Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị tắc nghẽn khiến mô bị tổn thương hoặc khi mạch máu vỡ gây chảy máu não. Khi bị đột quỵ, cấp cứu càng sớm càng giúp tăng khả năng sống sót.
Vì thế, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu xem những triệu chứng đột quỵ cấp tính ở phụ nữ để có thể sớm nhận biết và đến bệnh viện nếu chẳng may việc xảy ra bạn nhé!
Các triệu chứng đột quỵ cấp tính ở nữ giới
Đột quỵ cấp tính có thể gây ra các vấn đề lâu dài như:
- Vấn đề về trí nhớ hoặc khó khăn trong suy nghĩ và nói
- Vấn đề về thị lực
- Khó khăn khi đi bộ hoặc giữ thăng bằng
- Liệt (không thể cử động một số bộ phận của cơ thể) và yếu cơ
- Khó kiểm soát hoặc thể hiện cảm xúc
- Khó khăn khi nhai và nuốt
- Khó kiểm soát khi đi vệ sinh
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thông thường bao gồm các triệu chứng sau đây xuất hiện đột ngột:
- Yếu hoặc tê ở một bên cơ thể
- Khó nói, gặp vấn đề về ngôn ngữ
- Nhìn đôi, hoa mắt
- Mất thăng bằng, khó cử động
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
Điều quan trọng mà bạn cần biết rằng phụ nữ có thể có biểu hiện đột quỵ cấp tính khác với nam giới. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phụ nữ có nhiều khả năng biểu hiện các triệu chứng không điển hình hơn nam giới, bao gồm:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Lú lẫn
- Sự thay đổi đột ngột về mặt tâm trạng và cảm xúc
Những biểu hiện đột quỵ cấp tính ở phụ nữ có thể không phải là những triệu chứng đột quỵ điển hình. Do đó, nhiều người không kịp thời nhận ra các dấu hiệu này mà thường nhầm lẫn với triệu chứng mệt mỏi do kiệt sức hoặc do hội chứng tiền kinh nguyệt.
Tại sao phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cấp tính cao hơn nam giới?
Có một số yếu tố tiềm ẩn có thể khiến phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cấp tính cao hơn so với phái mạnh. Những yếu tố đó bao gồm:
- Tuổi tác: Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới. Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ chính là tuổi tác. Vì thế, phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ cấp tính cao hơn so với phái mạnh.
- Mang thai: Phụ nữ có thể có nguy cơ đột quỵ cao hơn trong thời gian mang thai và sinh nở. Tiền sản giật, một tình trạng liên quan đến huyết áp cao trong thai kỳ, có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
- Thuốc tránh thai/Liệu pháp thay thế hormone: Một số thống kê cho thấy, việc sử dụng hormone không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ.
- Rung nhĩ: Nguy cơ rung nhĩ tăng theo tuổi tác. Phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới nên nguy cơ rung nhĩ dẫn đến đột quỵ cấp tính cũng thường cao hơn.
Phụ nữ không chỉ có nguy cơ đột quỵ cấp tính cao hơn nam giới mà còn có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn. Trên thực tế, phụ nữ chiếm khoảng 60% số ca tử vong do đột quỵ cấp tính và đột quỵ giết chết phụ nữ gấp đôi so với ung thư vú.
Cách phòng ngừa đột quỵ ở phụ nữ
Bạn có thể làm gì để phòng ngừa đột quỵ cấp tính? Nếu bạn biết rằng một yếu tố nguy cơ cụ thể nào đó đang phá hoại sức khỏe của bạn và khiến bạn có nguy cơ đột quỵ cao hơn, bạn có thể thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của rủi ro đó.
Sau đây là bảy cách để bạn bắt đầu kiểm soát rủi ro ngay hôm nay để tránh đột quỵ, trước khi đột quỵ có cơ hội xảy ra:
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là một yếu tố rất lớn, có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp bốn lần nguy cơ đột quỵ của bạn nếu không được kiểm soát. Huyết áp cao là yếu tố góp phần lớn nhất vào nguy cơ đột quỵ cấp tính ở cả nam và nữ. Theo dõi huyết áp và nếu huyết áp tăng cao, điều trị huyết áp sẽ là vấn đề cần ưu tiên để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa đột quỵ.
Giảm cân
Béo phì, cũng như các biến chứng liên quan đến tình trạng thừa cân (bao gồm huyết áp cao và tiểu đường), làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Nếu bạn thừa cân, việc giảm ít nhất 4.5 kg có thể có tác động thực sự đến nguy cơ đột quỵ cấp tính của bạn.
Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục đúng cách giúp giảm cân và hạ huyết áp, và có tác dụng riêng biệt là làm giảm đột quỵ. Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn nên tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất năm ngày một tuần.
Sử dụng rượu bia có chừng mực
Nếu bạn uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống có cồn, hãy uống có chừng mực Uống một ít rượu, chẳng hạn như trung bình một ly mỗi ngày, thì không sao. Khi bạn bắt đầu uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày, nguy cơ bị đột quỵ cấp tính của bạn sẽ tăng lên rất nhanh.
Điều trị rung nhĩ
Rung nhĩ là một dạng nhịp tim không đều khiến các cục máu đông hình thành trong tim. Các cục máu đông này sau đó có thể di chuyển đến não, gây ra đột quỵ. Người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cấp tính cao gần gấp năm lần. Vì thế, nếu bạn bị rung nhĩ hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ rung nhĩ, nên điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao theo thời gian sẽ làm tổn thương mạch máu, khiến cục máu đông dễ hình thành bên trong mạch máu hơn. Để phòng ngừa đột quỵ cấp tính, bạn cần kiểm soát lượng đường trong máu và điều trị tiểu đường, tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng tốc quá trình hình thành cục máu đông theo một vài cách khác nhau. Việc hút thuốc sẽ làm đặc máu của bạn và làm tăng lượng mảng bám tích tụ trong động mạch. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá là một trong những thay đổi lối sống mạnh mẽ nhất giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cấp tính cao. Vì thế, bạn cần kiểm soát, phòng ngừa đột quỵ cũng như chú ý theo dõi các triệu chứng để có thể kịp thời can thiệp điều trị, tránh các tình huống xấu xảy ra.