Mẹ Và Con - Những mối quan hệ tình cảm là con dao hai lưỡi: mặc dù thật tuyệt vời khi có cảm giác yêu thương và được yêu thương lại, nhưng khi những mối ràng buộc tình cảm được hình thành thì lúc ấy ta dễ gặp phải nhiều tình huống bị tổn thương - dễ tổn thương không chỉ vì những lời nói và những xúc cảm của người bạn đời làm ta đau lòng, mà ta còn bị ảnh hưởng lây từ tâm trạng buồn bực của người bạn đời.

Nếu một đồng nghiệp hay một người bạn ủ rũ, ta thường có thể dùng lời an ủi họ mà không bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc vô cùng rối loạn đó. Còn khi người bạn đời của ta trở nên chán nản hoặc buồn bã, tức giận, ghen tị hay âu lo gì đó, thì trong ta thường dấy lên những cảm xúc khó chịu. Vậy ta có thể làm gì để đối phó với tâm trạng không tốt của chính mình, vốn là hệ quả từ tâm trạng không tốt của người bạn đời?

5 cách đối phó tâm trạng tiêu cực 1

(Ảnh minh họa)

1. Xác định và thấu hiểu những phản ứng điển hình của bạn đối với tâm trạng buồn bực của người bạn đời

Ở trường y khoa, người ta thường dạy sinh viên rằng nếu họ cảm thấy mình chán nản khi hỏi han bệnh nhân, thì thường là do bệnh nhân đó cảm thấy chán nản. Tâm trạng có thể lây truyền.

Phản ứng của bạn đối với tâm trạng của người bạn đời cũng có xu hướng giống vậy (nhưng chắc chắn không phải lúc nào cũng thế); tức là nếu chồng bạn ỉu xìu thì bạn sẽ ỉu xìu theo; vợ bạn tức giận và bạn cũng tức giận theo, v.v. Chẳng hạn như vợ tôi cáu giận với ai đó, thì tôi thường sẽ cáu giận với cô ta. Tại sao? Bởi vì tôi không thích đối diện với những người đang tức giận (điều này không hợp lí, nhưng những phản ứng theo cảm xúc thường thế).

2. Chịu trách nhiệm cho chính tâm trạng của mình, chứ không phải của người bạn đời

Phản ứng đầy cảm xúc của chính bạn đối với tâm trạng tồi tệ của người bạn đời, nếu buông thả ra bày tỏ thoải mái, thường sẽ làm hoàn cảnh đang tồi tệ sẽ càng trở nên tệ hại hơn nữa. Khi tôi tức giận với vợ mình vì cô ấy bỗng nhiên nổi cơn tức giận với ai đó, thì điều đó chỉ làm cô ấy tức giận thêm với tôi mà thôi. Nếu bạn tức giận với người bạn đời vì người đó quá lo lắng (lo lắng thường làm người ta bực mình, chẳng hạn thế) thì điều đó không chỉ không giúp được người bạn đời của mình giải quyết được nỗi âu lo đó mà còn làm cô ta hay anh ta càng thêm âu lo hơn nữa, và có nhiều khả năng sẽ tạo ra xung đột giữa hai người dù cho vấn đề ban đầu chẳng hề liên quan gì đến bạn hay mối quan hệ vợ chồng của bạn. Hãy nhớ câu thần chú này trong đầu: bạn không thể kiểm soát tâm trạng của người bạn đời. Bạn có thể tác động đến nó, nghĩa là bằng một phản ứng có mục đích rõ ràng, bạn có thể cải thiện tình huống tồi tệ này. Nhưng nếu bạn buông thả cho phản ứng của mình tuôn ra theo cảm xúc thì chẳng cải thiện được tình hình đâu.

3. Nhưng thậm chí bạn cũng không phải chịu trách nhiệm cho tâm trạng của chính mình.

Chuyện chúng ta là người như thế nào phụ thuộc phần lớn vào chuyện xung quanh ta là ai. Chẳng hạn bạn có bao giờ để ý cách mình cảm nhận và cư xử với gia đình khác với cách cảm nhận và cư xử với bạn bè – và với đồng nghiệp hay sếp còn khác nữa? Những người xung quanh gây ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn so với những gì ta nhận ra – không phải do những người đó có chủ định gây ảnh hưởng, mà ta bị ảnh hưởng bởi chính con người họ. (Ví dụ lúc bạn muốn tỏ ra yêu thương và ân cần đối với chồng nhưng lại bị lạnh nhạt, hoặc vui đùa cùng với con rồi bỗng đứa con bạn tự nhiên ăn vạ quấy khóc làm bạn thấy khó chịu.) Tức là ta thực sự không kiểm soát được những gì mình cảm nhận. Tuy nhiên, ta có thể cố gắng kiềm chế cách cư xử dựa vào cảm giác. Trong mối quan hệ vợ chồng, hãy luôn suy xét mọi phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với tâm trạng của người bạn đời, và hãy luôn cố gắng đưa ra những quyết định hành xử theo lí trí.

4. Hình thành chiến lược đối phó trước khi xảy ra tình huống

Sau một khoảng thời gian thì rốt cuộc tôi cũng nhận ra khi vợ mình tức giận về chuyện gì đó, cô ấy muốn tôi tức giận cùng với cô ấy y như thế. Tôi khám phá ra đó là cách tốt nhất để có thể nhận rõ những gì cô ấy đang cảm giác. Khi cô ta có tâm trạng tồi tệ, thì cô ấy muốn tôi thấu hiểu chứ không cần tôi giúp gì cả. Tôi thường nghĩ là mình có thể giúp gì đó mà quên đi rằng cách giải quyết của tôi hoàn toàn khác với cách của cô ấy. Tôi cần phải nhận ra rằng lí do tôi có mong muốn giúp cô ấy là vì tôi muốn tự giúp bản thân mình, tức là tôi muốn xoa dịu tâm trạng cô ấy chỉ để xoa dịu tâm trạng của chính bản thân mình mà thôi. Khi nhận ra điều này, tôi thấy mình không còn hành xử dựa vào cách lí giải của bản thân nữa, và đôi khi cách tốt nhất tôi có thể làm là hãy để cô ấy một mình, dù cho cách này thật khó khăn quá đỗi. Để thực hiện được chuyện này, tôi chỉ cần nhắc bản thân nhớ rằng tâm trạng tồi tệ của cô ta không phải lỗi của tôi (thật đáng ngạc nhiên khi ta dễ dàng tin rằng mình chính là nguyên do gây nên tâm trạng tồi tệ của người bạn đời thậm chí nhiều lúc ta chẳng liên quan gì).

5 cách đối phó tâm trạng tiêu cực

(Ảnh minh họa)

5. Chuyện này rồi cũng sẽ qua

Tất cả toàn bộ tâm trạng đều chỉ là tạm thời, không có gì kéo dài mãi. Quan trọng là hãy tìm một nơi thư thái trong lúc chồng/ vợ của bạn đang có tâm trạng không tốt. Bạn có thể cảm thấy mình thật tệ với chồng/vợ, cũng như với bản thân mình. Khi chồng/ vợ của bạn có tâm trạng tồi tệ, thì bạn vừa muốn trở thành chỗ dựa tuyệt đối cho chồng/vợ vừa muốn bản thân mình không bị tổn thương trong lòng.

Đó là mong muốn lí tưởng, và điều này tức là bạn cần gạt sang bên tình cảm vợ chồng, thậm chí giữ khoảng cách theo đúng nghĩa đen (khó khăn ở đây là làm sao thực hiện được như vậy mà không bỏ rơi người bạn đời của bạn). Có nghĩa là bạn cần dấn mình vào cuộc đối thoại nội tâm để có thể tìm ra cái tôi trắc ẩn nhất trong lòng mình để không bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực do chồng/vợ bạn gây nên, để từ đó có được cách xử sự hợp lí hơn, tránh dẫn đến xung đột giữa hai người.

Chung qui là nếu ta bắt gặp tâm trạng tồi tệ của một người nào đó, thì đây là cơ hội để ta thực hành lòng thương cảm của mình đối với người ấy. Ta cũng có thể làm điều tương tự đối với người bạn đời của mình. Để ngăn tâm trạng bản thân không bị tâm trạng của chồng/vợ mình kéo xuống cùng, điều duy nhất có thể làm chính là thiết lập khoảng cách tình cảm vừa đủ trong tâm trí, để nhìn vào anh ấy hay cô ấy như một người bình thường, có như vậy ta mới tránh được chuyện bị tình cảm chi phối quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu người bạn đời của bạn thường xuyên có tâm trạng buồn bực, khiến bạn lúc nào cũng xoay xở tìm cách giải quyết hoàn cảnh tồi tệ đó, thì bạn sẽ dễ kiệt sức. Đó có thể là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lí: nếu bạn thấy không còn là chính mình nữa, khi phải tiếp xúc đều đặn với những tâm trạng tồi tệ của chồng/vợ mình, khiến bạn có tâm trạng tồi tệ theo mà không cách chi tránh khỏi, thì đó là lúc bạn cần sự giúp đỡ, cho cả hai vợ chồng.

Tags:

Bài viết liên quan