Tại sao mẹ nên bổ sung cà tím vào thực đơn ăn dặm của trẻ?
Cà tím mềm, ngọt là thực phẩm lý tưởng để bổ sung cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm. Tuy không chứa nhiều dinh dưỡng như các loại rau củ khác, cà tím cũng chứa một lượng lớn vitamin A, folate và đặc biệt là nguồn chất xơ dồi dào.
Cà tím hấp hoặc nướng chín… không chỉ là món ăn ngon mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, giúp trẻ đi ngoài đều đặn mà còn hỗ trợ điều hòa lưu thông khí trong cơ thể. Ngoài ra, thêm cà tím vào thực đơn ăn dặm chính là cách tuyệt vời để mẹ bổ sung canxi và vitamin K cho bé.
Cà tím là thực phẩm lý tưởng để bổ sung vào chế độ ăn dặm của bé. (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng của cà tím
Trong một 1 chén cà tím có chứa:
Vitamin
- Vitamin A – 36,6 IU
- Vitamin C – 1,3 mg
- Vitamin E – 0,4 mg
- Vitamin K – 2,9 mcg
- Niacin – 0,6 mg
- Folate – 13,9 mcg
- Thiamin – 0,1 mg
- Pantothenic Acid – 0,1 mg
- Choline – 9,3 mg
Ngoài ra cà tím còn chứa một lượng nhỏ một số vitamin khác.
Khoáng chất
- Kali – 122 mg
- Sodium – 237 mg
- Canxi – 5,9 mg
- Phốt pho – 14,8 mg
- Magnesium – 10,9 mg
- Sắt – 0,2 mg
Ngoài ra có chứa một lượng nhỏ selen, mangan, đồng và kẽm.
Khi nào mẹ có thể “giới thiệu” cà tím cho bé?
Khoảng thời gian tốt nhất mẹ có thể bổ sung cà tím cho bé là vào khoảng 8-10 tháng tuổi. Mẹ có thể nấu cà tím cả vỏ, sau đó xay nhuyễn rồi trộn với nhiều loại thức ăn khác cho bé ăn. Nhưng nếu bé có vấn đề về tiêu hóa, mẹ nên gọt bỏ vỏ cà trước khi chế biến để giúp trẻ dễ dàng tiêu hóa nhé.
Độ tuổi thích hợp để cho bé tập ăn cà tím là khi bé 8-10 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)
Cách chọn và bảo quản cà tím
Mẹ chỉ nên chọn mua những quả cà tím có vỏ ngoài sáng bóng, trơn nhẵn và cuống vẫn còn tươi màu xanh. Tránh mua những quả có vết sứt, có lỗ nhỏ trên bề mặt hoặc đổi màu. Khi mua, nên dùng ngón tay ấn thử vào quả cà, nếu có độ đàn hồi, không bị héo thì chọn mua.
Để bảo quản cà tím, ngay sau khi vừa mua về mẹ không nên cắt gọt mà chỉ cần rửa sạch rồi cho vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (10 độ C). Cũng không nên cho cà tím vào túi bóng hoặc bọc lại bằng màng bọc thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh, vì như vậy sẽ khiến cà nhanh hỏng.
Chế biến cà tím cho bé ăn dặm
Đối với cà tím, mẹ có thể hấp, luộc, chiên thậm chí là cho vào lò để nướng chín. Tuy nhiên, hấp vẫn là phương pháp chế biến đơn giản cũng như giữ lại được trọn vẹn hương vị và hàm lượng dinh dưỡng vốn có trong cà. Cà tím hấp chín cũng rất mềm, dễ dàng xay hoặc nghiền, giúp bé dễ ăn.
Một số món ăn dặm cho trẻ bằng cà tím
Cà tím nghiền
Cà tím mua về rửa sạch, sau đó cắt thành nhiều miếng nhỏ rồi cho vào nồi hấp cho đến khi chín mềm. Bạn cũng có thể cho cà tím vào lò và nướng chín. Sau đó, nghiền nhuyễn trước khi cho bé ăn. Ngoài ra, mẹ có thể trộn cà tím nghiền với sữa công thức để tạo độ loãng như ý.
Có thể hấp, xào hoặc nướng cà tím khi cho bé ăn dặm. (Ảnh minh họa)
Cà tím nướng phô mai
Để chế biến món ăn này cho bé, mẹ cần chuẩn bị 1 quả cà tím, 1 ít phô mai, dầu ô liu và ít rau húng quế (tùy thích).
Thực hiện: Làm nóng lò ở nhiệt độ 190 độ C. Cắt cà tím thành khúc vừa ăn, quét đều dầu ô liu lên trên miếng cà (cả hai mặt) rồi cho vào lò nướng khoảng 25 phút. Cuối cùng mẹ rắc ít phô mai bào nhuyễn lên trên mặt rồi nướng thêm 30 giây nữa. Với món cà tím nướng phô mai, có thể xay nhuyễn cho bé ăn hoặc xắt thành miếng nhỏ để cho trẻ tập bốc ăn.
Cà tím xào
Thành phầm gồm: 1 trái cà tím; 2 muỗng canh dầu ô liu; 1/2 chén hành tây cắt nhỏ; gia vị.
Cách chế biến: Cà tím rửa sạch, gọt bỏ vỏ, sau đó cắt nhỏ. Cho dầu ô liu vào chảo đung nóng, khi dầu nóng cho hành tây vào xào đều. Hành thơm, cho tiếp cà tím vào xào cùng. Khi cà gần chín, cho gia vị vào nêm nếm cho vừa ăn, có thể thêm ít dầu ô liu còn lại vào chảo, đảo đều tay. Khi cho bé ăn, mẹ chỉ cần đợi cho cà nguội rồi xay nhuyễn là được.
Những thực phẩm có thể trộn chung với cà tím gồm:
– Đậu xanh
– Bí đỏ
– Cà rốt
– Phô mai
– Gạo lức
– Đậu lăng
– Mì ống
Lưu ý quan trọng khi cho trẻ ăn cà tím
Không nên cho trẻ ăn cà tím quá nhiều, bởi chất oxalat nếu bị tích tụ quá nhiều sẽ gây sỏi thận, suy thận. Ngoài ra, trong một số trường hợp cà tím có thể gây dị ứng cho bé, gây ngứa da hoặc miệng. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho bé, mẹ chỉ nên cho bé ăn thử một lượng ít để theo dõi phản ứng của bé nhé!
Chúc bé ăn ngoan, chóng lớn!