Độ tuổi về hưu được xem là cột mốc dẫn qua một hành trình mới của cuộc đời – tận hưởng sự tự do, an yên, viên mãn. Và có rất nhiều người đã làm liên tục trong suốt quãng đường tuổi trẻ của họ, vì thế việc điều chỉnh lối sống phù hợp với giai đoạn nghỉ hưu có thể được xem là thử thách với họ.
Vậy cuộc sống sau về hưu như thế nào? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Những giai đoạn về hưu bạn sẽ trải qua
Giai đoạn chuẩn bị cho “công cuộc” tận hưởng
Đây là giai đoạn khởi đầu để bạn suy nghĩ về độ tuổi về hưu của mình. Tùy thuộc vào mỗi cá nhân mà giai đoạn này có thể kéo dài từ 5 – 15 năm hoặc nhiều hơn thế nữa trước khi một người chính thức chấp nhận về hưu.
Trong giai đoạn này, mọi người thường có xu hướng tưởng tượng đến những điều mà họ có thể thực hiện khi không còn vướng bận công việc, tính toán đến kế hoạch tích lũy cho quỹ hưu trí của mình. Tuy nhiên, đối với một số người thì họ vẫn quan tâm đến sự nghiệp của mình hơn. Vì thế, việc chuẩn bị chủ yếu thiên về mặt lập kế hoạch tài chính nên các khía cạnh liên quan đến về hưu ít được quan tâm hơn.
Xem thêm: Bí quyết giúp bạn nắm chắc tiền tỷ trong tay khi về hưu
Giai đoạn tận hưởng
Khi chính thức về hưu từ 1 – năm đầu, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác tự do, thoải mái hoàn toàn, giải phóng bản thân và tinh thần ra khỏi mọi áp lực, căng thẳng từ trách nhiệm công việc suốt quãng thời gian tuổi trẻ. Thay vào đó, bạn sẽ trở nên bận rộn hơn với rất nhiều lịch trình tiệc tùng, hội họp gia đình và bạn bè cũng như dành nhiều thời gian để theo đuổi sở thích của riêng mình. Thậm chí cũng có người lựa chọn thành lập nên một doanh nghiệp mới.
Đây cũng là giai đoạn bạn sẽ khá hào phóng trong việc chi tiêu tiền bạc như một hình thức tự thưởng cho bản thân sau bao năm tháng chỉ biết đến công việc.
Giai đoạn “Vỡ mộng”
Khi cảm xúc thăng hoa trong độ tuổi về hưu không còn, và giai đoạn tận hưởng cũng trở về hồi kết, nhiều người đã bị rơi vào hụt hẫng, mất phương hướng. Lí do là bạn đã quá gấp gáp và nhanh chóng hoàn thành những dự định khi về hưu nên bạn đã nhận ra cuộc sống về hưu và sự rảnh rỗi không hề thú vị như tưởng tượng.
Bởi lẽ, bạn đã dành hơn nửa cuộc đời của mình để học tập và làm việc xoay vòng, nên khi không còn đi làm, bạn sẽ cảm thấy dường như cuộc sống của mình đã thiếu đi điều gì đó. Người xưa có câu “Rảnh rỗi thì sinh tật”, một số người dễ rơi vào những thói quen không lành mạnh như bài bạc, tiệc tùng, “vung tay quá trán”…
Ngoài ra, bạn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, dễ chán nản, cảm thấy cô đơn, cảm thấy bản thân vô dụng và dễ tổn thương. Từ đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn sẽ rơi vào trạng thái đáng báo động.
Giai đoạn tái định hướng
Sau khi đã trải qua những cung bậc cảm xúc từ việc nghỉ hưu, bạn sẽ bắt đầu nhìn lại và đánh giá về trải nghiệm độ tuổi về hưu của mình. Sau đó bạn cần thực sự lắng nghe xem bản thân mong muốn điều gì. Bạn có thể dùng số vốn của mình để bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ, hoặc đầu tư hơn vào con cháu.
Hoặc bạn có thể tìm kiếm những điều giúp bạn cảm thấy cuộc sống về hưu thú vị và ý nghĩa hơn. Chẳng hạn như tham gia hoạt động tình nguyện, cộng đồng hay hội nhóm và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ, giúp bạn nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều điều trong cuộc sống đang đợi bạn khám phá.
Xem thêm: 18 việc cần làm ở tuổi 30 để cảm thấy hạnh phúc ở tuổi 50
Giai đoạn độ tuổi về hưu được viên mãn
Mọi người có thể mất đến 15 năm kể từ khi chính thức về hưu để đi đến được cột mốc này, trong khi một số người vẫn mắc kẹt ở những rối ren, thăng trầm khi mất định hướng bản thân. Trong giai đoạn độ tuổi về hưu này, bạn không còn bị ám ảnh bởi thời gian trống quá nhiều, những cảm xúc tiêu cực mỗi khi rảnh rỗi. Thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và viên mãn hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng vào tình trạng sức khỏe của mình. Hãy đảm bảo thăm khám tổng quát sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, tốt hơn là 6 tháng một lần. Lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe chi tiết, bao gồm thời gian tái khám, xây dựng các bài thể dục tại nhà cho người cao tuổi cũng như điều chỉnh lại chế độ và nguyên tắc ăn uống khoa học hơn.
Nên làm gì ở độ tuổi về hưu mà không nhàm chán
Lên kế hoạch về hưu chi tiết
Một trong những điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu vào độ tuổi về hưu là bạn cần lập kế hoạch nghỉ hưu một cách chi tiết nhất có thể, kể cả khi bạn nghỉ hưu sớm hay đúng tuổi lao động.
Hãy xác định xem bản thân muốn làm gì, muốn đầu tư vào điều gì, muốn đi đâu trong những năm tháng nghỉ hưu. Từ đó, lập ra những mục tiêu và kế hoạch chi tiết, rõ ràng nhất để giúp bản thân dễ dàng nhìn lại, đi đúng hướng hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên sắp xếp lại thứ tự những kế hoạch nào quan trọng nhất và cần thực hiện đầu tiên, sau đó đến những việc không cần thiết có thể cắt bỏ, điều này phụ thuộc vào điều kiện tài chính của mỗi người.
Tiết kiệm tiền cho phí sinh hoạt
Nếu tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm, bạn sẽ có tiền lương hưu mỗi tháng vừa đủ để chi trả những chi phí sinh hoạt cơ bản. Nhưng bạn vẫn nên tính toán lại khả năng chi tiêu vào cuộc sống mỗi ngày của mình ở thời điểm hiện tại, khi vẫn còn đi làm để cân nhắc xem số tiền lương hưu đó có ổn và đủ không.
Ngoài ra, bạn cũng phải dành dụm được một khoản để thực hiện những kế hoạch đã lập ra trước đó, như đi du lịch với gia đình và những vấn đề lạm phát.
Không quên đến chi phí chăm sóc sức khỏe
Tuổi già cũng như chấp nhận phải đối diện với nguy cơ bệnh tật nhiều hơn. Vì thế đừng quên tính toán đến khoản tiền chi cho những lần khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tiền thuốc thang, chi phí khám chữa bệnh và phòng hờ những lúc không may phải vào viện.
Hãy chắc chắn rằng bản thân đã “đầu tư” cho độ tuổi về hưu
Tính toán lại “tất tần tật” những khoản thu nhập ổn định hàng tháng sau khi bạn đã bước vào độ tuổi về hưu như: lương hưu, an sinh xã hội, những khoản đầu tư, thu nhập định kỳ ngoài nguồn chính thức và các khoản khác như được con cái chu cấp…
Trong trường hợp chưa đủ điều kiện nhận được lương hưu, hãy cân nhắc việc tiếp tục đóng bảo hiểm hay sử dụng bảo hiểm xã hội một lần vì việc lấy tiền quá sớm sẽ làm cho mọi người dễ bị ảnh hưởng sau này. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn đã lên kế hoạch phù hợp với khoản tiền tiết kiệm mà mình có và khoản tiền nhận được hàng tháng.
Sau khi nghỉ hưu, bạn sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hãy chắc chắn rằng bản thân bạn nắm rõ nhu cầu tài chính của mình trong mỗi giai đoạn và lên kế hoạch chi tiết cho những giai đoạn đó.
Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã cung cấp cho bạn những thông tin thú vị về độ tuổi về hưu, giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình “dưỡng già” của mình nhé!