng thẳng cho mình nhé! Mẹ bầu có thể chú ý:
Nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể trong tháng đầu tiên có thai có một sự thay đổi rất đột ngột. Tùy theo thể trạng, bạn dễ thấy nghén, mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải nhiều hơn. Lúc này, thai nhi trong bụng cũng chưa “bám chắc” nên mọi việc đi đứng đều phải nhẹ nhàng.
Bạn cần giảm tối đa việc nặng, tăng cường nghỉ ngơi, thu xếp để giải tỏa bớt cho mình khỏi các áp lực. Ngoài giấc ngủ buổi tối, hãy cố gắng để có thể ngủ thêm một giấc ngắn buổi trưa, trung bình khoảng 30 phút. Việc nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều để vững vàng cả tâm lý lẫn thể chất đón nhận một thai kì chín tháng.
Vệ sinh môi trường sống giúp dưỡng thai tháng đầu
Có thể bạn chưa có sự chuẩn bị tốt lúc ban đầu, nhưng kể từ bây giờ trở đi, bạn cần thực hiện việc đảm bảo cho mình có một môi trường sống (cả ở nhà và ở nơi làm việc) sạch sẽ, thoáng đãng.
Môi trường tù túng, ngột ngạt, nhiều bụi bẩn sẽ khiến sức khỏe của bạn lẫn bé yêu đều ảnh hưởng. Khi ra ngoài, bạn cần đeo khẩu trang thường xuyên, tránh đến những chỗ đông người, nhất là nếu bạn đang sống trong vùng có bệnh dịch hoặc chưa được chích ngừa đầy đủ trước đó.
Ngoài ra, tuyệt đối không tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Ngay cả trong gia đình, bạn cũng không nên trực tiếp dùng các hóa chất như thuốc tẩy, nước vệ sinh toilet, v.v..
Bổ sung sữa hợp khẩu vị
Các loại sữa bầu sẽ giúp bạn bổ sung nhanh chóng những vitamin, khoáng chất, dưỡng chất thiếu hụt. Do đó, nếu không bị dị ứng, khó chịu khi uống sữa, bạn nên cố gắng “nạp” vào cơ thể cho mình 2-3 ly sữa mỗi ngày.
Trường hợp không quen uống sữa hay uống vào bị khó chịu, bạn có thể thay thế bằng việc ăn sữa chua, phô mai (một chế phẩm từ sữa) và sữa hạt để giúp hành trình dưỡng thai tháng đầu thật suôn sẻ.
Xây dựng chế độ ăn phong phú
Bạn có thể mệt mỏi rất nhiều khi mới mang thai, dẫn đến chán ăn, nhìn cái gì cũng chỉ buồn nôn. Thế nhưng, hãy nhớ rằng bé yêu của bạn cần được bạn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là protein, sắt, acid folic… trong tháng đầu. Do đó, bạn cần ăn phong phú, đầy đủ các nhóm đạm, đường, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, lưu ý là với chất béo, chỉ nên sử dụng mỡ cá và các loại dầu như dầu ô liu, dầu mè, dầu nành. Hạn chế dùng mỡ động vật. Với chất đường, bạn nên hạn chế nước ngọt có ga, thức uống đóng chai có đường, thay vào đó, nên ăn các loại trái cây, để được bổ sung loại đường “tốt” từ hoa quả.
Bổ sung vitamin theo chỉ định
Trong một số trường hợp đặc biệt, do bạn mang thai đột ngột mà không có sự chuẩn bị trước, cơ thể sẽ thiếu hụt một số loại vitamin và cần được bổ sung “gấp”. Bác sĩ có thể chỉ định và theo dõi để bạn uống một số loại vitamin (dạng viên uống) trong thời gian này. Bạn không nên tự ý tăng liều hoặc bỏ không uống.
Ví dụ như bác sĩ có thể chỉ định để bạn uống bổ sung vitamin B11 giúp tránh dị hình ở ống huyết quản, bệnh tim, hở hàm ếch… bẩm sinh cho bé. Acid folic (vitamin B9) cũng cần được bổ sung để đảm bảo sự phát triển của não, các dây thần kinh…
Giữ tinh thần vui vẻ cũng là cách dưỡng thai tháng đầu
Vẫn biết bạn lo nhiều và bất ngờ trước việc có con, song hãy cố gắng giải thoát mình khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực như lo lắng, buồn tủi, sợ hãi, mệt mỏi… càng sớm càng tốt. Nếu không, chúng không những ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn máu, tiêu hóa của bạn mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Trong nhiều trường hợp, thai phụ kéo dài sự lo lắng quá lâu có thể sinh ra đứa trẻ không khỏe mạnh về mặt tâm thần. Bạn đâu muốn thế, đúng không? Hãy tìm cách giải tỏa nỗi buồn lo, tự tạo cho mình những niềm vui bằng cách xem tranh ảnh trẻ con, nghe nhạc, xem các phim hài, gặp gỡ bạn bè. Bạn càng thoải mái, bé yêu sẽ càng được hưởng lây điều đó từ mẹ đấy.
Đề phòng sảy thai
Tháng đầu tiên, thai nhi mới hình thành nên mọi kích thích, ảnh hưởng từ bên ngoài đều có nguy cơ dẫn đến việc sảy thai. Do đó, bạn hãy hết sức cẩn thận, lưu tâm, ăn thức ăn nấu sôi, chín kỹ, đi đứng nhẹ nhàng, tránh vấp ngã, tránh để bị lây nhiễm bệnh…
Tuyệt đối không nên gần gũi chồng trong giai đoạn này để tránh nguy cơ sảy thai. Trong trường hợp thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường nào như đau bụng, chảy máu âm đạo… cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Xây dựng lối sống khoa học
– Không cần thiết phải ăn quá nhiều vì tăng cân quá nhanh, vượt mức cho phép không giúp bé khỏe hơn mà ngược lại, có thể gây ra những nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường thai kì cho bạn.
– Tránh xa hải sản tươi sống hay các loại sữa tươi chưa qua tiệt trùng. Tất cả đều có thể khiến cho bạn nhiễm vi khuẩn, gây hại cho bé yêu. Toàn bộ thức ăn trong giai đoạn này phải là thức ăn được vệ sinh kỹ, ăn chín uống sôi.
– Không sử dụng bất kì hình thức thức uống nào có chứa chất cồn trong đó, từ rượu bia đến cocktail, cà phê pha rượu… Chất cồn có nguy cơ gây nguy hiểm cho thai nhi rất lớn. Ngoài ra, bạn cũng tuyệt đối cần bỏ thuốc lá, các chất gây nghiện bất kì (nếu có).
– Không được bỏ bữa. Cho dù bạn có đói hay không thì vẫn phải cố ép mình ăn bữa mới sau mỗi 4 tiếng đồng hồ (trừ 8 tiếng khi ngủ). Những bữa ăn này có thể nhẹ nhàng một ly sữa hay một ít bánh hay tô cháo nhỏ cũng được trong trường hợp bạn quá nghén. Việc ăn uống đầy đủ sẽ giúp bổ sung đủ chất cho bé yêu trong bụng.
Dưỡng thai tháng đầu là tiền đề để bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Vì thế, bạn có thể phải thật chú ý nhưng đừng quá lo lắng nhé. Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn có một thai kỳ thuận lợi!