Mẹ và Con - Bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hay thấp? Hãy tìm hiểu ngay những dấu hiệu thường gặp ở người có nguy cơ bị đột quỵ cao để kiểm tra xem mình có những dấu hiệu này không bạn nhé!

Bạn có biết mình có nguy cơ đột quỵ không ? Mặc dù không có cách nào chắc chắn để biết rằng bạn sẽ hoặc sẽ không bao giờ bị đột quỵ trong đời, nhưng có những dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?

Đột quỵ là một căn bệnh ảnh hưởng đến các động mạch dẫn đến não và động mạch bên trong não. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới.

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc bị vỡ. Lúc này, một phần não không thể nhận được máu (và oxy) cần thiết nên não và các tế bào não sẽ chết.

Não là một cơ quan cực kỳ phức tạp kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể. Nếu đột quỵ xảy ra và lưu lượng máu không thể đến vùng kiểm soát một chức năng cụ thể của cơ thể, thì phần cơ thể đó sẽ không hoạt động như bình thường. Người bị đột quỵ có thể bị suy giảm chức năng vận động, yếu liệt, tàn phế; rối loạn ngôn ngữ, khó nói, nói lắp, nói ngọng; mất trí nhớ; suy giảm thị lực; phù não; viêm phổi; nhiễm trùng đường tiết niệu; động kinh; trầm cảm, rối loạn lo âu, lo lắng về cơn đột quỵ tái phát;…

Có thể ngăn ngừa tới 80% các ca đột quỵ nếu sớm nhận biết những yếu tố nguy cơ đột quỵ. Vậy, bạn có những yếu tố nguy cơ này hay không? Cùng kiểm tra ngay dưới đây bạn nhé!

nguy cơ đột quỵ

Những yếu tố cho thấy bạn thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao

Bạn bị huyết áp cao

Bị huyết áp cao liên tục, hay còn gọi là tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng bởi huyết áp cao có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sống như giảm căng thẳng và không hút thuốc.

Để phòng ngừa đột quỵ do cao huyết áp, bạn nên thường xuyên đo huyết áp tại nhà. Nếu bị cao huyết áp, cần thăm khám và dùng thuốc kiểm soát huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.

Bạn bị lượng đường trong máu cao mãn tính

Lượng đường trong máu thất thường, lượng đường trong máu tăng cao mãn tính hoặc bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể làm hỏng mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bạn cần thăm khám, tầm soát và sàng lọc nguy cơ mắc bệnh tiểu đường định kỳ và cố gắng duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn nhiều đồ ngọt.

Ngoài ra, cần dùng thuốc để điều chỉnh lượng đường trong máu theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không tự dừng thuốc hoặc thay đổi sang một loại thuốc khác.

Những yếu tố cho thấy bạn thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao

Bạn hút thuốc

Hút thuốc là một thói quen khó bỏ đối với nhiều người. Không chỉ dẫn đến các bệnh lý hô hấp như viêm phổi hay ung thư phổi, hút thuốc còn làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Bạn nên bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt.

Bạn không tập thể dục đủ

Tập thể dục rất dễ bị ngó lơ, đặc biệt là trong lúc bạn đang bận rộn, căng thẳng hay khi trời mưa, lạnh, đau mỏi cơ thể,… Việc tập thể dục có vẻ như là một rắc rối đối với nhiều người.

Tập thể dục rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tim tổng thể của bạn và việc giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Cho dù bạn khỏe mạnh hay đã bị đột quỵ nghiêm trọng, vẫn có những bài tập an toàn và dễ dàng có thể giúp bạn giữ dáng đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ.

Bạn có lượng cholesterol cao

Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra đột quỵ. Điều quan trọng là phải theo dõi mức cholesterol của bạn và nỗ lực để đảm bảo bạn ở mức khỏe mạnh nhằm giúp giảm nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh lý tim mạch khác.

Phạm vi cholesterol tối ưu cho cả nam và nữ trên 20 tuổi là 125 mg/dL đến 200 mg/dL. Bạn có thể đăng ký thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn lựa chọn chế độ ăn uống nhằm giảm lượng cholesterol.

Ngoài chế độ ăn uống, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol của bạn, bao gồm cả di truyền, có thể ảnh hưởng đến việc bạn có cần điều trị hay không.

các đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao

Bạn uống quá nhiều rượu

Mặc dù một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly rượu mỗi ngày đối với nam giới được coi là giới hạn chấp nhận được, nhưng uống nhiều hơn có thể làm tăng huyết áp và chất béo trung tính. Tác động này sẽ góp phần làm cứng động mạch (xơ vữa động mạch) và làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bạn béo phì

Nếu bạn béo phì, bạn sẽ dễ gặp các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác, bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường. Các bước bạn có thể thực hiện để giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, nếu cân nặng của bạn ở trên mức trung bình, bạn nên bắt đầu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn.

Bạn không dùng thuốc kiểm soát các bệnh lý của mình

Hầu hết các yếu tố nguy cơ đột quỵ đều có thể được kiểm soát, nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải thường xuyên dùng thuốc và thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hãy chăm sóc sức khỏe của bạn thật tốt.

Nếu bạn không dùng thuốc đúng theo chỉ định, các bệnh lý của bạn không được kiểm soát tốt thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ cao hơn, cho dù các bệnh này tưởng chừng không liên quan đến đột quỵ.

không dùng thuốc kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ

Bạn không chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch

Nếu bạn khó thở khi đi bộ hoặc gắng sức, hoặc nếu bạn bị đau ngực, điều quan trọng là bạn phải đi khám. Bệnh tim là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ và bất kỳ dạng đau ngực nào cũng là nguyên nhân gây lo ngại.

Bạn phớt lờ TIA

Hầu hết mọi người sẽ không nhận ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Chỉ mất vài phút để làm quen với các triệu chứng đột quỵ và TIA . Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong số này, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức vì TIA là dấu hiệu cảnh báo trước cơn đột quỵ.

Không nên xem nhẹ những dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ đột quỵ. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình để sau này không phải hối tiếc bạn nhé!

Bài viết liên quan