Mẹ&Con – Những thay đổi trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bất cứ bà mẹ tương lai nào cũng nên tâm niệm ăn không chỉ cho mình mà còn cho sự phát triển của bé yêu trong bụng…

“Mang thai 3 tháng, nhưng có lúc tôi không muốn ăn gì, có khi lại ăn dồn rất nhiều…” – chị Quyên (Quận 6) hoang mang.

Dinh dưỡng cho bầu, sức khỏe của bé

(Ảnh minh hoạ)

Nhu cầu của phụ nữ mang thai

Sự tăng cân của thai nhi phụ thuộc vào sự tăng cân của bạn. Nếu bạn tăng cân tốt thì sau 9 tháng mang thai, bé mới đạt được 3 kg (cân nặng thông thường của trẻ sơ sinh). Đồng thời việc tăng cân trong thời gian mang thai còn giúp tích lũy mỡ, là nguồn năng lượng dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Nếu ăn uống kém, không tăng đủ cân trong quá trình thai nghén, bạn có nguy cơ bị suy kiệt, còn bé sinh ra sẽ suy dinh dưỡng.

Trong suốt thời kỳ mang thai, bạn cần tăng ít nhất là 10 kg, với những thai phụ mảnh khảnh, trọng lượng cần tăng lên đến 18 kg. Trong đó 3 tháng cuối tăng nhiều nhất, từ 5-6 kg. Để đảm bảo được lượng tăng cân này, bạn cần “nạp năng lượng” hơn người thường khoảng 350 Kcal/ ngày với một chế độ dinh dưỡng riêng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lí

Khi mang thai, bạn vẫn cần được cung cấp đầy đủ 4 nhóm thức ăn chính, nhưng với liều lượng cao hơn. Bao gồm:

– Bột, đường: Chủ yếu là ngũ cốc như gạo, bắp, khoai… Cung cấp năng lượng chính và một phần chất xơ rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn cần ăn chất bột đường cân đối với các nhóm khác chứ không nên lấy làm thực phẩm chủ đạo.

– Chất đạm: Được cung cấp qua thịt, cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa. Đây là thành phần dinh dưỡng rất cần trong thai kỳ để tạo máu và tăng sức đề kháng. Bạn nên chú ý đến các loại cá biển như cá thu, cá hồi rất tốt cho sự phát triển não của thai nhi.

– Chất béo: Với thai phụ, bạn nên sử dụng chủ yếu là chất béo có trong dầu thực vật.

– Các sinh tố (A, D, E…) và muối khoáng: Giữ vai trò quan trọng trong việc thành lập xương, cơ, tế bào máu và giữ cho hệ thống thần kinh hoạt động tốt. Các sinh tố này thường có nhiều trong rau xanh và củ quả chín.

Lưu ý: Cách ăn uống hợp lý nhất là ăn đa dạng và đầy đủ các nhóm thức ăn này. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để ăn (khoảng 6 lần/ ngày) và thay đổi thường xuyên để tránh nhàm chán.

Khi mang thai, bạn không nên kiêng kỵ món ăn, thức uống gì. Tuy nhiên, cần tránh các loại chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước trà đặc. Đồng thời hạn chế ăn các món có nhiều loại gia vị như tiêu, tỏi, ớt hay dấm.

Nước và các chất bổ sung

Nước tuy không được xem là chất dinh dưỡng, nhưng nó có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hóa, điều hòa môi trường bên trong cơ thể. Lượng nước hàng ngày cho cơ thể khoảng 1.5 lít. Ngoài nước lọc, bạn có thể thay đổi khẩu vị với các loại nước dinh dưỡng khác như nước trái cây, nước rau quả chín, sữa.

Thiếu máu do thiếu chất sắt là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai. Do đó, ngoài việc ăn thức ăn có nhiều chất sắt (như thịt bò, rau muống, các loại đậu…), bạn nên uống thêm viên sắt đều đặn cho đến sau khi sinh.

Tags:

Bài viết liên quan