Mẹ và Con - Mía là thường được dùng trong chế biến thức uống để giải khát hàng ngày. Tuy nhiên, qua bài viết này mẹ còn phát hiện ra rằng đây cũng một nguyên liệu bổ sung vào thực đơn ăn dặm của bé với vô vàn lợi ích cho sức khỏe...

Mía là một trong những loại cây thường thấy trong đời sống hàng ngày. Chúng ta thường dùng mía để làm nước giải khát, chế biến các món ăn… Xét về thành phần dinh dưỡng, đây là một kho dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe. Vì thế, khi lên thực đơn ăn dặm cho bé, mẹ có thể thử đổi vị với nguyên liệu này để giúp con cảm thấy ngon miệng và ăn được nhiều hơn nhé!

Hàm lượng dinh dưỡng của mía

Thuộc chi Saccharum, họ Andropogoneae, mía có nhiều ở vùng ôn đới hoặc nhiệt đới Nam Á và được sử dụng để sản xuất đường vì thành phần chính của chúng là sucrose, chiếm đến 70%.

Xét về thành phần dinh dưỡng, mía là một kho dưỡng chất với rất nhiều khoáng chất như canxi, crôm, coban, đồng, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, thiamin và riboflavin…

Ngoài ra, trong mía cũng chứa chất bột, chất béo, chất đạm và nhiều vitamin quan trọng như A, C, B1, B2, B3, B5 và B6 cùng các dưỡng chất tự nhiên như chlorophyll, chất kháng oxy hóa, protein, chất xơ bão hòa và hơn 30 loại axit hữu cơ khác nên rất thích hợp dùng cho trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn ăn dặm.

Theo y học cổ truyền, mía có tên gọi khác là cam giá, tính mát, tác dụng thanh nhiệt sinh tân, giáng khí lợi niệu, dùng để bổ sung nước và hỗ trợ điều trị các vấn đề về đường tiết niệu, bài tiết, hô hấp.

thực đơn ăn dặm
Thực đơn ăn dặm cho bé

Công dụng của mía với trẻ nhỏ

Bồi dưỡng cơ thể

Nhờ hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, mẹ có thể bổ sung mía vào thực đơn ăn dặm để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ thông qua khẩu phần ăn hàng ngày.

Trong giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể dùng nước mía ép để chế biến các món ăn hay ninh mía lấy nước dùng cho trẻ ăn bột, cháo. Các món ăn có vị ngọt tự nhiên từ mía sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng và thích thú hơn khi dùng bữa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Thành phần các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, kali và magiê chứa trong mía giúp dạ dày, tim, thận và mắt của trẻ hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, chúng có tác dụng tích cực đối với hệ miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng, nhất là trong giai đoạn “nhạy cảm” khi trẻ bắt đầu thiếu hụt nguồn đề kháng tự nhiên được cung cấp qua sữa mẹ từ sau tháng thứ 6.

Phòng tránh dị ứng

Các kết quả thống kê cho thấy khoảng 40% trẻ bị dị ứng thức ăn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, thói quen ăn uống… Nếu mẹ cho bé dùng mía trong thực đơn ăn dặm, các nguy cơ này được giảm thiểu nhờ sức đề kháng tự nhiên được tăng cường và hệ tiêu hóa cũng được hỗ trợ hiệu quả.

Thanh nhiệt, giải khát

Trong những ngày trời nóng bức, mẹ có thể cho bé dùng một ít nước mát làm từ mía để bổ sung nước, giải khát một cách hiệu quả. Ngoài ra, hàm lượng kali, magiê, mangan có trong nước mía đóng vai trò là chất điện giải, giúp đề phòng mất nước, mệt mỏi, giúp bé khỏe khoắn, vui vẻ.

Thực đơn ăn dặm với mía

Vào những ngày mùa hè nóng bức, mẹ có thể chuẩn bị cho bé ăn dặm kèm mía bằng thực đơn hấp dẫn Mẹ và Con cung cấp dưới đây:

Xem thêm: Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 8 tháng tuổi

Mía nấu nước mát

Nguyên liệu

  • 100 gam mía tươi
  • 100 ml nước

Cách thực hiện

Mía tươi chẻ nhỏ cho vào 100 ml nước đun sôi kỹ cho ra nước ngọt. Sau đó, mẹ chờ nước nguội cho bé uống giải khát. Nếu muốn nước mía nấu có mùi thơm dễ uống hơn, bạn có thể cho thêm một ít lá dứa vào khi nấu.

thực đơn ăn dặm với mía

Mía ninh nước dùng

Nguyên liệu

  • 200 gam mía tươi
  • 500 ml nước

Cách thực hiện

Ngoài cách ninh xương làm nước dùng thông thường, khi chế biến bột hoặc cháo ăn dặm, bạn có thể ninh mía lấy nước ngọt rồi trộn với bột gạo hoặc cháo, rau củ, thịt cá, dầu ăn vào là có bữa ăn hoàn chỉnh cho bé yêu thưởng thức rồi đấy.

Xem thêm: Cách xây dựng thực đơn tăng chiều cao cho trẻ

Thực đơn cháo nước mía

Nguyên liệu

  • 250 gam mía tươi, ép lấy nước.
  • 50 gạo tẻ
  • 500 ml nước

Cách thực hiện

Mía tươi ép lấy nước để riêng. Sau đó, bạn cho nước và gạo tẻ vào nấu thành cháo. Nếu đã có bột gạo, bạn có thể bỏ qua công đoạn này. Sau khi cháo chín nhừ, bạn cho nước mía, thịt vào nấu chín kỹ rồi nêm nếm vừa miệng cho bé dùng.

Nước mía hạt sen, đậu xanh

Nguyên liệu

  • 250 gam mía tươi, ép lấy nước
  • 50 gam hạt sen, đậu xanh
  • 500 ml nước

Cách thực hiện

Cho nước, hạt sen và đậu xanh vào 500 ml nước ninh nhừ. Sau đó, cho nước mía vào đun đến khi sôi kỹ trở lại. Cuối cùng, chờ nước nguội và chắt lấy cho bé uống giải nhiệt.

Nước mía hạt sen, đậu xanh

Những lưu ý khi lên thực đơn ăn dặm với mía 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ có thể dùng thực đơn ăn dặm với mía ở trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển hơn một bậc nên có thể tiêu thụ được lượng đường sucrose tự nhiên có trong mía.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bạn có thể cho bé dùng mía bao nhiêu tùy thích trong thực đơn ăn dặm của bé. Tốt nhất là bạn nên:

– Cho bé thử nước mía từng chút một và tối đa là 30-50ml/ngày để theo dõi các phản ứng tự nhiên của cơ thể bé.

– Để đảm bảo thực đơn ăn dặm cho bé với mía đúng cách chính là tránh khi hệ tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề như đi phân lỏng, đầy hơi, khó tiêu. Đặc biệt, với những trẻ thừa cân, béo phì, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên mẹ hạn chế sử dụng nước mía trong thực đơn hàng ngày để kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.

– Khi bổ sung mía vào thực đơn ăn dặm hàng ngày cho trẻ, mẹ cần phải đảm bảo nguồn gốc thực phẩm và vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản. Tuyệt đối không mua nước mía ép bên ngoài vì lúc đó mẹ sẽ không kiểm soát được chất lượng.

– Cuối cùng, không có một thực phẩm nào là hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Mía cũng như vậy. Do đó, bạn không nên lạm dụng mía trong tất cả các bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Tốt nhất vẫn là đa dạng các loại thực phẩm để bé vừa thu nạp đầy đủ dưỡng chất vừa tập quen với nhiều mùi vị khác nhau và cảm thấy ngon miệng hơn khi thưởng thức các món ăn.

Hy vọng là với thực đơn ăn dặm với mía nêu trên của Tạp chí Mẹ và Con, bé của mẹ sẽ ăn ngoan chóng lớn và luôn là niềm vui của cả gia đình! 

Bài viết liên quan